06/07/2017 10:08 GMT+7

Phó chỉ huy trưởng trẻ nhất nhà giàn DK1

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Là phó chỉ huy trưởng trẻ nhất nhà giàn DK1 khi mới 22 tuổi, đến nay sau 5 năm, thượng úy Bùi Đức Thông vẫn là người trẻ nhất đảm nhận vị trí này. Anh vừa về đất liền chuẩn bị thi văn bằng 2 Đại học Luật.

Phó chỉ huy trưởng Bùi Đức Thông (bên phải) trong lễ chào cờ đầu tuần ở nhà giàn - Ảnh: NVCC

Năm năm trước, vừa tốt nghiệp Trường Sĩ quan lục quân 1 (Hà Nội) khoa binh chủng hợp thành, trung úy Bùi Đức Thông nhận quyết định về tiểu đoàn DK1 (Vũng Tàu) công tác.

Ở nhà giàn DK1/8, chỉ huy trưởng nhà giàn là thiếu tá Trương Văn Thủy, 44 tuổi. Chính trị viên là thượng úy Trần Văn Dũng, 29 tuổi. Trung úy Bùi Đức Thông là sĩ quan chỉ huy trẻ nhất nhà và cũng là người trẻ nhất trong toàn nhà giàn, đảm nhận vai trò phó chỉ huy trưởng.

Chuyến “thử lửa” nhớ đời

Ra nhà giàn đúng một tháng một ngày, đang ăn cơm trưa thì trưởng ban tác chiến của quân chủng ở Hải Phòng gọi điện lệnh cho nhà giàn làm công tác chuẩn bị rời nhà tránh bão. Nhận lệnh, mọi người lùa vội chén cơm.

Phó chỉ huy trưởng Bùi Đức Thông nhìn ra xung quanh, không khỏi ngạc nhiên khi thấy vẫn trời yên biển lặng. Vậy mà chỉ sau mấy phút, trời đã vần vũ mây đen. Gió kéo đến sầm sập! Mặt biển dậy sóng, đen kịt! Lúc đó chàng sĩ quan trẻ mới hiểu thế nào là bão biển. Nó đến nhanh khủng khiếp!

Những hình ảnh diễn ra sau đó là khoảnh khắc không bao giờ quên với chàng sĩ quan trẻ. Thượng úy Bùi Đức Thông kể tiếp: “Các anh nói hơn 10 năm ở nhà giàn chưa phải nhảy xuống biển tránh bão. Vậy mà lần này phải nhảy để bơi ra tàu vì sóng gió quá lớn. Sóng cấp 8, cấp 9. Gió cấp 9, cấp 10”.

Tất cả tài liệu đều được cuộn lại cẩn thận trong những túi đựng chuyên dụng. Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/8 mang tài liệu mật, cờ Tổ quốc, còn phó chỉ huy trưởng Bùi Đức Thông mang những gói lương thực thực phẩm, thuốc men, thuốc chống cá mập, súng, tài liệu...

Chàng lính nhà giàn mới toanh là người bơi thứ hai, chỉ sau chính trị viên - thượng úy Trần Văn Dũng. Một sợi dây phao được nối từ nhà giàn ra tàu. Cứ khoảng 20m - 30m lại có một phao gắn vào dây để tăng sức nổi cho dây. Mỗi người mặc áo phao và có một đai bảo hiểm móc vào dây trụ chính để đảm bảo an toàn, tránh bị sóng đánh bật khỏi dây khi bơi mệt, đuối sức.

Phải có ý chí sắt đá

Tàu không đi về đất liền mà đi lòng vòng tránh bão, đến các đảo bão không quét qua trú ẩn. Bốn ngày sau bão tan, anh em quay lại nhà giàn.

Phó chỉ huy trưởng trẻ nhất nhà giàn nhận định: “Không gì tốt hơn, thực hơn bằng trải nghiệm thực tế. Trải qua đợt bão gió đó và những ngày sống ở nhà giàn, dù điều kiện bây giờ đã tốt hơn rất nhiều lần so với hơn 20 năm trước đã làm mình thấm thía hơn sự hi sinh của các thế hệ đi trước. Có người gắn bó với nhà giàn đến lúc về hưu. Phải có ý chí sắt đá mới bám trụ được lâu đến như vậy”.

Hỏi anh có áp lực không khi trở thành phó chỉ huy trưởng lúc mới 22 tuổi, nhân viên cấp dưới nhiều người đã lớn tuổi và có rất nhiều kinh nghiệm, thượng úy Thông điềm đạm nói: “Lãnh đạo một tập thể, khó nhất là tạo được sự đồng thuận, chung sức chung lòng để có được một tập thể đoàn kết, phát huy tối đa sức mạnh. Mình còn trẻ nhưng có phương pháp chỉ huy tốt, quyết đoán, xông xáo, nhiệt tình, miệng nói tay làm, gần gũi, lắng nghe, chân thành thì sẽ vượt qua được áp lực lúc đầu”.

Nỗ lực của chàng sĩ quan trẻ được thể hiện không phải bằng các thành tích cá nhân mà chính là kết quả của tập thể nhà giàn ở những nơi anh công tác. Trong những đợt kiểm tra toàn diện đầu năm của Vùng 2 Hải quân, những nhà giàn nơi Thông công tác đều đạt kết quả cao nhất: loại giỏi (trong ba mức: đạt, khá, giỏi).

Cuộc sống nhà giàn nhiều vất vả và có lúc cả hiểm nguy. Nhưng Thông bảo anh không bao giờ kể về bão gió với bố mẹ. “Mình sợ bố mẹ lo lắng, không giải quyết được vấn đề gì mà lại ảnh hưởng sức khỏe. Khi mình đi biển, bố mẹ đã lo lắng nhiều vì ông bà có câu “nhất thủy, nhì hỏa”. Mình không ngại khi ra nhà giàn công tác. Không thể để các chú, các anh ở mãi bám trụ mãi ở nhà giàn, phải có những người trẻ không ngại thử thách, gian khổ, sẵn sàng ra biển, dám hi sinh một phần tuổi trẻ”.

Cảm giác khó tả lắm

Trong chuyến “thử lửa” giữa trùng khơi của Đức Thông và đồng đội, cứ người này nối người kia bơi lần theo dây ra tàu. Anh em trên tàu thả cầu thang sắt để mọi người bám vào leo lên. Nhưng có lẽ vì bơi mệt, lại bị một đợt sóng tràn đến đánh ụp xuống, lực hút quá mạnh, kéo chính trị viên Trần Văn Dũng chìm xuống biển. Tất cả bàng hoàng, sững sờ, cứ nghĩ chính trị viên đã hi sinh...

Năm giây sau anh Dũng nổi lên, tiếp tục bơi vào leo lên tàu. Rút kinh nghiệm, anh em trên tàu không dùng thang sắt nữa mà dùng thang làm từ các nút thắt để anh em dễ bám vào hơn. Thượng úy Bùi Đức Thông bảo anh không quên được cảm giác khi lên boong tàu, mấy anh em ôm nhau khóc. “Tàu cách nhà giàn khoảng 300m nhưng sóng đánh rất mạnh, cứ cản người lại, bơi vô cùng khó khăn. Sóng đánh vào mắt, nhòe đi. Nước biển nên rất xót. Mình uống nước biển mấy lần. Lúc đó tự nhiên nghĩ về bố mẹ rất nhiều. Cảm giác khó tả lắm” - thượng úy Bùi Đức Thông nhớ lại.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên