03/10/2019 08:46 GMT+7

Phó chánh án quận 4 bị bắt tạm giam: Thế nào là xâm phạm chỗ ở người khác?

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Sau sự việc ông Nguyễn Hải Nam (phó chánh án tòa quận 4) và ông Lâm Hoàng Tùng (giảng viên Trường Nghiệp vụ kiểm sát) bị bắt tạm giam liên quan tranh chấp nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, dư luận quan tâm hành vi nào là xâm phạm chỗ ở người khác?

Phó chánh án quận 4 bị bắt tạm giam: Thế nào là xâm phạm chỗ ở người khác? - Ảnh 1.

Căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM - Ảnh: CTV

Liên quan vụ tranh chấp nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) gây xôn xao dư luận, Công an Q.1 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Nguyễn Hải Nam (phó chánh án TAND Q.4) và ông Lâm Hoàng Tùng (giảng viên Trường Nghiệp vụ kiểm sát).

Công an khẳng định đủ căn cứ để khởi tố và tạm giam 2 người này về hành vi "xâm phạm chỗ ở người khác" theo điều 158 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015. Tuy nhiên, dư luận đặc biệt quan tâm khái niệm thế nào là chỗ ở và hành vi nào là xâm phạm chỗ ở người khác.

Nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm là chỗ ở của bà Thảo?

Ngày 2-10, ngay sau khi bắt giam ông Lâm Hoàng Tùng và ông Nguyễn Hải Nam, Công an TP.HCM đã phát đi thông báo cho thấy có đủ căn cứ xác định rằng nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm là chỗ ở của gia đình bà Hoàng Thị Thu Thảo. Do đó, việc ông Tùng thuê người đến di chuyển những người trong gia đình bà Thảo ra khỏi căn nhà trên là xâm phạm vào chỗ ở của gia đình bà Thảo.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm đang tranh chấp và việc mua bán chưa xong, việc xây dựng còn nhiều sai phạm thì việc gia đình bà Thảo sinh sống trong căn nhà đó có hợp pháp hay không?

Ngay sau khi ông Lâm Hoàng Tùng bị bắt, luật sư Trần Thu Nam (luật sư bào chữa cho ông Tùng) đã có bản kiến nghị khẩn cấp gửi cơ quan chức năng khẳng định bà Thảo không có quyền và không được phép cư trú tại căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm. Việc cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam ông Tùng là có thể dẫn đến oan sai.

Theo đó, luật sư Nam cho rằng ngôi nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn còn đang thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bà Trần Trọng Anh Chi (người ký hợp đồng chưa công chứng bán nhà cho bà Thảo), đồng thời căn nhà này vẫn chưa được hoàn công và việc bà Thảo đưa gia đình vào ở là không đảm bảo an toàn.

Do đó, việc ông Tùng (được bà Chi ủy quyền) đến yêu cầu bà Thảo rời khỏi ngôi nhà là đúng pháp luật. Bởi nếu tiếp tục có người ở trong căn nhà đã bị buộc phải tháo dỡ những hạng mục sai phạm là không đảm bảo an toàn cho những người sống trong căn nhà.

Do đó, luật sư Nam cho rằng bà Thảo đang cư trú bất hợp pháp tại ngôi nhà trên.

Luật quy định thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Dũ - Đoàn luật sư TP.HCM - cho biết theo định nghĩa về chỗ ở tại Luật cư trú, Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản dưới luật thì chỗ ở được quy định khá tương đồng nhau về nội dung.

Cụ thể: khoản 9 điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định "chỗ ở" như sau: "Chỗ ở là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật".

Hoặc theo quy định tại khoản 1 điều 12 Luật cư trú thì "chỗ ở hợp pháp" được khái niệm như sau: "Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật".

Như vậy, nếu căn cứ theo quy định của các luật trên thì chỗ ở, chỗ ở hợp pháp phải là nơi được cho mượn, cho thuê, hoặc thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân. "Đây là 2 khái niệm khác nhau nhưng lại được quy định khá tương đồng trong 2 bộ luật" - ông Dũ nhận định.

Phó chánh án quận 4 bị bắt tạm giam: Thế nào là xâm phạm chỗ ở người khác? - Ảnh 2.

Bị can Nguyễn Hải Nam bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi xâm phạm chỗ ở người khác - Ảnh: CTV

Gầm cầu cũng là... chỗ ở

Mặc dù Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật cư trú quy định về chỗ ở như trên nhưng theo ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Dũ, pháp luật hình sự quy định rộng hơn luật chuyên ngành về chỗ ở.

"Hiện nay có nhiều quan điểm cho rằng chỗ ở bị xâm phạm trong điều luật 158 BLHS 2015 phải là chỗ ở hợp pháp; tuy nhiên theo tôi, quan điểm này không chính xác bởi theo nguyên văn ngữ pháp trong điều luật, chỉ quy định là chỗ ở chứ không quy định là chỗ ở hợp pháp" - ông Dũ nói.

Luật sư Dũ cho rằng BLHS có phạm vi bao quát tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội và BLHS không quy định rằng những khái niệm trong BLHS phải được vận dụng theo khái niệm của luật chuyên ngành.

Do đó, nếu vận dụng khái niệm của luật chuyên ngành để áp vào luật hình sự sẽ không đầy đủ, không phù hợp. Vì luật chuyên ngành chỉ điều chỉnh phạm vi nhất định nào đó, thuộc lĩnh vực nào đó.

"Nếu cho rằng chỗ ở hợp pháp mới là đối tượng của tội này thì xã hội sẽ mất trật tự về việc chiếm nhà, chiếm chỗ ở không hợp pháp" - ông Dũ tỏ ra lo lắng.

Còn luật sư Hà Ngọc Tuyền (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng đây là vụ án mà các cơ quan tố tụng Q.1 tiếp nhận thông tin tố giác và ra các quyết định tố tụng rất nhanh chóng, kịp thời để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Tuy nhiên, ông Tuyền nói rằng với những tranh cãi hiện đang diễn ra về việc bà Thảo ở căn nhà đó có hợp pháp hay không thì cũng cần xem xét. "Nếu bà Thảo ở trong căn nhà đó một cách không hợp pháp thì đây chính là căn cứ để bào chữa cho người vi phạm pháp luật" - ông Tuyền nêu ý kiến.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ kiểm sát cho rằng chỗ ở được bảo vệ của công dân không nhất thiết là chỗ ở hợp pháp. Gầm cầu, chân cầu thang... cũng có thể được coi là chỗ ở. Việc xác định chỗ ở đó có vi phạm pháp luật hành chính hay không thì phải do cơ quan chức năng ra các quyết định chứ không phải do các cá nhân khác tự ý ra quyết định.

Bảo vệ quyền chỗ ở không hợp pháp?

Một câu hỏi đặt ra là nếu một người ngụ tại nơi được coi là "chỗ ở không hợp pháp" thì pháp luật hình sự có bảo vệ hay không? Luật sư Nguyễn Văn Dũ cho rằng: "Pháp luật hình sự không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân mà còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác như: bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ trật tự pháp luật".

Do đó, những hành vi tuy xâm phạm lợi ích không hợp pháp của người khác nhưng bản thân hành vi đó lại xâm phạm trật tự, an toàn xã hội thì cũng bị coi là tội phạm.

Tội xâm phạm chỗ ở

Điều 158 BLHS 2015 quy định: "Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;

c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;

d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

Bình luận về tội danh này, luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích: Đối tượng bị xâm phạm là "chỗ ở của người khác" bao gồm nhiều hành vi cụ thể như: khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ; chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ; xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác với lỗi cố ý.

Tạm đình chỉ công tác giảng viên bị tố bắt cóc trẻ em, xâm phạm chỗ ở giữa TP.HCM Tạm đình chỉ công tác giảng viên bị tố bắt cóc trẻ em, xâm phạm chỗ ở giữa TP.HCM

TTO - Liên quan vụ thẩm phán, giảng viên bị tố bắt trẻ em, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM vừa ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lâm Hoàng Tùng (giảng viên của trường) 15 ngày, tính từ ngày 1-10.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên