Phóng to |
Thực hành nghề hàn công nghiệp tại Trường CĐ nghề Việt-Hung (Hà Tây) - Ảnh: T.Đ.T |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Đề án do Hội Dạy nghề VN và Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB &XH) xây dựng dự kiến trình Thủ tướng quyết định trong tháng 5-2008.
Tại hội nghị đóng góp cho đề án vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều chuyên gia về nguồn LĐ và lĩnh vực dạy nghề cho rằng nếu không thật sự có những đổi mới đồng bộ trong hoạt động đào tạo nghề, mục tiêu trên khó đạt được.
Tăng vốn đầu tư cho dạy nghề
Chất lượng nguồn nhân lực VN đang đứng áp cuối trong bảng xếp hạng châu Á là một nội dung được Hội Dạy nghề VN, Tổng cục Dạy nghề đưa vào phần thực trạng nguồn LĐ nước ta trong đề án. Theo đó, qua các chỉ số về tay nghề, kỷ luật LĐ, kỹ năng hội nhập... nguồn nhân lực của VN là 3,79 điểm, chỉ hơn được Indonesia 3,44 điểm, thua xa Hàn Quốc (6,91 điểm) và Singapore (6,81 điểm). "Đây chính là rào cản lớn nhất của LĐ nước ta trong quá trình hội nhập và có nguy cơ LĐ VN thua ngay trên sân nhà, mất việc làm vào tay người nước ngoài khi Chính phủ đã có nghị định cho phép tiếp nhận LĐ nước ngoài vào làm việc. Thế mạnh về nguồn LĐ rẻ của nước ta không còn giá trị nữa" - ông Phan Chính Thức, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, nhận định. |
Bà Nguyễn Thị Hằng, chủ tịch Hội Dạy nghề VN (nguyên bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH), khá bức xúc khi phân tích một nghịch lý: các nhà đầu tư nước ngoài khi sử dụng LĐ VN đều kêu ca chúng ta thiếu từ nguồn nhân lực kỹ thuật cao đến LĐ phổ thông. Trong khi đó, số người trong độ tuổi LĐ nước ta trên dưới 40 triệu người và tỉ lệ thất nghiệp trên phạm vi toàn quốc không hề giảm là vì sao?
Đồng thời, lượng LĐ nông thôn dư thừa ngày càng lớn do quá trình công nghiệp hóa. "Cái chính là cơ chế, chính sách và đầu tư cho lĩnh vực dạy nghề đã có nhưng chưa thỏa đáng, nhất là chưa phù hợp, linh động với từng giai đoạn phát triển của đất nước" - bà Hằng phân tích thêm.
Tuy nhiên, theo ông Phan Chính Thức - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, vốn đầu tư của Nhà nước cho giáo dục nói chung và dạy nghề nói riêng hằng năm không nhỏ, không thua kém các nước trong khu vực nhưng chưa rành mạch và phải có trọng điểm từng giai đoạn nên hoạt động dạy nghề chưa phát huy được hết.
Ông Thức dẫn chứng: ngân sách năm 2007 Nhà nước phân bổ cho hệ thống giáo dục là gần 70.000 tỉ đồng (khoảng 20% ngân sách), nhưng khi phân bổ kinh phí cho hoạt động dạy nghề chỉ 6%. Theo ông Thức, tại các nước phát triển, kinh phí phân bổ cho hoạt động dạy nghề và giáo dục khác là 50-50.
Một điểm mới trong đề án là phổ cập nghề cho LĐ là TN vào năm 2020. Ông Thức cho rằng cần phải kết hợp nhiều "nhà” thì mới làm nổi, nhất là phải để cho các doanh nghiệp chủ động và góp tay vào quá trình đào tạo nghề cho LĐ mà mình đang sử dụng. "Xây dựng một cơ chế "doanh nghiệp cần nhà trường đào tạo" các nước khác đã làm từ lâu, sao ta còn dè dặt áp dụng một cách hạn chế hay cứ đào tạo xong rồi đâu lại về đó?" - ông Thức nhấn mạnh.
Nhiều đại biểu đồng tình khi cho rằng việc phổ cập nghề cho TN là hoàn toàn có thể khi "có đà” từ đề án "10.000 tỉ đồng" mà Chính phủ giao cho T.Ư Đoàn và Bộ LĐ-TB&XH triển khai để nâng tỉ lệ LĐ qua đào tạo nghề lên 50% trong giai đoạn tới. Trong đề án của mình, Tổng cục Dạy nghề đề nghị Chính phủ tăng chi ngân sách cho hoạt động dạy nghề lên 10-12% ngân sách chi cho GD vào năm 2010 và 15-17% vào năm 2020.
Áp dụng các chuẩn quốc tế vào hoạt động dạy nghề
Chất lượng LĐ VN thấp là do đâu? Theo ông Vũ Kim Bảng - hiệu trưởng Trường trung cấp nghề kỹ thuật và nghiệp vụ Quang Minh, nguyên nhân do hệ thống dạy nghề chưa có sự kiểm định về chất lượng riêng.
Để giải quyết tình trạng này, đại diện Công ty Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục VN nêu giải pháp: hệ thống đào tạo nghề cần phải kiểm định chất lượng cả ở khía cạnh dạy và học, đồng thời Tổng cục Dạy nghề nên thành lập một cơ quan thẩm định chất lượng của mình để thường xuyên kiểm định chất lượng đào tạo nghề ở các cấp. "Cần mạnh dạn áp dụng các chuẩn quốc tế về dạy nghề tại các trường đào tạo nghề trọng điểm và dạy nghề để xuất khẩu LĐ đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ và kỷ luật LĐ" - vị đại biểu này nêu ý kiến.
Phía Hội Dạy nghề VN cho rằng nếu áp dụng được các chuẩn quốc tế vào hoạt động đào tạo nghề, đến năm 2020 sẽ xây dựng thành công ba trường dạy nghề đạt tiêu chuẩn thế giới và 40 trường dạy nghề khác đạt tiêu chuẩn trong khu vực.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - cho biết thời gian tới Tổng cục Dạy nghề sẽ tạo cơ chế tự chủ cho các trường nghề về khung chương trình đào tạo, tổng cục chỉ kiểm tra đánh giá về mặt chất lượng và thiết lập cơ chế "cầu nối" giữa các cơ sở dạy nghề - doanh nghiệp sử dụng LĐ theo nhu cầu thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận