29/07/2024 11:53 GMT+7

Phim xưa bí ẩn kinh dị Miền quên lãng và người biên kịch 70 tuổi

So với mặt bằng chung, Miền quên lãng (đang phát sóng trên HTV7) mang màu sắc khá lạ: phim xưa pha lẫn một chút bí ẩn, kinh dị. Tác giả kịch bản là nhà văn, nhà biên kịch Trần Thị Bảo Châu, 70 tuổi.

Phim xưa bí ẩn kinh dị Miền quên lãng và người biên kịch 70 tuổi- Ảnh 1.

Biên kịch Trần Thị Bảo Châu trong buổi ra mắt phim Miền quên lãng

"Chỉ có thay đổi mình thì tôi mới có cơ hội để tồn tại trong giới biên kịch ngày nay" - biên kịch Bảo Châu chia sẻ với Tuổi Trẻ. Miền quên lãng cũng là kịch bản đầu tiên bà viết mới hoàn toàn, thay vì dựa theo tiểu thuyết của mình như những kịch bản trước.

Kịch bản rất quan trọng. Nếu kịch bản hay vào tay đạo diễn giỏi thì phim càng hay, vào tay đạo diễn dở thì phim trung bình thôi. Nếu kịch bản dở thì chắc chắn phim dở.
Biên kịch TRẦN THỊ BẢO CHÂU

Trailer phim Miền Quên Lãng

Ba tiểu thuyết giá một căn nhà

Khi là nữ sinh trung học Trường nữ Gia Long (nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM), Bảo Châu đã tập tành viết lách.

Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Sài Gòn, bà đến Tiền Giang làm việc. Tới năm 1992, Bảo Châu bắt đầu viết tiểu thuyết, đến nay xuất bản tổng cộng 62 cuốn.

Bà kể hồi đó người ta đưa bà ba cây vàng để đặt cọc viết ba cuốn tiểu thuyết. Bà đem ba cây vàng ấy đi mua nhà. Thế là Bảo Châu có nhà ở Tiền Giang.

"Tôi viết tiểu thuyết tình cảm (nay gọi là ngôn tình) theo đơn đặt hàng, viết xong thì họ lấy bản thảo đi in.

Mỗi tiểu thuyết in khoảng 10.000 cuốn. Thời đó, truyện phát hành chủ yếu ở quầy thuê truyện. Những gì viết ra có rất nhiều người đọc", nhà văn kể.

Song dần dần phong trào đọc tiểu thuyết dạng đó hết thời, năm 2007 bà bắt đầu chuyển sang viết kịch bản phim.

Những kịch bản Đi qua ngày biển động, Dòng sông định mệnh, Cỏ biếc, Mùa cúc susi, Lẩn khuất một tên người… của bà sau đó đều trở thành những phim truyền hình thu hút khán giả và đoạt nhiều giải thưởng.

Phim xưa bí ẩn kinh dị Miền quên lãng và người biên kịch 70 tuổi- Ảnh 3.

Phim Mùa cúc susi do Trần Thị Bảo Châu viết kịch bản đoạt nhiều giải thưởng - Ảnh: ĐPCC

Tiểu thuyết sang phim truyền hình không đơn giản

Tác giả Bảo Châu cho biết chuyển thể từ tiểu thuyết của mình có lợi thế là đã có sẵn nội dung câu chuyện. Song từ tiểu thuyết sang kịch bản phim là cả vấn đề.

"Khi đóng phim Lẩn khuất một tên người, diễn viên Nguyễn Đức Thịnh góp ý: Chị viết thoại còn giống văn học lắm nha. Tôi biết ơn Thịnh đã chỉ ra nhược điểm của mình mà hồi đó giờ tôi không để ý", bà kể.

Phim xưa bí ẩn kinh dị Miền quên lãng và người biên kịch 70 tuổi- Ảnh 4.

Cảnh trong phim Lẩn khuất một tên người - Ảnh: ĐPCC

Rồi có lần Bảo Châu viết truyện Muộn, nói về tình yêu của người đàn bà lớn tuổi. Chị ấy được một cậu thanh niên nhỏ tuổi hơn mình yêu nhưng lại không chấp nhận tình yêu ấy và lẩn trốn.

Nhà văn Trang Thế Hy nhận xét "viết phải có tâm, chứ đừng viết ác". Lời nhận xét ấy đã khiến bà bừng tỉnh. "Với câu chuyện trên, đúng là thấy tội người phụ nữ ấy. Suy cho cùng thì phụ nữ được trai trẻ yêu đâu tội lỗi gì mà chị phải chạy trốn. Một kết thúc mở cho tình yêu ấy sẽ hay hơn", bà nói.

Từ đó, biên kịch Bảo Châu chọn cách viết dù có thăng trầm, có yêu thương, hờn giận nhưng luôn là một kết thúc có hậu và phảng phất trong đó là những câu chuyện như cổ tích.

Trong ngôi nhà nhiều cây xanh và sách vở ở quận 7 (TP.HCM), biên kịch Bảo Châu sống lặng lẽ cùng chồng.

Ngày hè các cháu về chơi nên rộn ràng hơn ngày thường. Một số buổi chiều, bà qua nhà mẹ ở gần nhà để coi ngó, chăm sóc mẹ già đã hơn 90 tuổi.

Rồi bà vui vẻ nói ngày xưa bà từng viết tiểu thuyết mà mua được nhà. Ngày nay, bà viết kịch bản phim vừa là niềm vui, cũng là cách kiếm sống ở tuổi già.

"Tôi mong mỗi năm may mắn có kịch bản được làm phim là tốt rồi. Người già ăn uống tiêu xài không bao nhiêu nên tôi vẫn lo liệu được cho cuộc sống của mình, chưa cần đến sự giúp sức của con cái", bà nói.

Phim xưa bí ẩn kinh dị Miền quên lãng và người biên kịch 70 tuổi- Ảnh 6.

Cảnh trong phim Miền quên lãng - Ảnh: ĐPCC

Thu thập tư liệu từ báo chí

Biên kịch Bảo Châu kể bà có cách thu thập tư liệu là "đọc và đọc thật nhiều". Đọc sách, đọc báo và làm tư liệu thật kỹ.

Ngày xưa đọc báo giấy, thấy bài nào hay, bà đều cắt lại để lưu, khi cần lấy làm tư liệu viết truyện, kịch bản. Còn bây giờ bà đọc trên máy tính, thấy hay là lưu bài lại ở những thư mục riêng để đọc dần.

"Như khi chuyển thể tiểu thuyết Cỏ biếc thành kịch bản, tôi chọn bối cảnh phim bắt đầu từ trang trại nuôi bò.

Trang trại này rất lớn ở Phan Thiết, đã được một tờ báo viết nhiều kỳ. Khi đạo diễn chọn bối cảnh, tôi còn đưa ra những địa chỉ các trang trại bò mà tôi lưu giữ để đạo diễn tham khảo", bà kể.

Miền quên lãng: Ông Hội của Huy Cường ác mọi Miền quên lãng: Ông Hội của Huy Cường ác mọi 'ngóc ngách'

Để ghi hình phim 'Miền quên lãng', các diễn viên Huy Cường, Lê Minh Thuận, Phước Tài… đã trải qua những cơn mưa rừng dai dẳng và những con bọ đeo bám khắp người.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên