Cứ ngỡ Mai cùng Gặp lại chị bầu sẽ "cân đẹp" mùa phim Tết, thì bỗng xuất hiện Đào, phở và piano.
Nhưng chuyện lạ mùa phim Tết 2024 nào chỉ có thế!
Mai đang thắng lớn bỗng xuất hiện Đào...
Đến 30 Tết, công chúng vẫn đinh ninh mùa phim Tết năm nay sẽ là cuộc đua của bộ tứ: Mai - Gặp lại chị bầu - Sáng đèn - Trà, cùng ra mắt trên toàn quốc vào mùng 1 Tết. Nhưng chỉ sau hai ngày công chiếu, Trà (nhà sản xuất, đạo diễn Lê Hoàng) tuyên bố rút khỏi đường đua phim Tết vì doanh thu không khả quan, chưa hẹn ngày trở lại.
Hai ngày sau (14-2), bộ phim Sáng đèn của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường cũng có động thái tương tự phim Trà. Thị phần phim Tết tưởng đâu nằm gọn trong tay Mai và Gặp lại chị bầu. Nhưng trong lúc doanh thu phim Mai tăng vùn vụt, phá vỡ mọi kỷ lục về doanh thu phim chiếu rạp tại Việt Nam, có cả kỷ lục phim đạt 400 tỉ đồng nhanh nhất mọi thời đại của màn ảnh Việt, thì bỗng đâu xuất hiện Đào, phở và piano.
Cũng công chiếu từ mùng 1 Tết, nhưng mãi đến khi sắp hết "mùng", Đào, phở và piano mới rần rần. Lý do là tác phẩm này chỉ chiếu duy nhất tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, Hà Nội. Sau hơn một tuần công chiếu, hôm 18-2, phim trở thành "hiện tượng", khi giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia cho biết trang web của đơn vị này bị sập vì lượng truy cập cao, các suất kín chỗ. Do đó, trung tâm đã mở thêm khung giờ phục vụ người xem, bằng cách giảm khoảng mười suất chiếu phim Mai của Trấn Thành, để lấy chỗ cho tác phẩm của đạo diễn Phi Tiến Sơn.
Trước "cơn sốt" của Đào, phở và piano, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết đã đề xuất Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc chiếu phim trên toàn quốc. Dẫu vậy, ông Thành cũng nhận định việc này khá khó, vì dự án Nhà nước cấp kinh phí sản xuất, không có chi phí phát hành.
Cũng theo cục trưởng, đơn vị chiếu Đào, phở và piano với mục đích cống hiến cho khán giả, phục vụ ngành điện ảnh, còn doanh thu phải nộp 100% vào ngân sách nhà nước. Để phổ biến dự án đến các cụm rạp toàn quốc, cần quy định về tỉ lệ phần trăm doanh thu cho các nhà phát hành.
Đến đoạn này, công chúng mới "té ngửa" vì sao Đào, phở và piano chỉ được chiếu ở rạp duy nhất, dù là phim có chất lượng, nhưng ngay từ đầu không có tên trên "đường đua phim Tết".
Cũng từ vụ này, fan điện ảnh mới biết thêm ngoài Đào, phở và piano còn có Hồng Hà nữ sĩ - dự án thứ hai sử dụng kinh phí nhà nước năm 2023, của đạo diễn Nguyễn Tuấn Việt. Một tuần ra mắt, phim chỉ có ba suất chiếu một ngày, không được quảng bá nên... "chìm xuồng".
Một mùa phim Tết khác thường
Mãi đến hôm 22-2, Đào, phở và piano mới "rón rén" ra rạp toàn quốc, và công bố doanh thu được 1 tỉ đồng. Dẫu chẳng bằng "cái móng tay" của Mai và khó bù nổi số tiền đầu tư lên đến 20 tỉ đồng, nhưng lại được coi là "một tín hiệu đáng mừng đối với dòng phim Nhà nước đặt hàng"!
Lại nói về doanh thu phòng vé, tại thời điểm Mai tưng bừng với con số hơn 400 tỉ đồng doanh thu, thì lại nổ ra những nghi vấn về độ chính xác của Box Office Vietnam - một trang web đăng tải bảng xếp hạng doanh thu, được nhà sáng lập xác nhận hoạt động độc lập với báo cáo nội bộ của các đơn vị sản xuất, phát hành.
Với nhiều nghi ngại về số liệu chưa chính xác, "thao túng thị trường" của trang web này, chuyện phim Tết vốn thường "vui tung tăng hớn hở" lại kéo sang nhiều "chuyên đề dài tập" khác.
Trong số đó đã "nóng" lại chuyện người chưa đủ độ tuổi xem phim vẫn vô tư vào rạp. Và Mai của Trấn Thành dù là phim dán nhãn 18+, vẫn thoải mái đón học sinh chưa đủ 18 tuổi vào rạp xem suốt những ngày Tết. Thế là Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lại bận rộn vào cuộc. Có vẻ khá muộn màng, khi "nước đầu" của Mai cũng đã phục vụ gần hết lượt khán giả, và doanh thu phim cũng đã phá mọi kỷ lục rạp chiếu.
Quyết để phim 18+ ra rạp dịp Tết kể ra cũng là "chuyện lạ". Bởi thị trường phim Tết lâu nay được mặc định dành cho dòng phim gia đình, đối tượng nào cũng có thể đi xem thì càng dễ "thắng". Trấn Thành để nhiều cảnh giường chiếu (mà thực tế là không quá cần thiết), chấp nhận gắn "mác 18+" vào phim Mai kể cũng rất... lì, cho thấy sự tự tin không hề nhẹ của anh. Nhà sản xuất thì ngày một tự tin, khán giả thì ngày một tự nhiên, cởi mở.
Không chỉ "thoải mái" trong chuyện 18+, chủ đề và thể loại phim Tết năm nay cũng "lạ lắm à nha". Hài hước, vui vẻ chỉ là gia vị nhẹ trong loạt phim Việt Tết Giáp Thìn. Dù Mai, Gặp lại chị bầu, Sáng đèn hay Trà đều quy tụ các ngôi sao hài nhiều thế hệ, cùng vô số mảng miếng hài, nhưng rõ ràng các câu chuyện phim đều "buồn thấy thương, sầu thấy sợ".
Với Mai, đó là những bi kịch gia đình kèm câu chuyện tình đẹp mà dang dở, gây nuối tiếc. Phim kết với hàng nước mắt đầy buồn tủi, thương cho phận mình của nữ chính. Nếu là mấy năm trước, chắc đã có những tiếng chặc lưỡi, "đầu năm đầu tháng, sao chiếu phim đẫm lệ".
Nhưng nay đã khác xưa rồi, đến "bầu bí" mà nhà sản xuất cũng không kiêng kỵ dịp Tết. Gặp lại chị bầu tuy doanh thu không vang dội như Mai, nhưng cũng "rất chi là và này nọ" với gần 70 tỉ đồng, khi đầu năm đầu tháng vẫn cho "bà bầu" làm nhân vật trung tâm, lại còn... chết trên bàn đẻ!
Trong khi đó, Trà khai thác câu chuyện tiểu tam xấu xí với những màn trả thù, đánh ghen ầm ĩ khiến người xem váng vất đầu óc. Còn Sáng đèn lại gây cảm thương bởi câu chuyện đầy biến cố của đoàn cải lương Viễn Phương. Ngay cả "bông hoa nở muộn" Đào, phở và piano cũng là nét trầm buồn của dòng phim lịch sử.
Quan niệm Tết là phải phim hài "xưa rồi nha Diễm". Phim gì cũng được, miễn nhà sản xuất tự tin, "chạm" vào cảm xúc khán giả là "tới luôn bác tài"!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận