Hàng trăm khán giả xếp hàng nhận vé xem phim tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia chiều 24-11 - Ảnh: G.Tiến |
Hàng chục người có vé cũng như không có vé đứng chen nhau để vào xem bộ phim Ðập cánh giữa không trung.
Các nhân viên kiểm soát vé liên tục xin lỗi: “Mọi người thông cảm để sắp xếp khán giả bên trong xong rồi sẽ kê ghế phụ mời mọi người vào xem ạ”.
Bên trong, các ghế ngồi đã đầy hết mà vẫn còn hàng chục khán giả đứng hai bên lối đi dù đã có nhiều ghế phụ được đem tới. Chính đạo diễn Nguyễn Hoàng Ðiệp phải đứng ra sắp xếp để các khán giả lớn tuổi được ngồi ghế, còn diễn viên Thanh Duy nhường ghế cho khán giả và cũng đứng xem.
Phim được chiếu trễ 15 phút. Gần 100 khán giả “thừa” phải đứng hoặc ngồi bệt dưới các bậc thang hai bên lối đi. Câu chuyện của phim cuốn hút toàn bộ khán giả trong 100 phút chiếu.
Ðến khi phim kết thúc, một tràng pháo tay dài vang lên, nhưng không ai đứng dậy mà mọi người đều nán lại xem hết phần giới thiệu cuối phim (rất dài), sau đó là một tràng pháo tay dài nữa. Ðèn bật sáng, khán giả ra về. Ngoài cửa rạp, đạo diễn và các diễn viên đứng cảm ơn từng người một.
Kể cho một người bạn nghe, bạn ấy nói suất chiếu đầu tiên của phim này lúc 10g ngày 24-11 còn “khủng khiếp” hơn vì chiếu ở phòng nhỏ ít ghế mà khán giả lại đông nên số người đứng gấp đôi số người ngồi.
Suất chiếu của phim VN còn lại tham gia tranh giải là Những đứa con của làng lúc 16g ngày 24-11 tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia cũng thế. Dù có vé nhưng tôi và một số khán giả khác phải ngồi ghế phụ, nhiều người đến sau phải đứng hai bên lối đi để xem phim.
Ðể nhận được vé cũng không phải dễ dàng, khán giả phải đến rạp để nhận vé cho các suất chiếu hôm sau, tức là muốn xem một phim phải đến rạp hai lần.
Chiều 24-11, khi tôi đến Trung tâm Chiếu phim quốc gia thì thấy cả trăm khán giả đã xếp thành ba hàng dài. Khi chỉ còn năm người nữa đến lượt tôi thì... hết vé. Cô nhân viên phát vé cũng rất khó xử khi thông báo với mọi người.
Cô đành e dè nói: “Ai không có vé ngày mai cứ đến rạp rồi chúng em sẽ linh động xếp ghế phụ cho mọi người vào xem”.
Một số phim “cháy vé” do lần đầu được chiếu tại VN và khó có cơ hội ra rạp do ít có yếu tố thương mại, như lời tâm sự của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh (Tuổi Trẻ 26-11). Do đó, ai cũng tranh thủ cơ hội ra rạp hiếm hoi này để xem những phim “hiếm” của làng điện ảnh VN. Và có lẽ mọi người đã không thất vọng với dòng phim này.
Phim đa dạng về đề tài, thời điểm, bối cảnh, như phim Nước 2030 ở thì tương lai tại Cần Giờ, phim Những đứa con của làng ở miền Trung năm 1985, hoặc những câu chuyện đời thường nhưng khác lạ giữa lòng Hà Nội của phim Ðập cánh giữa không trung...
Có một số người bạn, khi tôi rủ đi xem phim VN, họ liền hỏi lại “phim VN có gì mà xem?”. Giá như họ được xem một số phim VN trong Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần này, thấy được cảnh khán giả phải xếp hàng dài nhận vé, có lẽ họ sẽ thay đổi quan niệm.
Có lạnh lùng cỡ nào cũng phải nghẹn lòng với cảnh anh Bè quỳ lạy con gà tre trước khi giết nó để nấu cháo cho cô Bưởi ăn khi cô bị động thai trong phim Những đứa con của làng.
Hay như cảnh người chồng chết trong mùa nước nổi, không có đất chôn, cô vợ phải đóng hòm kính rồi thả xuống vùng cửa biển, mỗi khi viếng chồng cô phải lặn xuống đáy để thay bó hoa tươi kẹp phía trước quan tài (phim Nước 2030)...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận