Thường thì mỗi năm VFC tung ra từ 1-2 phim có kịch bản nước ngoài. Phim gần đây nhất có kịch bản Hàn Quốc là Hương vị tình thân, Thương ngày nắng về.
Cả hai phim cũng phần nào tạo được sự quan tâm của khán giả.
Đầu năm 2024, K+ sản xuất phim Đi về phía lửa lấy cảm hứng từ series truyền hình đình đám Đài Loan Nước mắt của hỏa thần.
Trên hệ thống VieON phát sóng phần lớn là phim kịch bản nước ngoài như Giấc mơ của mẹ, Mặt trời mùa đông, Hoa vương, Yêu trước ngày cưới.
Từ năm 2024, các đài tăng thêm giờ phát sóng phim Việt mới nên nhu cầu kịch bản hay càng cấp thiết.
"Để đáp ứng điều kiện sản xuất nhanh, nhà sản xuất chọn sử dụng kịch bản nước ngoài để Việt hóa vì cho rằng chỉ cần sửa lại sơ sơ hoặc bê y nguyên kịch bản gốc sản xuất.
Tuy nhiên, quá trình đưa câu chuyện có màu sắc văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế và con người ở một đất nước khác trở thành câu chuyện có màu sắc Việt vẫn đòi hỏi thời gian và công sức sáng tạo rất lớn từ biên kịch, nếu không sẽ trở thành câu chuyện chắp vá, khiên cưỡng và xa lạ", biên kịch Hoàng Anh nói.
Khán giả cùng trên thuyền
Sau một thời gian khá dài cho ra đời loạt phim kịch bản nước ngoài như Cây táo nở hoa, Mặt trời mùa đông, Nữ chủ, Yêu trước ngày cưới thì VieON giới thiệu đến người xem bộ phim thuần Việt Ước mình cùng bay.
Phát sóng đến tập 26, bộ phim này gây chú ý và tạo cảm tình với khán giả.
Trước đó, phim Yêu trước ngày cưới có kịch bản gốc của Thái Lan nhận nhiều lời chê bởi câu chuyện không phù hợp với văn hóa Việt và diễn viên diễn xuất không thuyết phục.
Điều đáng nói, bản gốc Yêu trước ngày cưới từng tạo được tiếng vang khi phát sóng ở Việt Nam.
Theo ý kiến của nhiều nhà sản xuất phim Việt thì phim kịch bản nước ngoài có nhiều mặt hạn chế về cảm xúc.
Điều đầu tiên là phim bị khán giả so sánh nội dung và diễn viên với phiên bản gốc. Nhược điểm khác đó là khán giả xem phim không trong tâm thế tò mò bởi họ biết trước nội dung, làm giảm đi kích thích khi xem phim.
Cụ thể, Yêu trước ngày cưới trước khi phát sóng 10 tập cuối thì trên các mạng xã hội xuất hiện nhiều clip trích đoạn nội dung chi tiết phim bản gốc Thái. Thậm chí trên các trang phim cũng đổi tên bản gốc phim thành Yêu trước ngày cưới như phiên bản Việt.
Thường thì khán giả chỉ dành ít thời gian là đã biết hết nội dung, số phận từng nhân vật ở kết phim nên sự háo hức với phim Việt vì thế giảm đi rất lớn.
Xem phim thuần Việt có người ví von như ngồi cùng thuyền với nhà sản xuất phim. Họ dẫn mình đi đâu thì đi theo đó, không biết trước nội dung nên phim tạo tò mò muốn xem tiếp các tập sau.
Những nỗi lo
Lý thuyết là như vậy, nhưng xem phim thuần Việt hiện nay, khán giả cũng chẳng muốn lên thuyền bởi phim hấp dẫn hiếm hoi.
Các phim vẫn theo những mô típ cũ kỹ về đề tài gia đình, nghiệp báo, ác giả ác báo, nội chiến gia môn, trả thù - tình thâm. Như phim Bên bờ hạnh phúc trên THVL1 khai thác bí mật và tranh giành quyền thừa kế trong gia tộc nhà họ Ngô.
Trên SCTV14 phát sóng phim Bí mật người thừa kế cũng là câu chuyện thừa kế với những uẩn khúc truyền từ đời này sang đời khác.
Mổ xẻ nguyên nhân, biên kịch Đặng Thanh cho biết nhà sản xuất luôn muốn giảm chi phí hết sức có thể, thêm nữa đề tài gia đình an toàn, sẽ có người xem nhiều thế hệ.
Đạo diễn Bùi Tiến Huy kể năm 2014, trong một lần hợp tác với CJ (Hàn Quốc), khi nghe về kinh phí sản xuất một tập phim truyền hình ở Việt Nam (khoảng vài trăm triệu đồng), phía Hàn "choáng" bởi không hiểu tại sao với kinh phí ít ỏi đó có thể sản xuất được phim.
Ở Hàn Quốc, kinh phí bình quân để sản xuất một tập phim truyền hình khoảng 500.000 USD. Khi Netflix nhảy vào thì con số này lên khoảng 800.000 tới 1 triệu USD mỗi tập.
Mặt khác, dù phim ngắn hay dài tập, ở Hàn đều có làm việc nhóm (gồm 5-7 biên kịch).
Khi xây dựng một cốt truyện đường dài, kịch bản sẽ tương đối chắc và không bị luẩn quẩn ở khúc cuối.
"Còn ở mình, số lượng biên kịch viết cho một bộ phim rất ít, 2-3 người đã là nhiều. Sức sáng tạo cũng có hạn vì áp lực thời gian. Vì vậy tình trạng chung là khi viết kịch bản phim quá dài tập thì cuối phim thường bị bí, luẩn quẩn", đạo diễn Bùi Tiến Huy chia sẻ.
Biên kịch - đạo diễn Hoàng Anh cho rằng: "Kịch bản là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc đem lại thành bại của mỗi phim, nhưng ở Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực phim truyền hình và hiện nay điện ảnh cũng đã "lây", lại coi thường kịch bản".
Hoàng Anh đề xuất cần hoạch định lại phương pháp khai thác nội dung phim, tạo nên những sân chơi lớn cho các nhà biên kịch trẻ để có thể tìm ra được những xu thế mới phù hợp với thị hiếu khán giả hơn.
Không phải là xu hướng
Số phim có kịch bản gốc Việt đang áp đảo kịch bản Việt hóa thời gian qua, đạo diễn Bùi Tiến Huy cho rằng "đó không phải là xu hướng", bởi theo ông: "Đợt này chưa thấy kịch bản phim nước ngoài nào phù hợp với công chúng Việt nên số lượng ít hẳn.
Tuy nhiên, sắp tới sẽ lại có một vài bộ Việt hóa lên sóng". Tại các hãng phim phía Nam, một số bộ phim có kịch bản nước ngoài cũng đang sản xuất như Hạnh phúc bị đánh cắp, 7 năm không cưới sẽ chia tay...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận