18/12/2011 07:45 GMT+7

Phim Việt: ai sẽ bơi ra biển lớn?

CÁT KHUÊ
CÁT KHUÊ

TT - Liên hoan phim (LHP) VN lần 17 có nhiều hạng mục phim (video, tài liệu, khoa học, hoạt hình...) tham dự liên hoan nhưng phim truyện nhựa vẫn là dòng phim được chú ý nhiều nhất.

SB1WDKvM.jpgPhóng to
Đại diện ba đoàn phim nhận giải Bông sen bạc phim truyện nhựa 2011- Ảnh: D.T.Xuân

Và để chọn trong số 10 phim tư nhân “áp đảo” bảy phim nhà nước để trao các giải thưởng lần này thật không dễ dàng.

Nhiều gương mặt được chọn lựa

Việc cố gắng giữ kín giải thưởng của LHP năm nay được thực hiện khá triệt để khi ban giám khảo bị “đày” ra một resort cách trung tâm Tuy Hòa hơn chục cây số, cách biệt hẳn với các nghệ sĩ và cánh báo chí.

Nhưng tin hành lang vào giờ chót vẫn cho thấy hai ứng cử viên cho Bông sen vàng nằm cân đối ở hai “thể loại” tư nhân - Nhà nước: đó là Mùi cỏ cháy Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt. Cùng với thông tin này thì cũng râm ran trong giới nhà báo về một kịch bản cũ của LHP 16 có thể lặp lại với Bông sen vàng thuộc về Ðừng đốt và đạo diễn Chơi vơi ẵm giải đạo diễn xuất sắc nhất?

Việc chấm điểm rồi bỏ phiếu kín khiến thông tin càng trở nên... bí hiểm.

Ngay trước lễ trao giải, ở hạng mục nữ diễn viên chính xuất sắc, có ba cái tên được nhắc đến nhiều nhất là Lan Ngọc (Cánh đồng bất tận - nữ chính xuất sắc giải Cánh diều), Nhật Kim Anh (Long thành cầm giả ca - nữ chính xuất sắc LHP quốc tế VN) và Phùng Hoa Hoài Linh (Tâm hồn mẹ - cô bé vừa giành giải nữ chính xuất sắc nhất ở LHP Dubai trước khi LHP VN diễn ra một ngày). Nhưng cái tên Mỹ Hạnh (Hạnh Sino) của Vũ điệu đam mê mới thật sự bất ngờ vì gần như bộ phim và vai diễn của cô gái 21 tuổi (Giải Miss tài năng và Miss I-Music cuộc thi Miss teen 2008) không nằm trong dự báo được “bàn tán” về ứng cử viên xuất sắc cho giải thưởng này.

Không tiết lộ mình bỏ phiếu cho ai, nhưng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - thành viên ban giám khảo phim truyện nhựa - chia sẻ rằng anh thấy có một nguyên tắc mà các giải thưởng thuộc Cộng đồng chung châu Âu khá tuân thủ là họ không trao giải cho diễn viên dưới 16 tuổi vì lo ngại những áp lực không đáng có từ truyền thông, sự nổi tiếng sẽ ảnh hưởng xấu đến cuộc sống còn nhiều non nớt của các em.

Về nam diễn viên cũng có nhiều cái tên được nhắc đến như Dustin Nguyễn, Thái Hòa, Lương Mạnh Hải, Hồ Vĩnh Khoa, Huy Khánh... nhưng đạo diễn Ðinh Anh Dũng lại cho rằng anh thậm chí đã muốn không bỏ phiếu cho một gương mặt nào cả vì chưa thấy trong họ sức bứt phá ở ngày mai. <?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Gánh xiếc rong: bao giờ dừng lại?

LHP năm nay được Bộ VH-TT&DL đứng ra tổ chức nên khá gọn gàng, quy củ, mạch lạc. Cẩn trọng để tránh sai sót nhưng cũng chính vì thế mà một số nghệ sĩ nhận xét là LHP hơi khô khan. Lá cờ liên hoan trao lại cho Quảng Ninh đồng nghĩa với việc LHP 18 các nghệ sĩ sẽ hẹn gặp tại thành phố biển này cũng không phải là một lựa chọn được đồng lòng. Bởi nếu cứ mỗi năm mang LHP đến mỗi tỉnh thành khác nhau thì khác gì LHP là gánh xiếc rong mà không có một nơi chốn xứng tầm như điện ảnh cần phải thế?

Sáng 17-12, trong cuộc hội thảo do bộ trưởng Bộ VH-TT&DL chủ trì, các nghệ sĩ đã cùng nhau bày tỏ với bộ trưởng việc đã đến lúc nên chọn một thành phố xứng đáng như một địa điểm cố định để đến hẹn lại lên, LHP Việt tổ chức ở một nơi quen thuộc cho sự chờ đợi quen thuộc, giống cách mà các LHP khác trên thế giới đã lựa chọn để làm liên hoan. Nhưng điều mong mỏi ấy vẫn chưa có câu trả lời chính xác.

Trong đêm khai mạc LHP 17, phần sau của lễ tôn vinh các nghệ sĩ điện ảnh là dành cho thế hệ làm phim trẻ, những người đang bơi ra biển lớn và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã phát biểu: Những người có mặt ở đây vẫn là rất ít bởi những người khác còn đang mải bơi ở đâu đó...

Ðúng là LHP năm nay dường như hơi quá vắng các ngôi sao và vắng nhiều người làm phim trẻ. Họ không quan tâm đến LHP hay LHP không quan tâm đến họ? Người viết bài cũng đã nhận được một tin nhắn ngay sau lễ khai mạc với duy nhất một câu hỏi: Ai sẽ bơi ra biển lớn?

Câu hỏi không dễ trả lời bởi nếu nhìn vào lực lượng hùng hậu các phim ăn khách trong nước thì vẫn chỉ là những phim dành riêng cho thị hiếu giải trí của người Việt. Còn nếu phim nghệ thuật với ngôn ngữ điện ảnh được thế giới chấp nhận thì không mấy người dám dấn thân vào!

KNG19FCd.jpgPhóng to
Một cảnh trong phim Mùi cỏ cháy - Ảnh: đoàn phim cung cấp

Trong hội thảo “Ðiện ảnh VN: thực trạng và giải pháp”, NSND Huy Thành phát biểu: “Xem xong Mùi cỏ cháy, tôi thấy thế là LHP này thành công rồi! Nhưng nếu Nhà nước mà không bỏ tiền ra để quảng bá phim này đến với người dân thì đó là lỗi của Cục Ðiện ảnh, của Bộ Văn hóa”!

Bên lề hội thảo, đạo diễn Hữu Mười đã có cuộc trao đổi với PV Tuổi Trẻ về bộ phim đang gây xôn xao này.

* 5 tỉ đồng cho một phim chiến tranh, có vẻ quá thử thách với anh?

- Số tiền 5 tỉ cho dự án phim Mùi cỏ cháy, Hãng phim truyện đã cắt lại 2 tỉ cho khấu hao máy móc và trả lương, 3 tỉ còn lại thì có 900 triệu không bao giờ tôi được nghĩ tới bởi đó là tiền hậu kỳ (mua phim, làm âm thanh, hòa âm, in tráng ở Thái Lan...). Vậy thật ra số tiền tôi mang đi làm phim chỉ vỏn vẹn có 2,1 tỉ. Tôi phải kiểm soát đồng tiền cùng với chủ nhiệm từng tí một, chỉ chi đúng những gì tôi cần, không được quá và nói thẳng là đi xin hơi nhiều.

Thời gian quay lâu lắm, nên chưa xin được là chưa quay. Ðể xin được 300 cân thuốc nổ phục vụ việc quay phim, tôi đã mất gần năm tháng trời chạy từ Bộ tổng tham mưu đến Tổng cục Chính trị. Ðể xin được là mất bao giấy tờ và bao nhiêu cuộc họp. Mỗi quả nổ quay duy nhất một lần, mỗi cảnh quay chỉ quay một đúp!

Xem phim bạn thấy đấy, chẳng có đủ đèn nên những cảnh lẽ ra có thể rộng hơn, cao hơn, toàn cảnh hơn thì cứ phải làm nhỏ nhỏ vì không có đèn để làm sáng được. Ngay cả ăn sáng cho làm phim, bát phở 20.000 đồng nhưng chúng tôi chỉ dám ăn 15.000, đấy là chuyện tính mãi và đau lòng nhất với tôi.

* Từ kịch bản đến phim là một con đường dài, ít nhất đã năm năm, biên kịch Hoàng Nhuận Cầm có hài lòng về phim này không?

- Khi tôi viết phân cảnh phim này, đương nhiên ông biên kịch nào cũng hiểu đạo diễn sẽ sửa chữa, thay đổi theo ý họ, luật bất thành văn mà. Hoàng Nhuận Cầm chỉ xin tôi có hai điều: đừng đổi tên phim và giữ nguyên tên bốn nhân vật chính là Hoàng, Thành, Thăng, Long... Chỉ thế thôi. Năm 2005 Hoàng Nhuận Cầm viết ra kịch bản này, năm 2007 được duyệt và đã đẩy qua khoảng 15 đạo diễn trước khi tôi được sờ vào nó. Tôi nhận bởi lúc đó có lời kêu gọi là tôi nhận đi, không có bộ sẽ thu lại tiền, làm sao cũng được miễn là ra phim.

* Ðiểm gì ở kịch bản Mùi cỏ cháy đã chạm vào anh để anh tìm được “hứng” mà làm?

- Chiến tranh VN hết sức khốc liệt, tôi đã có xúc cảm ban đầu từ lần đi LHP ở Huế, qua nghĩa trang Quảng Trị, nhìn tấm biển ghi 81 ngày đêm giữ thành cổ, tôi đã thầm nghĩ tại sao không ai làm về cuộc chiến này. Kịch bản của Cầm đã chạm vào đúng điều đó. Tôi đã nghĩ ngay: làm được, làm ngon.

Tôi mất một năm rưỡi để viết phân cảnh, nhào đi nhào lại rồi cũng ra một cái xinh xắn thế này. Mà cái nghĩ nhiều nhất là làm sao để đỡ tốn tiền nhất. Phim chiến tranh tốn nhất là khói, quả nổ. Mấy người bạn lại hứa sẽ xin được, thế là tôi yên tâm! Còn diễn viên tôi chọn nhanh lắm, họ đến ngồi trước tôi, nói chuyện, chụp ảnh là tôi biết họ có phải là nhân vật tôi muốn hay không. Nhưng vẫn còn nhiều cái lực bất tòng tâm.

* Sau Mùi cỏ cháy, anh có định làm tiếp phim chiến tranh?

- Tôi không có dự tính gì cả. Làm xong phim này là tôi thở phào nhẹ nhõm. Thoát rồi. Thế là quý lắm rồi. Làm cũng kinh hoàng lắm. Chỉ nghĩ làm sao quay được đúng ý mình mà chi phí ít nhất. Xong là thôi. Phim làm xong thì khán giả sẽ phán xét.

Tôi đã đi vào LHP bằng xe đò, lúc 1g20 đêm xe đi qua sông Thạch Hãn, tôi đã chuẩn bị trước để xin lái xe dừng lại, thả xuống sông 21 bông cúc trắng chuẩn bị từ Vinh. Tôi tin mỗi con người phải có trách nhiệm biết lịch sử, và hãy xem phim để thấy cha anh mình đã chiến đấu như thế nào, không được phép quên...

Phim truyện nhựa không có giải vàng

Tối 17-12, tại nhà hát Sao Mai (TP Tuy Hòa, Phú Yên) đã diễn ra lễ bế mạc LHP VN lần 17. Ông Ðinh Thế Huynh - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư T.Ư Ðảng, trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư - đã đến tham dự cùng hàng trăm nghệ sĩ và khán giả Phú Yên. Giải phim truyện nhựa bất ngờ đến phút chót khi không có Bông sen vàng mà trao đồng giải bạc cho ba phim. Có khá nhiều giải cá nhân được trao đồng giải. Rất nhiều nghệ sĩ được giải cá nhân, giải phim đã không có mặt nhận giải.

Giải thưởng hạng mục phim truyện nhựa: Bông sen bạc: Mùi cỏ cháy (đạo diễn Hữu Mười), Hot boy nổi loạn... (đạo diễn Vũ Ngọc Ðãng), Vũ điệu đam mê (đạo diễn Nguyễn Ðức Việt). Giải ban giám khảo: Tâm hồn mẹ (đạo diễn Nhuệ Giang), Long thành cầm giả ca (đạo diễn Ðào Bá Sơn) và Cánh đồng bất tận (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình).

Giải xuất sắc: đạo diễn: Vũ Ngọc Ðãng (Hot boy nổi loạn...), tác giả kịch bản: Hoàng Nhuận Cầm (Mùi cỏ cháy), quay phim: Nguyễn Nam (Hot boy nổi loạn...) và K’Linh (Cô dâu đại chiến), nữ diễn viên chính: Lan Ngọc (Cánh đồng bất tận) và Mỹ Hạnh (Vũ điệu đam mê), nam diễn viên chính: Quách Ngọc Ngoan (Long thành cầm giả ca), nữ diễn viên phụ: Phương Thanh (Những nụ hôn rực rỡ) và Lê Khánh (Cô dâu đại chiến), nam diễn viên phụ: Hồ Vĩnh Khoa (Hot boy nổi loạn...). Giải của Hội Ðiện ảnh trao cho đạo diễn trẻ xuất sắc: Nguyễn Quang Dũng (Những nụ hôn rực rỡ).

Phim truyện video không có Bông sen vàng, Bông sen bạc.

Bông sen vàng: phim tài liệu nhựa: Hoàng Sa trong lòng Tổ quốc, tài liệu video: Hồ Chí Minh - cội nguồn cảm hứng sáng tạo, phim khoa học: Bướm - côn trùng cánh vẩy, phim hoạt hình: Chiếc lá.

CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên