Ông Lê Thanh Liêm - vụ trưởng Vụ Pháp chế và ông Vi Kiến Thành - cục trưởng Cục Điện ảnh - Ảnh: THÙY DUNG
Sáng 14-12, hội nghị - hội thảo "Đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Nam" diễn ra tại TP.HCM. Sự kiện do Vụ Pháp chế Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cùng Cục Điện ảnh chủ trì.
Phim C21: 'Cực kỳ thoáng' hay rào cản mới?
Trong dự thảo 3 Luật điện ảnh (sửa đổi), các nội dung được quan tâm là: những nội dung bị cấm; thẩm quyền phân cấp cho địa phương cấp phép, việc quản lý và phổ biến phim trên môi trường mạng; các khó khăn vướng mắc trong sản xuất, phát hành, phổ biến phim; đánh giá tính dự báo và khả thi của dự thảo...
Tại Điều 27 về phân loại phim, dự thảo đưa ra một số mức phân loại độ tuổi mới so với trước đây: mức PG - phim cho phép trẻ em dưới 13 tuổi được xem phim C13 với điều kiện đi cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; mức C21 - phim không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 21; C - phim không phổ biến đến mọi đối tượng khán giả.
Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh đồng tình với nhiều điều trong dự thảo 3 Luật điện ảnh (sửa đổi) - Ảnh: THÙY DUNG
Trong khi mức PG được hầu hết ủng hộ, mức C21 gây chú ý khi đây là mức phân loại cao chưa từng có ở thị trường điện ảnh Việt Nam. Ông Vi Kiến Thành - cục trưởng Cục Điện ảnh - cho biết: "Phim C21 có những cảnh bạo lực, hình ảnh nhạy cảm hơn so với C18".
Ông Nguyễn Thế Phong - giám đốc Công ty Hoan Khuê (HKFILM) - đồng tình: "Điều 27 là điều rất quan trọng với sản xuất phim. Mức C21 phải khác biệt so với mức C18 hiện tại thì mới thể hiện rõ sự thay đổi. C21 nới lỏng hơn nhưng về mặt luật cần tư vấn thêm, vì theo quy định chung, chúng ta quy định người lớn là trên 18 tuổi. Vậy trên 21 tuổi có gì khác biệt?".
Ông Phong hi vọng sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn về các mức phân loại và hy vọng "mức C21 sẽ cực kỳ thoáng với nhà làm phim".
Nhà sản xuất Thanh Thúy - Ảnh: THÙY DUNG
Tuy nhiên, đại diện một số nhà phát hành phim cho rằng mức phân loại này có thể chưa phù hợp.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - giám đốc phát hành CGV Việt Nam, nêu ý kiến: "Thực tế, tiêu chí phân loại này không phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam và trình độ nhận thức của người Việt Nam. Cụ thể tại Việt Nam, người 18 tuổi được pháp luật xem là thành niên. Do đó, để phù hợp với thực tế doanh nghiệp, chúng tôi đề xuất bỏ tiêu chí phân loại C21 như dự thảo".
Đại diện Galaxy cho rằng mức phân loại C21 sẽ tạo thêm rào cản trong việc đưa phim điện ảnh đến với khán giả. Ông Lee Jin Sung - tổng giám đốc Lotte Entertainment Việt Nam, nhận định: "Rất khó phân biệt giữa C21 và C18, nên có thể lấy những quy định của C21 áp dụng cho C18 hiện nay và bỏ mức C21 đi".
'Luật cấm quá nhiều thì hạn chế đổi mới'
Nói với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Thế Phong nhận định thêm việc phân loại độ tuổi và các điều cấm (quy định ở Điều 8 - Những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh) cần song hành với nhau.
Tại Điều 8, dự thảo quy định cấm các hoạt động như: tuyên truyền chống nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền kích động chiến tranh; tiết lộ bí mật nhà nước; xuyên tạc lịch sử... và các hành vi như: phổ biến phim không có giấy phép; thay đổi làm sai lệch nội dung đã được cấp phép, phát hành phim không có bản quyền; phát hành phim đã bị đình chỉ, thu hồi...
Nếu mở rộng những điều bị cấm thì tôi hơi lo ngại. Tôi e ngại chúng ta cấm nhiều quá thì hạn chế sự đổi mới, kìm hãm sự phát triển của điện ảnh. Còn có những điều nên hạn chế chứ không cấm
Ông Nguyễn Thế Phong - Giám đốc Cty Hoan Khuê
Trước những lo ngại về việc "cấm nhiều quá", ông Lê Thanh Liêm - vụ trưởng Vụ Pháp chế - phản hồi: "Điều cấm là một trong những điều quan trọng nhất của tất cả các luật. Việc cấm thì không thể quy định trong nghị định, thông tư được, chỉ có thể quy định trong pháp luật. Chúng tôi sẽ cân nhắc kỹ đến làm sao dung hòa được giữa luật và thực tế".
Dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương 44 điều. Trước đó, Luật điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã được thực thi 14 năm, bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần điều chỉnh. Năm 2019, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch trình đề nghị xây dựng Luật điện ảnh (sửa đổi), được Chính phủ thông qua.
Hiện, Cục Điện ảnh tổ chức lấy ý kiến. Sau hội nghị, Cục Điện ảnh sẽ đăng tải dự thảo lên các cổng thông tin của Chính phủ, bộ và cục trong vòng 60 ngày để lấy ý kiến rộng rãi.
Đạo diễn Phan Đăng Di phát biểu thẳng thắn tại sự kiện - Ảnh: THÙY DUNG
'Chúng ta đang đóng cửa thay vì trải thảm'
Đạo diễn Phan Đăng Di bày tỏ tâm tư với Điều 11, quy định hợp tác sản xuất phim với tổ chức, cá nhân nước ngoài. Anh cho rằng: "Nếu giữ nguyên quy định về trình tự cấp phép các dự án hợp tác, chúng ta đang đóng cửa thay vì trải thảm cho hoạt động hợp tác đầu tư vào điện ảnh, cũng như cản trở thay vì thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của điện ảnh Việt Nam".
Trong 15 năm nay, vì "thủ tục nhiêu khê", nhiều phim nước ngoài dự định quay ở Việt Nam đã phải chuyển sang các nước lân cận như Thái Lan, Indonesia, Philippines.
Theo Phan Đăng Di, bản chất của sản xuất phim trong thời hiện đại sẽ luôn có hợp tác của nhiều bên, nhiều nước, tương lai có thể lên đến 50% số phim ở Việt Nam. Anh đề xuất giải pháp phân cấp, hậu kiểm vì nếu quy định phải trình duyệt kịch bản, trả lời sau 30 ngày thì nhân sự của cục không đủ.
Đạo diễn, nhà sản xuất Mai Thu Huyền - Ảnh: THÙY DUNG
'Nhiều phim Việt chắc chắn lỗ vì chiếu vào sáng sớm, tối muộn'
Một ý kiến nhận được nhiều sự ủng hộ là khi nhà sản xuất Mai Thu Huyền đề nghị hỗ trợ phim Việt về suất chiếu.
Mai Thu Huyền cho rằng phim Việt ra rạp cùng lúc với các phim bom tấn thì khó khăn vô cùng. Cần sự hỗ trợ phim Việt như số lượng suất chiếu, thời điểm chiếu trong ngày, thời gian chiếu tối thiểu 2 tuần.
"Có những phim Việt chưa ra rạp thì gần như chắc chắn lỗ nặng vì rất ít suất chiếu, thời điểm thì vào sáng sớm hoặc đêm muộn" - Mai Thu Huyền nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận