Phóng to |
Nhà sử học Dương Trung Quốc |
Phim Thái Tổ Lý Công Uẩn: Ngổn ngang trăm mối!Chúng tôi không làm phim bằng mọi giáNgười dân cũng không xem phim bằng bất cứ giá nào! (*)Cần có tiếng nói phản biện200 triệu cũng đắt nếu...
Hai điều lo ngại lớn nhất của nhà sử học
* Sao cứ phải là phim về Lý Công Uẩn?
- Tôi thấy phải đặt lại vấn đề từ gốc: chúng ta cần một bộ phim để kỷ niệm 1.000 năm dời đô về Thăng Long hay một bộ phim về Thăng Long 1.000 năm tuổi? Rõ ràng đáp án mang tính xã hội rộng hơn chính là một bộ phim về Thăng Long ngàn năm. Như vậy chủ đề đã được mở rộng ra rất nhiều. Chúng ta đâu cứ nhất thiết phải làm phim về Lý Công Uẩn - dù ngài thật vĩ đại. Vì chọn đề tài này có nghĩa là chúng ta chọn làm một phim mang tính chất lịch sử về một thời kỳ mà giới sử học VN chúng tôi chưa có điều kiện để hiểu biết nhiều.
Chúng ta chỉ có một câu chuyện lịch sử, mà chưa có một khung cảnh, thiếu hẳn tất cả các yếu tố trực quan: trang phục, nội ngoại thất… Không ai bắt phim phải y như thật, nhưng nó phải cho ra cái chất VN. Mà thế nào là VN, tôi quan niệm đơn giản nhất: không Tây, không Tàu thì là VN, nhưng mới chỉ có tượng cụ dựng ở vườn hoa mà nhiều người đã bảo trang phục trông giống Tào Tháo bên Trung Quốc, anatomie (giải phẫu học) thì dung mạo cụ như Tây. Cụ đứng im trong vườn hoa đã vậy, cụ lên phim còn phức tạp thế nào. Tôi nghĩ chúng ta chưa đủ sức làm phim về thời kỳ này đâu. Nên bắt đầu bằng một thời kỳ lịch sử khác, gần gũi hơn, nhiều sử liệu hơn, nhiều di tích vật thể còn lại hơn.
* Làm phim đầu tiên phải xét đến tính khả thi
- Tôi thấy trong khi chọn đề tài để làm phim, chúng ta đã bỏ qua yếu tố quan trọng nhất: tính khả thi. Chưa nói đến vấn đề tiền bạc - tôi vẫn cho rằng nếu bộ phim thật sự rất hay thì 200 tỉ đồng không phải là khoản đầu tư quá lớn. Chúng ta đang không biết xoay xở theo hướng nào. Tôi cũng có được mời tham gia ban cố vấn nhưng tôi buộc phải từ chối dù rất khâm phục nhiệt tình và quyết tâm của các nghệ sĩ. Có vẻ như các nhà làm phim đã và đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc. Tìm kiếm với tâm thế không muốn thua kém họ.
Lịch sử Trung Hoa và VN có thể có nhiều nét tương đồng, nhưng chúng ta đang làm phim về một ông vua đã khai sáng ra triều đại độc lập đầu tiên, tức là một ông vua đầu tiên khẳng định nền tự chủ không chỉ bằng võ công mà còn bằng nền văn hiến Việt Nam. Chúng ta làm phim về vua VN mà lại tìm kiếm bên Trung Quốc từ phim trường đến xe ngựa (!). Liệu các nhà làm phim có biết rằng trước khi người Pháp sang, VN chưa hề có xe bánh xếp ngang, cha ông chúng ta chủ yếu di chuyển bằng thuyền, đường cái quan chỉ là đường mòn cho người đi bộ?
Các nhà làm phim có hiểu được người Trung Quốc sang xâm lược bao nhiêu lần thất bại chỉ vì chiến xa của họ không thể đi trên đường mòn VN, họ buộc phải hành quân bằng thuyền, và bao nhiêu lần thuyền chiến là bấy nhiêu lần họ thua, ba lần chiến thắng lừng lẫy nhất của chúng ta đều trên sông Bạch Đằng? Chúng ta cần cố vấn về chiến xa để làm gì?
Cố vấn võ thuật cũng vậy. Võ học Trung Hoa rất kỳ bí và lẫy lừng. Nhưng chúng ta đều đã thắng họ. Vậy cha ông chúng ta ắt phải có một nền võ học riêng. Tôi không nói là giới sử học biết nó rõ như thế nào, nhưng chắc chắn nó từng tồn tại mà không một cố vấn võ thuật nào dù tài giỏi nhất của Trung Quốc có thể truyền tải lại cho các nhà làm phim VN được. Bởi vậy tôi mới nói là dù rất đánh giá cao những nỗ lực của các nghệ sĩ điện ảnh VN nhưng nếu bộ phim làm về Lý Công Uẩn mà thành công được thì thật… ngoài sức tưởng tượng.
Nên bắt đầu bằng qui mô khiêm tốn
* Nhưng thưa ông, cũng lại sẽ có ý kiến cho rằng nếu không bắt đầu đi thì bao giờ mới có thành quả, và chưa làm đã bàn lùi thì sức ép trên vai người làm phim sẽ rất lớn?
- Đúng là phải bắt đầu, nhưng "biết mình sức yếu" sao không bắt đầu từ những cái nhỏ để đi dần đến cái lớn. Chỉ nên làm những bộ phim qui mô khiêm tốn, về những nhân vật lịch sử đã có dày dặn tư liệu, và phải đặc trưng cho cốt cách, tâm hồn Hà Nội. Ví như có thể làm về Nguyễn Trãi thời kỳ ở Đông Quan, về Hà Nội năm 1946, đấy là những thời điểm lịch sử đặc biệt mà tinh thần dân tộc và tính cách Hà Nội nổi bật nhất. Đó cũng là những đề tài mà tính khả thi cao vì thu hút được sự quan tâm của công chúng, nhân vật có số phận, tính cách đặc biệt, nổi bật.
* Vậy điều đó có mâu thuẫn gì với một phát biểu cũng của ông, là nhà sử học không nên can thiệp quá sâu vào chuyên môn của người làm phim?
- Hoàn toàn không có gì mâu thuẫn, người làm phim phải nắm bắt được tinh thần của nhân vật và thời đại lịch sử mình sẽ làm. Còn trong phim, anh ta có toàn quyền sáng tạo. Tôi đã trao đổi với các nhà làm phim Hàn Quốc, họ nói kịch bản và phim trường Dae Jang Geum hoàn toàn không phụ thuộc vào sách sử cũng như hiện trạng cố cung, họ đã làm cho lịch sử và chân dung tiền nhân đẹp hơn, nhưng đó là vì họ đã nắm rất rõ tinh thần lịch sử và cốt cách Hàn.
Còn ở ta thì ngược lại, vì quá thiếu sử liệu và đang hoang mang, nên các nhà làm phim phải cần đến một cố vấn lịch sử kè kè để chỉnh sửa các tiểu tiết. Các nhà làm phim đã quên mất là giới trẻ hôm nay xem phim không phải là để biết Lý Công Uẩn mặc gì, cưỡi ngựa gì, mà để hiểu vì sao ngài được ca ngợi đến thế. Mà điều đó thì tôi không chắc sẽ thấy khi xem phim.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận