Lê Minh Châu tại xưởng vẽ, cũng là nơi ở và chiếc máy tính bảng là cánh cửa đưa Châu ra với thế giới. Bộ phim Chau beyond the lines đã được trình chiếu tại nhiều liên hoan phim quốc tế. Ngày 29-1 phim sẽ được chiếu trong khuôn khổ các phim được đề cử giải Oscar 2016 - Ảnh: Kim Thoa |
Tám năm trôi qua, nhân vật chính trong phim nay đã 25 tuổi, còn người đạo diễn cũng đã 29. Tám năm để xong một bộ phim dài 34 phút, Courtney Marsh bảo “nếu biết trước lâu thế, chắc tôi đã bỏ nó rồi”.
Khi hỏi Lê Minh Châu, tức nhân vật chính tên Châu trong phim, có thể hiểu tựa phim này theo tiếng Việt là gì, cậu bảo đó là “Châu, vượt tuyến” theo nghĩa “Châu, vượt qua những ranh giới” hay “Châu, vượt qua những đường biên”...
Đạo diễn Courtney Marsh - Ảnh: IMDB |
“Chúng tôi hi vọng thông qua một câu chuyện đầy cảm hứng, bộ phim có thể đánh thức một sự hiểu biết nào đó, nhất là với thế hệ trẻ, vì tôi từng không biết chất độc da cam là gì và tôi nghĩ việc chúng ta hiểu được lịch sử của đất nước mình là điều quan trọng để thật sự nhận ra tương lai mình sẽ như thế nào |
Đạo diễn Courtney Marsh |
Vượt qua những rào cản
Chắc hẳn khi dùng hai chữ “vượt tuyến”, cậu thanh niên sinh năm 1991 nhớ về cái thuở phá phách tới mức nhiều người “phát ớn”.
Bà Đặng Hồng Nhựt, nguyên giám đốc Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật và trẻ mồ côi ở huyện Hóc Môn, còn ấn tượng mãi về cậu học trò nghịch ngợm này: “Ôi trời, hai cái tay yếu thế mà nó lôi xềnh xệch cặp sách của bạn bè chứ!”.
Cái tuổi dở dở ương ương một thời rồi cũng qua. Giờ nhớ lại, Châu bảo những sai lầm lúc đó là những điều để mình “nhớ” và không còn mắc lại.
Nhưng cái đận “vượt tuyến” năm 2013 khi Châu quyết định xin rời khỏi Trung tâm Bảo trợ trẻ khuyết tật ở Hóc Môn thì không còn là hành động xốc nổi nữa. Đó là suy nghĩ chín chắn, trưởng thành của một thanh niên đã xác lập cho mình hướng đi riêng: nghệ thuật.
Châu là một trong những người đầu tiên được đạo diễn Courtney Marsh báo tin vui khi bộ phim Chau, beyond the lines vào vòng đề cử chính thức giải thưởng Oscar lần thứ 88.
Nhớ lại cách đây tám năm khi gặp và trò chuyện cùng chị Courtney, Châu cảm nhận được sự khác biệt ở nữ đạo diễn này. Chị cùng chơi đá bóng với Châu nhiều buổi chiều, lắng nghe cậu nói chuyện như cách mà má Sinh (bà Hoàng Thị Sinh là nhân viên của Làng Hòa Bình nay đã nghỉ hưu) vẫn thường trò chuyện với Châu.
Là người sống nội tâm và rất nhạy cảm, Châu mau chóng nhận ra cô gái người Mỹ đang trò chuyện với mình không phải theo cách của một người đang tìm thông tin để làm phim.
Courtney Marsh thuyết phục Châu bằng sự chân thành, chia sẻ, và có lẽ có chút gì “đồng thanh tương ứng” trong khát vọng khẳng định bản thân của một tuổi trẻ mạnh mẽ và quyết liệt giữa hai người.
Có phải vì thế chăng mà vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hóa, cậu dốc ruột dốc gan cho chị Courtney tất tật những gì tốt, xấu về bản thân mình.
Và câu chuyện phim Chau, beyond the lines ra đời, nói về hành trình thực hiện ước mơ của một cậu bé bị nhiễm chất độc da cam và dị tật bẩm sinh phải di chuyển bằng đầu gối tại Làng Hòa Bình ở TP.HCM.
“Thật đáng kinh ngạc khi nhà làm phim có thể đặt quá nhiều câu chuyện và cảm xúc vào trong một phim ngắn như vậy mà không hề tạo cảm giác vội vã. Đây là bộ phim rất đáng xem, nhất là với khán giả Mỹ - những người chưa nhận thức hết những tác hại của chất độc da cam tại Việt Nam" |
Nhà bình luận Dana Summers |
Chau, beyond the lines |
Đánh thức sự thật từ một câu chuyện đầy cảm hứng
Tám năm làm phim là rất nhiều cuộc đi lại giữa Mỹ và Việt Nam của đạo diễn Courtney Marsh. Êkip làm phim trong tám năm ấy là... hai người. Courtney Marsh vừa là đạo diễn vừa là quay phim. Đi cùng chị là Duy Nguyễn, một bạn gái người Mỹ gốc Việt, giúp chị phiên dịch và hỗ trợ làm phim khi cần.
Châu rất ấn tượng với cách làm việc chuyên nghiệp của chị Courtney. Chị luôn quay Châu một cách tự nhiên nhất. Lắm khi hai chị em đang đi cùng nhau, chị đột ngột lùi lại chụp ảnh hay quay phim Châu từ phía sau mà cậu chẳng hay. Có không ít tấm hình khi xem lại Châu thấy bị bất ngờ là vì vậy.
Trong phim còn có một nhân vật khác cũng xuất hiện cùng Châu, chính là má Sinh, người luôn gần gũi, lắng nghe Châu. Nhưng đây cũng chính là người nhiều lần nói Châu sẽ không thể trở thành họa sĩ.
Má Sinh bảo “chân tay con yếu như thế thì mơ ước cũng chỉ để cho có chứ làm thế nào được”.
Chính vì má Sinh không tin nên Châu càng dốc sức thực hiện ước mơ. Cách đây hơn hai năm, khi Châu cùng họa sĩ Hồ Đắc Điệp mở triển lãm tranh cùng nhau, má Sinh quá đỗi bất ngờ.
Và tới giờ, khi hàng ngàn bức tranh lần lượt ra đời dưới cây cọ lắm khi phải dùng tới miệng để vẽ của Châu hoàn toàn thuyết phục bà. Hoặc ít nhất là má Sinh không còn nghi ngờ về niềm đam mê nghệ thuật của đứa trẻ thiệt thòi mà bà coi như con.
Sau khi phim được trình chiếu tại một số liên hoan phim, đạo diễn Courtney cho biết rất bất ngờ về hiệu ứng của phim. Bộ phim trở thành cầu nối để mọi người hiểu hơn về chất độc da cam.
Chị nói: “Tôi không sống trong giai đoạn xảy ra chiến tranh tại Việt Nam và sẽ không kết tội ai, nhưng tôi cố gắng thu nhận những gì Châu dạy tôi: hãy nhận ra những gì bạn có thay vì những gì bạn không có và khi đó có thể bạn sẽ đạt được những điều ngoài mong đợi của mình.
Chúng tôi đã đề nghị các khán giả tới những buổi chiếu phim của chúng tôi ký vào những bức thư kêu gọi Quốc hội (Mỹ) dọn sạch các khu vực còn nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam, cũng như tiếp tục giúp đỡ những gia đình Việt Nam đang phải chăm sóc những đứa trẻ tàn tật, thường sống tại những khu vực nông thôn.
Chúng tôi hi vọng thông qua một câu chuyện đầy cảm hứng, bộ phim có thể đánh thức một sự hiểu biết nào đó, nhất là với thế hệ trẻ, vì tôi từng không biết chất độc da cam là gì và tôi nghĩ việc chúng ta hiểu được lịch sử của đất nước mình là điều quan trọng để thật sự nhận ra tương lai mình sẽ như thế nào”.
Quay 8 năm, chiếu 34 phút
Bộ phim chỉ dài 34 phút nhưng ghi lại rất “người” cuộc chiến của một cậu bé nhiễm chất độc da cam vươn tới ước mơ, trở thành họa sĩ hoặc nhà thiết kế thời trang. Trong nhiều bài phỏng vấn, đạo diễn Courtney Marsh thừa nhận rất đồng cảm với Châu vì họ cùng có một niềm tin mãnh liệt vào điều ước mơ và làm mọi cách để hướng tới. Với Châu, trở thành một nghệ sĩ. Với Marsh, trở thành nhà làm phim. Câu chuyện bắt đầu cách đây tám năm khi Marsh, lúc đó mới chỉ là cô sinh viên năm cuối ở tuổi 21, sang Việt Nam với dự định làm một phim tài liệu. Ban đầu, qua giới thiệu của bạn bè, Marsh dự định mất vài ngày để làm tài liệu về trẻ em đường phố tại TP.HCM. Số phận run rủi, Marsh được giới thiệu đến thăm Làng Hòa Bình - nơi nuôi dưỡng các trẻ em nhiễm chất độc da cam. Theo Marsh kể lại, đó là lần đầu tiên trong đời cô chứng kiến một điều như vậy. Và đó là lúc bắt đầu để Marsh đổi đề tài. Chau, beyond the lines có rất nhiều lần đặt máy quay thấp, hay những góc máy ngang tầm nhìn của Châu và đôi lúc chính Châu là người dẫn chuyện. Lý giải việc chọn thủ pháp này, Marsh cho biết cô muốn người xem hiểu và cảm nhận thế giới qua chính đôi mắt của Châu. Marsh nói rằng nếu đặt máy quay ở tầm cao sẽ tạo cảm giác của một người bình thường “nhìn xuống” Châu và các bạn. Không chỉ giữ nguyên góc nhìn thị giác, Marsh còn tôn trọng tuyệt đối góc nhìn về thế giới của Châu. Đồng thời, Châu của Marsh cũng được khắc họa rất “con người” - không phải một dạng “anh hùng hoàn hảo”, với nhiều tật xấu, nhiều thời điểm khủng hoảng... Châu không phải là một gương điển hình có thể vượt khó một cách không tì vết. Khi được hỏi vì sao Châu trở thành nhân vật chính, Marsh kể lại rằng vào thời điểm đó, cô định làm phim về năm cậu bé nhưng cuối cùng chọn Châu - khi đó 15 tuổi, vì “mới ở tuổi đó Châu đã có đầy hoài bão, đóng đinh vào mục tiêu trở thành nghệ sĩ trong khi hầu hết bạn đồng trang lứa khác đều không biết bản thân muốn gì”. |
* Xem loạt bài ĐƯỜNG ĐẾN OSCAR 2016 trên Tuổi Trẻ Online:
- Giới phê bình Mỹ tôn vinh phim về sức mạnh báo chí
- Leonardo DiCaprio: các vai diễn hay nhất và dở nhất
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận