Như Tuổi Trẻ đã phản ánh, phim truyền hình Việt có một thời vàng son với rất nhiều tác phẩm kinh điển. Để cùng bạn đọc sống lại những ký ức ấy, Tuổi Trẻ Online điểm lại một số bộ phim truyền hình Việt được đông đảo khán giả yêu mến, đoạt giải quốc tế.
Đó là: Lời nguyền của dòng sông, Người Hà Nội, Người đẹp Tây Đô, Những nẻo đường phù sa, Giã từ dĩ vãng, Đất phương Nam, Ngọn nến hoàng cung...
Lời nguyền của dòng sông
Bộ phim truyền hình Lời nguyền của dòng sông do Khải Hưng làm biên kịch, đạo diễn. Phim chuyển thể từ truyện ngắn Mùa hoa cải bên sông của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, phát sóng lần đầu vào năm 1992.
Phim khiến khán giả day dứt khi tái hiện bối cảnh miền quê Bắc Bộ với những hủ tục lạc hậu. Câu chuyện kể về gia đình ông Lư - chủ một chiếc thuyền ở sông có cuộc đời đầy bất hạnh. Lời nguyền của dòng sông đã đoạt giải phim xuất sắc tại Liên hoan phim truyền hình quốc tế Brussels năm 1993.
Người Hà Nội
Sản xuất năm 1996, Người Hà Nội lấy bối cảnh cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990.
Phim khắc họa chân thật cuộc sống đời thường của những người lính trở về sau chiến tranh. Bộ phim quy tụ đông đảo diễn viên Nam - Bắc như Quyền Linh, Minh Hằng, Quốc Trị, Diệu Thuần...
Đặc biệt, ca khúc nhạc phim Chị tôi (Mỹ Linh hát) gây sốt với khán giả. Bài hát ngày nay vẫn được nhiều người biết đến.
Người đẹp Tây Đô
Bộ phim Người đẹp Tây Đô phát sóng năm 1996 tạo nên tiếng vang lớn. Đến nay, đây vẫn được xem là một trong những phim truyền hình Việt nổi tiếng nhất thập niên 1990.
Người đẹp Tây Đô lấy cảm hứng từ cuộc đời của nữ chiến sĩ tình báo Lâm Thị Phấn. Diễn viên Việt Trinh vào vai nhân vật chính Bạch Cúc và một bước trở thành ngôi sao sáng.
Những nẻo đường phù sa
Phim Những nẻo đường phù sa dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Phim do Châu Huế và Trần Ngọc Phong làm đạo diễn, phát lần đầu năm 1997. Phim quy tụ các diễn viên: Thiệu Ánh Dương, Quyền Linh, Ngọc Hiệp, Diễm My, Hồ Kiểng...
Phim khắc họa hành trình và số phận của thanh niên nam nữ Sài Gòn trong thời điểm cao trào cách mạng những năm thập niên 1930 - 1950.
Một số diễn viên cho rằng bộ phim truyền hình Việt này chính là thanh xuân của họ. Họ có những ngày tháng đồng cam cộng khổ, rong ruổi khắp miền Tây, thậm chí ở trong rừng sâu để ghi hình.
Trong chương trình Ký ức vui vẻ, nghệ sĩ Quyền Linh từng chia sẻ về bộ phim: "Đã 23 năm rồi nhưng bây giờ nhắc lại từng bước chân, từng hơi thở vẫn là máu thịt của mình".
Giã từ dĩ vãng
Sản xuất năm 1997, Giã từ dĩ vãng của đạo diễn Đinh Đức Liêm thu hút sự quan tâm lớn với khán giả truyền hình.
Phim kể về người mẹ và ba con rời quê hương vào Sài Gòn sinh sống, lập nghiệp. Cô đã làm đủ công việc từ thợ hồ đến thợ may, có khi phải sống trong nghĩa địa để cuối cùng tạo dựng nên sự nghiệp riêng mình…
Cùng với bộ phim, ca khúc Giã từ dĩ vãng do ca sĩ Phương Thanh trình bày trong phim cũng trở thành một hiện tượng lúc bấy giờ.
Đất phương Nam
Đất phương Nam do Nguyễn Vinh Sơn làm biên kịch và đạo diễn. Phim dựa trên tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi. Bộ phim ra mắt nhân dịp kỷ niệm 300 năm thành lập Sài Gòn - TP.HCM.
Năm 1997, nhiều khán giả chờ đón từng ngày để theo dõi hành trình tìm cha của cậu bé An (Hùng Thuận) ở miền Tây Nam Bộ.
Đất phương Nam cũng là phim truyền hình Việt đầu tiên được xuất khẩu sang Mỹ. Phim này được phát sóng rất nhiều lần trên các đài truyền hình và vẫn được yêu thích. Mới đây, bản điện ảnh Đất phương Nam vừa công bố sản xuất, do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn.
Ngọn nến hoàng cung
Ngọn nến hoàng cung do Nguyễn Quốc Hưng làm đạo diễn. 45 tập phim tái hiện và lý giải sự sụp đổ của triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam trước cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Đây là bộ phim truyền hình Việt được làm chỉn chu, trang phục đẹp, câu chuyện được kể hấp dẫn đã tạo nên sức hút với khán giả khi phim phát sóng vào năm 2004, sau ròng rã bốn năm thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận