Có phải đơn giản mà những tác phẩm thuần ngôn tình của Phỉ Ngã Tư Tồn như Không kịp nói yêu em, Nhân sinh nếu như lần đầu gặp gỡ khi chuyển thể sang phim truyền hình bỗng thay đổi cái kết và mang màu sắc "kháng chiến" rõ rệt?
Có phải bỗng dưng mà trong cùng một khoảng thời gian, dường như những đề tài lặp đi lặp lại một cách rõ ràng? Có phải gặp thời mà sau bao năm lặn ngụp trong showbiz, Ngô Kinh lại trở nên nổi bật và được ca tụng với Chiến lang 2?
Trailer phim Chiến lang 2
Thực ra tất cả đều bắt nguồn từ chiến lược gắn liền với .
Khái niệm Giai điệu chủ lần đầu được đưa ra chính thức trong Hội nghị gặp mặt văn nghệ sĩ toàn ngành điện ảnh Trung Quốc năm 1987, với sự có mặt của Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Giang Trạch Dân.
Kết quả của Hội nghị là bản phương hướng chiến lược cho điện ảnh Trung Quốc, trong đó xác định Giai điệu chủ sẽ là dòng phim "bộ mặt" của Trung Quốc.
Sau năm 1987, một chiến lược điện ảnh Trung Quốc ra đời với khẩu hiệu: "Rạng rỡ Giai điệu chủ, đề xướng đa dạng hoá".
Những ai yêu văn Phỉ Ngã Tư Tồn chắc sẽ không hài lòng với cái kết đượm màu kháng chiến của Nhân sinh nếu như lần đầu gặp gỡ
Khi phim ngôn tình biến thành phim cách mạng
Dòng Giai điệu chủ có 2 lần phải chuyển mình cùng những quyết sách từ nhà nước và đều từ cùng một nguyên nhân trên văn bản là "sự bùng nổ không kiểm soát của dòng phim giải trí kém chất lượng".
Lần đầu vào năm 1987, khi khái niệm Giai điệu chủ chính thức được sử dụng trong phim ảnh và năm 2016, sau Đại hội văn nghệ sĩ toàn quốc Trung Quốc lần thứ 10.
Những phim Giai điệu chủ dù ở lĩnh vực điện ảnh hay truyền hình, ở thời điểm nào cũng đều có chung một thứ: sự ưu đãi từ chính sách. Về mặt thuế, các phim dòng Giai điệu chủ chỉ phải nộp 3% doanh thu lại cho nhà nước (trong khi các phim đề tài khác là 5%).
Về mặt rạp chiếu, các phim này được ưu ái phòng chiếu và suất chiếu. Điển hình như bộ ba Tam Kiến (Kiến quốc đại nghiệp, Kiến đảng vĩ nghiệp, Kiến quân đại nghiệp), các rạp đều có thông báo dốc toàn lực tuyên truyền, đảm bảo các phòng chiếu trung bình luôn kín trên 45% số ghế.
Trailer phim Kiến đảng vĩ nghiệp
Thậm chí, việc xem Kiến đảng vĩ nghiệp còn nằm trong hoạt động ngoại khoá của các chi bộ Đảng cả nước. Chưa tính đến sự huy động lực lượng truyên truyền từ hệ thống báo chí chính thống.
Năm 2007, Tổng cục phát thanh truyền hình có văn bản yêu cầu các giờ vàng của các Đài TH phải chiếu trên 60% phim Giai điệu chủ.
Riêng kênh CCTV8 - kênh duy nhất dành riêng cho điện ảnh thuộc sở hữu của tập đoàn Trung Ảnh (Trung Quốc ảnh thị, một tập đoàn lập nên từ 5 công ty điện ảnh nhà nước), giờ vàng đươc dành riêng chiếu phim dòng Giai điệu chủ.
Thời điểm hiện tại, Tổng cục phát thanh truyền hình Trung Quốc đang đưa ra thông báo về khuyến khích các đề tài cách mạng.
Tất cả các phim có đề tài này sẽ được nhận được sự ưu tiên xét duyệt. Việc đơn vị này đưa ra các đề tài gợi ý bằng thông báo văn bản chính thức đã thành thông lệ mỗi quý.
Bởi vậy những năm trước, Không kịp nói yêu em, một tiểu thuyết ăn khách của Phỉ Ngã Tư Tồn từ nội dung ngôn tình thuần tuý và kết cục bi thảm khi được chuyển thể thành phim.
Ở những tập cuối, nam chính Mộ Dung Bái Lâm bỗng được nữ chính Tịnh Uyển cảm hoá về con đường cách mạng và trở thành nhân vật kháng Nhật tích cực.
Hay trong những hình ảnh rò rỉ tập cuối từ bộ phim đang sốt Nhân sinh nếu như lần đầu gặp gỡ, cuộc tranh chấp nội bộ giữa anh em Dịch Liên Thận - Dịch Liên Khải thời Dân quốc cũng dần biến thành anh em chung tay chống quân Nhật, thể hiện tinh thần yêu nước của người Trung Quốc.
Trailer phim Nhân sinh nếu như lần đầu gặp gỡ
Với cách cải biên như vậy, phim lại dễ dàng qua cửa kiểm duyệt và được chấp nhận dưới mác "nhân văn hơn", từ phim ngôn tình biến thành phim Giai điệu chủ.
Hay một mô típ cực kỳ dễ thấy trong các phim võ thuật từ điện ảnh đến truyền hình thời kỳ kháng Nhật là nhân vật chính sẽ chiến thắng một võ sĩ Nhật ở cuối phim, sau khi thuyết giảng rất nhiều đạo lý về tinh thần Trung Hoa.
Điều này được kiểm chứng từ Hoắc Nguyên Giáp, Diệp Vấn đến các phim truyền hình Cẩm tú duyên hoa lệ mạo hiểm, Hoạt sắc sinh hương…
Tất nhiên, những phim này luôn nằm trong danh mục những phim được đưa đi xuất khẩu sớm nhất. Thời điểm những năm 2000-2010, có thể thấy dòng Giai điệu chủ thống trị trong các bộ phim Trung Quốc có mặt ở Việt Nam, đặc biệt là dòng phim lịch sử cổ trang và phim chống tham nhũng.
Diệp Vấn cũng là một phim nằm trong Giai điệu chủ?
Bành trướng Đông Nam Á
Dòng Giai điệu chủ trỗi dậy mạnh mẽ ở lĩnh vực phim truyền hình khi Trung Quốc bắt đầu đưa phim của mình "bước ra thế giới" vào thập niên 90 thế kỷ XX.
Khán giả Việt Nam không còn xa lạ với bộ phim điển hình đề tài này những năm đầu Giai điệu chủ xuất khẩu là Khát vọng. Bộ phim được xem như tượng đài của dòng Giai điệu chủ và mở đầu cho dòng phim "lực lượng chính của Trung Quốc" .
Ở Thái Lan, năm 2008 mới bắt đầu chính thức hợp tác nhập phim truyền hình Trung Quốc. Nhưng hiện nay số lượng phim truyền hình đại lục Trung Quốc ở Thái chiếm 30% (so với 32% phim Hàn), 8% là phim Hong Kong, Đài Loan.
Hầu hết các phim này là phim cổ trang. Một số phim còn đạt mức rating kỷ lục như Hoàn Châu cách cách, Chân Hoàn truyện, Bao Thanh Thiên, Tam quốc diễn nghĩa.
Thậm chí Tam quốc diễn nghĩa còn lập thành tích chưa từng có khi chiếu liên tục ở 3 đài cùng lúc 18h30 mỗi ngày vào tháng 3-2017. Cộng đồng người Hoa ở Thái đặc biệt yêu thích đề tài cổ trang.
Tam quốc diễn nghĩa là một trong số phim đạt rating kỷ lục khi chiếu ở Thái Lan
Năm 2014, Đài phát thanh truyền hình Quảng Tây (Trung Quốc) ký hợp tác với Đài Truyền hình quốc gia Campuchia và Đài Truyền hình quốc gia Lào thoả thuận "Chiếu phim truyền hình Trung Quốc". Mỗi năm hai đài cam kết phát ít nhất 100 tập phim truyền hình Trung Quốc.
Cho đến tháng 10-2016, đã có 546 tập phim được phát. Một bài báo của Nhân dân nhật báo Trung Quốc ghi nhận: "Đến 2 quốc gia này thấy thông tin về phim ảnh Trung Quốc ngập tràn trên mặt báo". 65% phim truyền hình của Đài Truyền hình Lào là phim Trung Quốc.
Tất nhiên, các phim này được phía Trung Quốc cung cấp miễn phí.
Nhìn sang điện ảnh, Trung Quốc nhún nhường hơn khi phải cạnh tranh khốc liệt với phim nội địa các nước và phim Hollywood. Có điều, chính sách dốc sức ủng hộ của nhà nước luôn khiến các bộ phim này có cửa đi thuận lợi.
Kong: Skull Island là một phim được làm bởi Lengendary Pictures nên sự có mặt của Cảnh Điềm cũng không có gì bất ngờ!
Năm 2004, Tổng cục Phát thanh truyền hình Trung Quốc ra văn bản quy định về việc đầu tư doanh nghiệp điện ảnh vốn nước ngoài. Một loạt các công ty nhảy vào thị trường màu mỡ này như Warner Bros, Columbia Pictures, và đỉnh điểm là năm 2016, tập đoàn Wanda đã mua đứt Lengendary Pictures - mở đường cho điện ảnh Trung Quốc tiến vào Hollywood.
Văn bản quy định cũng ghi rõ các công ty phải có trách nhiệm mang phim "kiểu Trung Quốc" đến các liên hoan phim quốc tế theo định kỳ (tháng 2 tại California, tháng 5 tại Cannes và tháng 10 tại Milan).
Nhưng Hán Tam Bình, cựu Chủ tịch HĐQT của tập đoàn Trung Ảnh (cũng là đơn vị độc quyền nhập khẩu phim ở Trung Quốc) cho hay: "Khác biệt văn hoá khiến giá trị tuyên truyền các bộ phim bị giảm đi nhiều".
Đây cũng là lý do mà Trung Quốc coi thị trường châu Á - nơi có các nước "tương đồng văn hoá", cụ thể là 10 nước Đông Nam Á cùng Nhật Bản, Hàn Quốc là thị trường trọng điểm.
Một ví dụ điển hình là Dạ yến của Phùng Tiểu Cương ra mắt năm 2006.
Tổng doanh thu của phim này ở thị trường châu Âu (Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha) chưa đến 10 triệu USD.
Nhưng riêng thu nhập từ DVD ở thị trường Nhật Bản đã là 20 triệu USD. Tổng doanh thu phòng vé của Dạ yến ở các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc là 100 triệu USD.
Châu Á trở thành thị trường dễ dàng nhất của Trung Quốc. Đương nhiên, vai trò số 1 của những phim này ở châu Á không phải là tiền, mà là "Để người ta biết về Trung Quốc".
Tuy nhiên, một khán giả trên trên tieba bày tỏ thẳng thắn: "Đừng nhìn phim truyền hình Trung Quốc phổ biến ở mấy nước châu Á châu Phi mà mừng. Thực tế phim Trung Quốc chỉ đạt rating cao ở các nước này khi có đề tài cổ trang. Còn những phim hiện đại, nếu không phải dòng thanh xuân thần tượng với các soái ca thì rất khó hút khách. Và đó không phải là hình ảnh Trung Quốc".
Tuy vươn rộng ra châu Á thì khán giả phim Trung Quốc vẫn nằm cục bộ trong cộng đồng người Hoa ở các quốc gia này.
"Những thứ nghe nói ở các quốc gia Đông Nam Á đều là cái vỏ hào nhoáng bên ngoài. Nhiều bộ phim Trung Quốc đều bán với giá thấp hoặc thậm chí miễn phí. Sang lĩnh vực điện ảnh thì hầu như chẳng mấy phim Trung Quốc nổi ở các thị trường đó. Bởi vì phim điện ảnh mới là thứ bắt người ta bỏ tiền ra mua vé", vẫn khán giả này cho hay.
Và đây không phải là một ý kiến cá biệt.
Giai điệu chủ là gì?
Dòng phim Giai điệu chủ là dòng phim tuyên truyền với mục đích "làm nổi bật tính đặc sắc Trung Quốc" nhất. Với quyết định đó, dòng phim này mặc định được nhà nước ưu đãi trong các chiến lược phát triển điện ảnh của Trung Quốc.
Dòng Giai điệu chủ chia làm 5 loại: Phim hiện thực đề tài hiện đại; Phim cổ trang lịch sử (phân biệt với phim cổ trang dã sử, xuyên không); Phim gia tộc luân lý; Phim cách mạng, bối cảnh cách mạng; Phim hình sự, chống tham nhũng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận