23/12/2020 11:17 GMT+7

Phim 'Trạng Tí' bị nghi vi phạm bản quyền, Ngô Thanh Vân: 'Tôi không ăn cắp!

MI LY
MI LY

TTO - Nhà sản xuất phim 'Trạng Tí' lên tiếng sau khi có những bình luận thắc mắc tại sao phim lại mua bản quyền từ Công ty Phan Thị mà không phải là họa sĩ Lê Linh - tác giả truyện tranh 'Thần đồng đất Việt'.

Trailer 'Trạng Tí' - phim chuyển thể từ truyện tranh 'Thần đồng đất Việt'

Mới đây, trailer và dàn diễn viên nhí của Trạng Tí ra mắt khán giả. Thế nhưng, bên dưới các bài đăng về trailer trên mạng xã hội, xuất hiện những ý kiến đòi quyền lợi cho tác giả Lê Linh của bộ truyện tranh gốc Thần đồng đất Việt.

Một số bình luận còn đặt nghi vấn nhà làm phim vi phạm bản quyền, còn đặt câu hỏi "liệu có ăn cắp?".

Ngô Thanh Vân: 'Tố tôi ăn cắp là không đúng'

Tối 22-12, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân (Studio68) lên tiếng bảo vệ tính hợp pháp của bộ phim.

Cô khẳng định: "Xin được nói rõ, đó là nội dung tôi mua và trả tiền theo đúng luật Sở hữu trí tuệ, nên tố tôi ăn cắp là không đúng. Khi ký kết, tôi hoàn toàn không biết về vụ kiện (giữa họa sĩ Lê Linh và công ty Phan Thị - PV) nên tôi có lỗi trong việc nên nắm rõ thông tin trước khi mua".

Phim Trạng Tí bị nghi vi phạm bản quyền, Ngô Thanh Vân: Tôi không ăn cắp! - Ảnh 2.

Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân - Ảnh: DIỄM MY

Tường thuật lại sự việc, Ngô Thanh Vân cho biết dự án được lên ý tưởng từ năm 2016. Khi đó, cô đã gặp công ty Phan Thị - đơn vị phát hành truyện tranh, để bàn về việc mua bản quyền.

Quá trình đàm phán kéo dài từ năm 2016 đến năm 2018 thì đi đến thỏa thuận cho phép Ngô Thanh Vân mua bản quyền 5 tập truyện từ Phan Thị để làm phim. Cô cho rằng quá trình này "không có gì sai về mặt luật pháp nên hai bên đã ký hợp đồng với nhau". Lúc đó, nhà sản xuất không biết về tranh chấp giữa công ty Phan Thị và tác giả Lê Linh.

Phim Trạng Tí bị nghi vi phạm bản quyền, Ngô Thanh Vân: Tôi không ăn cắp! - Ảnh 3.

Tạo hình 4 nhân vật chính Tí, Sửu, Dần, Mẹo trong phim "Trạng Tí" - Ảnh: ĐPCC

Năm 2018, vụ kiện giữa họa sĩ Lê Linh và công ty Phan Thị được đưa ra xét xử lần đầu, gây xôn xao dư luận. Ngô Thanh Vân nhờ luật sư liên hệ với Phan Thị để làm rõ sự việc, nhưng bên Phan Thị đã đưa ra các giấy tờ liên quan cho thấy vụ kiện chưa có phán quyết cuối cùng.

Vì vậy, hợp đồng giữa hai bên vẫn có hiệu lực và Ngô Thanh Vân phải bấm máy bộ phim vì mọi thứ đã sẵn sàng. Phim mất 3 năm sản xuất, tính cả năm nay do COVID-19.

'Họa sĩ Lê Linh từ chối mọi quyền lợi'

Tháng 12-2019, tòa phán xử họa sĩ Lê Linh thắng kiện. Khi thấy mọi việc đã rõ ràng, Ngô Thanh Vân đã gặp họa sĩ để nói chuyện và giải quyết. Trong cuộc gặp, cô chia sẻ khó khăn từ phía nhà làm phim. Phía Studio68 cho biết, sau khi trao đổi, họa sĩ Lê Linh vẫn giữ quan điểm từ chối các quyền lợi do nhà sản xuất đưa ra.

Ngô Thanh Vân cho biết, trong thời gian diễn ra vụ kiện, nhà sản xuất đề nghị nhiều hình thức quyền lợi khác nhau cho họa sĩ Lê Linh nhưng ông đã từ chối.

Phim Trạng Tí bị nghi vi phạm bản quyền, Ngô Thanh Vân: Tôi không ăn cắp! - Ảnh 4.

Truyện tranh "Thần đồng đất Việt" và bản chuyển thể điện ảnh, "Trạng Tí" - Ảnh: ĐPCC

Tháng 9-2019, Tòa án Nhân dân TP.HCM công nhận ông Lê Linh là tác giả duy nhất của hình tượng 4 nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo trong Thần đồng đất Việt. Ông Lê Linh là tác giả hình thức thể hiện gốc, còn công ty Phan Thị là chủ sở hữu tác phẩm, được sử dụng 4 hình tượng nhân vật này vào sản xuất kinh doanh nhưng phải tôn trọng quyền nhân thân của tác giả.

Tuổi Trẻ Online liên hệ với Công ty Phan Thị để hỏi về vấn đề này, tuy nhiên phía Phan Thị không bắt máy. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Phim Trạng Tí ra rạp ngày 12-2-2021 (mùng 1 Tết Tân Sửu).


le linh  lrg_dsc02542 4(read-only)

Họa sĩ Lê Linh tại tòa năm 2019 - Ảnh: TUYẾT MAI

Họa sĩ Lê Linh: ‘Tôi từ chối vì chẳng còn ý nghĩa gì nữa’

Trả lời Tuổi Trẻ Online về phát biểu của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, họa sĩ Lê Linh xác nhận việc ông từ chối mọi quyền lợi từ phía nhà sản xuất đưa ra.

Lê Linh nói: “Ngô Thanh Vân nói chính xác. Khi phiên tòa đang diễn ra, chị Vân có cho người tới nói chuyện nhưng tôi đang bận đấu với Phan Thị nên không có thời gian suy nghĩ chuyện khác. Sau khi phiên tòa kết thúc, tôi cũng từ chối vì lý do nếu tôi nhận quyền lợi thì khác nào làm lợi cho Phan Thị, mà Phan Thị đang mắc nợ tôi quá nhiều.

Hơn nữa, tuy tên tôi được ghi rất rõ trên truyện cũng như trên giấy tờ pháp lý của Phan Thị, nhưng mãi sau này Ngô Thanh Vân mới liên hệ. Theo tôi, việc đó chỉ mang tính thủ tục, đối phó công luận... nên làm việc với Ngô Thanh Vân cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Phim họ cũng đã làm xong hết rồi, tôi đâu thể có ý kiến hay thỏa thuận gì dựa trên phim được nữa. Việc liên hệ không còn ý nghĩa”.

Về việc nhiều khán giả vẫn tiếp tục ủng hộ và đòi quyền lợi thay mình trên các bài đăng về phim Trạng Tí, họa sĩ Lê Linh nói rõ: “Tôi muốn tránh những chuyện lùm xùm để tránh mệt mỏi mấy ngày nay. Tôi chỉ muốn nói rõ một lần là phim Trạng Tí không liên quan gì đến tôi. Lựa chọn xem hay không xem là của khán giả”.

trang ti 1

Kỹ xảo phim "Trạng Tí", tác phẩm phái sinh của truyện tranh "Thần đồng đất Việt" - Ảnh: ĐPCC

Là chủ sở hữu, Phan Thị có quyền làm tác phẩm phái sinh

Trước khi Ngô Thanh Vân lên tiếng, Tuổi Trẻ Online trao đổi với luật sư Phan Vũ Tuấn, phó chủ tịch hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM. Trước câu hỏi "Việc nhà sản xuất phim Trạng Tí mua bản quyền chuyển thể truyện tranh Thần đồng đất Việt từ công ty Phan Thị có đúng pháp luật?", luật sư trả lời:

Theo quy định của pháp luât, quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Chủ sở hữu quyền tác giả có quyền làm tác phẩm phái sinh.

Khoản 8 Điều 4 luật Sở hữu trí tuệ quy định: Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. Do đó, chuyển thể là một hình thức của tác phẩm phái sinh và đây là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định, chủ sở hữu quyền tác giả có thể là cá nhân, tổ chức mà không nhất thiết phải là tác giả. Ví dụ, Disney làm phim từ truyện tranh Marvel thì phải mua bản quyền từ Marvel Comics vì Marvel Comics là chủ sở hữu của những truyện tranh này.

Đối với hợp đồng mua bản quyền chuyển thể giữa nhà sản xuất phim Trạng Tí và Công ty Phan Thị, thì đây là hợp đồng độc lập của các tổ chức với nhau. Nếu đối tượng của hợp đồng là tác phẩm chuyển thể từ các tác phẩm truyện tranh thì cần xác định tác phẩm truyện tranh gốc có thuộc quyền sở hữu của công ty Phan Thị hay không.

Trường hợp, tác phẩm gốc do công ty Phan Thị là chủ sở hữu thì công ty này hoàn toàn có quyền làm tác phẩm phái sinh, tức là chuyển thể sang hình thức kịch bản phim, sau đó hoàn toàn có thể chuyển nhượng, cho phép... tổ chức, cá nhân khác sử dụng kịch bản này.

Tuy nhiên, việc làm tác phẩm phái sinh phải đảm bảo không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm gốc, tức là đảm bảo quyền nhân thân của tác giả (quyền Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả, theo quy định tại Khoản 4 Điều 19 luật Sở hữu trí tuệ).

Tuổi Trẻ Online liên hệ với Phan Thị để hỏi về vấn đề này, tuy nhiên phía Phan Thị không bắt máy. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Bị Lê Linh phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu 10 năm trước, Phan Thị muốn hủy đơn Bị Lê Linh phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu 10 năm trước, Phan Thị muốn hủy đơn

TTO - Trong Công báo sở hữu công nghiệp vào ngày 25-11, nhãn hiệu 'Lê Linh' (tác giả 'Thần đồng đất Việt') được công ty Phan Thị nộp đơn đăng ký từ ngày 9-7-2010 nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên