30/07/2010 05:30 GMT+7

Phim thảm họa: Sự dịch chuyển Âu - Á

MINH TRANG
MINH TRANG

AT - Động đất, hỏa hoạn, sóng thần, lốc xoáy, đắm tàu... là những thảm họa tự nhiên thường thấy trong những bộ phim về đề tài này.

qxgdglo2.jpgPhóng to
Cảnh trong phim Aftershock

Tuy nhiên, làm phim thảm họa không chỉ là việc phô trương thanh thế cho một nhà sản xuất, hãng phim nào đó (chi phí thường rất đắt) mà còn bởi mỗi bộ phim là một thông điệp sâu sắc giàu tính nhân văn, giàu tình yêu và lý tưởng sống cao đẹp.

Ngày 22-7 tới đây, bộ phim thảm họa bom tấn của châu Á Aftershock (Đường Sơn đại địa chấn) của đạo diễn Phùng Tiểu Cương (từng làm các phim Dạ yến, Thiên hạ vô tặc, Phi hành hốt nhiễu...) sẽ ra mắt khán giả thế giới. Nhân dịp này, Áo Trắng mời các bạn tìm hiểu qua thể loại đang rất được ưa chuộng trong những năm gần đây.

Phim thảm họa: Đặc quyền của Hollywood?

Nhận định chung về phim thảm họa là: những bộ phim hao tiền tốn của. Cuối những năm 1930, phim thảm họa đã manh nha ra đời với The rains came (1939), kể về cơn đại hồng thủy đã cuốn trôi và hủy hoại mọi thứ. Tuy nhiên, phải đến năm 1996 khi Twister - lấy bối cảnh về trận lốc xoáy khủng khiếp ập đến khi đôi vợ chồng Jo và Billy quyết định ly hôn, buộc họ phải tạm dừng lại những mâu thuẫn riêng tư để sát cánh bên nhau cùng lực lượng liên bang chống cự lại - ra đời thì phim thảm họa mới được ít nhiều chú ý đến.

Và đỉnh cao của phim thảm họa, đưa nó trở thành thể loại mà bất kỳ đạo diễn lừng danh nào cũng muốn góp mặt để đời, chính là Titanic (1997) - bộ phim gây xúc động nhất trong lịch sử, thu hút hàng triệu người xem, không chỉ bởi sự kiện lịch sự có thật về một con tàu huyền thoại mà còn bởi chuyện tình hư cấu đẹp đẽ, cao thượng của đôi tình nhân Jack và Rose.

Kinh phí thực hiện bộ phim này cho đến tận bây giờ vẫn là một con số khiến các đạo diễn lớp sau ngần ngại khi muốn bắt tay vào thực hiện một bộ phim thảm họa đúng nghĩa: hơn 200 triệu USD! Vì vậy mà vô hình trung người ta vẫn mặc định phim thảm họa là dòng phim của những đạo diễn Hollywood, và điện ảnh châu Á khó có đủ năng lực và kinh phí để thực hiện một bộ phim như vậy.

EwHCxcA2.jpgPhóng to

Poster phim 2012

Thế nhưng, 2009 đã là năm đánh dấu sự thay đổi ngoạn mục này. 2009 chứng kiến sự ra đời của hai siêu phẩm thảm họa đình đám: một của Hollywood mang tên 2012 do đạo diễn Roland Emmerich đảm nhiệm, và một của châu Á mang tên Haeundae do điện ảnh Hàn Quốc thực hiện. Haeundae kể về thảm họa sóng thần tại thành phố du lịch Busan, Hàn Quốc, đã đạt 7 triệu lượt người xem sau vài tuần công chiếu và liên tục đứng đầu tại các phòng chiếu Hàn cũng như thu hút khá đông người xem ở châu Á và thế giới, đủ cho thấy sự lớn mạnh của dòng phim này tại châu Á.

Trong liên hoan phim Cannes vừa qua, một bộ phim thảm họa khác của châu Á cũng đã tạo xúc động và tò mò nơi người xem dù chỉ qua vài phút trailer chính là Aftershock (Đường Sơn đại địa chấn) của Trung Quốc. Bộ phim được xây dựng từ sự kiện trận động đất lịch sử đã cướp đi sinh mạng của hơn 240.000 người vào năm 1976 kết hợp với bộ tiểu thuyết Aftershock của một nhà văn người Hoa gốc Canada, về những dư chấn của trận động đất tới một cô bé 7 tuổi là nạn nhân của thảm họa này, đã cho thấy sự lớn mạnh và tiềm năng khá lớn của những nhà làm phim châu Á với dòng phim vốn là "đặc quyền" của phương Tây. Với sự giúp sức phát hành của Hãng Imax, bộ phim sẽ chính thức ra mắt khán giả thế giới vào ngày 22-7 tới đây.

Mỗi bộ phim một câu chuyện

Khán giả yêu thích những bộ phim thảm họa có thể do được mãn nhãn với những cảnh quay đẹp mắt, kỹ xảo hoành tráng và mức đầu tư thuộc hàng "khủng". Tuy nhiên lý do chủ yếu khiến phim thảm họa trụ được lâu bền trong lòng người xem lại nằm ở chính những câu chuyện cảm động.

Hẳn không ai trong chúng ta có thể quên được hình ảnh dàn nhạc giao hưởng của con tàu Titanic đã ở lại chơi cùng nhau những giai điệu cuối cùng của bản nhạc số mệnh khi cái chết ập đến với họ, hay hình ảnh vị tổng thống Obama kiên quyết ở lại mặt đất để cùng chịu chung số phận với người dân khi cơn đại hồng thủy kéo đến chứ nhất định không chịu lên tàu VIP trốn chạy trong 2012, hay những nụ cười hạnh phúc, đoàn tụ của một gia đình khi họ nắm tay nhau cùng chờ sóng thần quét đến trong Haeundae... Sự bất lực của con người trước cơn thịnh nộ của tự nhiên cũng chính là bài học đắt giá cho những gì chúng ta đang và đã đối xử với trái đất.

Những bộ phim thảm họa không chỉ đơn thuần lấy đi nước mắt của người xem bởi những câu chuyện phải đối mặt với sự sống, cái chết, mà còn nhấn mạnh đến trách nhiệm, cảnh tỉnh sự thờ ơ của loài người trước nguy cơ diệt vong nhân loại.

ECTtEEr3.jpgPhóng to

Áo Trắng số 13 (ra ngày 15-7-2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên