Phóng to |
Một số phác thảo bối cảnh phim Thái Tổ Lý Công Uẩn đã được duyệt - Ảnh tư liệu |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Về phía đặt hàng là UBND TP Hà Nội vẫn chưa chi số tiền 200 tỉ đồng cho phim này (theo tuyên bố của bà Ngô Thanh Hằng - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội).
Về phía thực hiện: Hãng Phim truyện VN vẫn đang giẫm chân tại kịch bản phân cảnh (viết chưa xong), và đang lúng túng trong phân công: ai là đạo diễn chính, phụ, hay đồng đạo diễn; hoặc ai là tổng đạo diễn của bộ phim này... Tất cả những động thái ấy đã khiến bộ phim này quả là đang "ngổn ngang trăm mối" và "rối như canh hẹ”. Mà thời gian thì không chờ đợi ai.
Phóng to |
"Bộ phim trên giấy" còn chưa hoàn tất!
Theo đạo diễn Vũ Xuân Hưng - phó giám đốc Hãng Phim truyện VN, đến chiều 18-3 hãng phim vẫn chưa nhận được kịch bản phân cảnh của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Bộ phim đã tiêu phí rất nhiều thời gian không đáng mất (hơn hai năm trời) mới tạm yên bề kịch bản văn học vào năm 2007. Nhưng hiện nay vẫn đang ách tắc ở khâu quan trọng: chuyển từ ngôn ngữ kịch bản văn học sang ngôn ngữ phim ảnh, và cầu nối của nó chính là kịch bản phân cảnh, mà giới chuyên môn gọi là "bộ phim trên giấy", thứ ngôn ngữ điện ảnh đầu tiên của việc chuyển hóa này.
Ách tắc nhất lại nằm ở sự lựa chọn chủ đề nào cho Lý Công Uẩn: là người thật vĩ đại trong công cuộc dời đô, nên cần nhấn mạnh thời điểm trước và sau Chiếu dời đô. Hay phải nhấn mạnh Lý Thái Tổ là vị vua khai sáng vương triều Lý, đã thành công nhất trong vài chục năm tại vị; hay là nêu bật chủ đề về một vị vua nhân bản nhất, người tình - quân lý tưởng nhất... (như ý kiến của các ông Hải Ninh, Lê Ngọc Minh, Đỗ Minh Tuấn và vài người khác).
Đáng lưu ý là ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc, phát biểu trong hội thảo mở đầu tuần lễ trao giải "Cánh diều vàng" ở TP.HCM ngày 3-3: Cần hết sức tôn trọng sự hư cấu của nhà sáng tác phim truyện về đề tài lịch sử. Không nhất thiết và không nên có cố vấn lịch sử kè bên cạnh phim truyện - nơi vốn dành cho trí tưởng tượng của thế giới nghệ thuật...
Nghĩa là tình trạng của phim Lý Công Uẩn hiện vẫn đang "mắc kẹt" ở đoạn đầu: chưa có "bộ phim trên giấy" về Lý Công Uẩn - như lẽ ra nó phải có, như là kết quả của sự đồng thuận giữa bên đặt hàng của Nhà nước và nơi được giao thực hiện đơn đặt hàng - nơi chi tiêu số tiền 200 tỉ đồng cho bộ phim, với nhiệm vụ nghệ thuật: phim phải được ra mắt năm 2010 - năm thủ đô nghìn tuổi. Và không ai không sốt ruột vì đồng hồ đếm ngược đang vận hành mà cái khó thứ nhất vẫn chưa vượt qua. "Bộ phim trên giấy" lẽ ra đã phải được hoàn tất, vẫn đang dừng tại chỗ không nhúc nhích, bởi ý kiến khác nhau, chưa quyết bề nào. Dân gian nói về trường hợp này có lẽ đúng: Lắm thầy nhiều ma, lắm cha con khó lấy chồng!
Lần ngược lại hành trình làm phim truyện về Lý Công Uẩn thì thấy rõ: ngay từ kịch bản văn học đã có vấn đề về lựa chọn và đấu thầu. Ai tham gia đấu thầu, ai trúng thầu, và ai đưa ra những giải pháp tốt hơn những giải pháp khác? Câu trả lời là chưa có ai, và nếu có cũng không thể là một cá nhân tác giả, đạo diễn nào được chịu trách nhiệm một mình cả. Vụ "lùm xùm" về lựa chọn kịch bản của ai, và rốt cục việc chọn kịch bản của ai, đã diễn ra rất rắc rối phức tạp; để đến nỗi tác giả viết kịch bản Đinh Thiên Phúc và đạo diễn nhận viết kịch bản phân cảnh Lưu Trọng Ninh đều không mấy hài lòng và khó cộng tác với nhau, để viết kịch bản phân cảnh.
Vài ví dụ từ sân khấu
Thời gian không chờ đợi. Trước mặt những nhà làm phim Thái Tổ Lý Công Uẩn, những khó khăn về kịch bản phim đã thành thách thức phải vượt qua. Và không thiếu những kinh nghiệm có thể học hỏi vận dụng. Hai trăm tỉ dân đóng thuế không phải số tiền nhỏ, và cũng là một thách thức: làm sao hoàn thành một bộ phim lịch sử cho đáng đồng tiền bát gạo của dân. Câu hỏi vẫn còn treo ở đấy! |
Còn nhớ bên hàng xóm của điện ảnh, các nhà sân khấu từng "đau đầu" về vấn đề sáng tác kịch lịch sử. Khi dựng vở Rừng trúc về vương triều cuối cùng, chấm dứt sứ mệnh nhà Lý, do vị vua cuối chót là nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng buộc phải chuyển giao ngôi báu nhà Lý cho nhà Trần, cũng đã xảy ra một sự kiện tương tự: phải làm sao có một tỉ lệ nghệ thuật hài hòa nhất giữa hư cấu nghệ thuật và sự thật lịch sử.
Rốt cuộc vở kịch của Nguyễn Đình Thi đã phải chờ đợi hơn 20 năm mới được dàn dựng theo đúng ý tưởng nghệ thuật-lịch sử mà ông nhấn mạnh trong kịch bản của mình, nhờ vào sự chuyển hóa thành ngôn ngữ dàn dựng cực kỳ chuyên nghiệp của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, ngôn ngữ biểu diễn nhân vật Lý Chiêu Hoàng rất tinh tế, sang trọng, chân thực của nghệ sĩ Lê Khanh và dàn diễn viên sáng giá của Nhà hát Tuổi Trẻ. Sau thành công rất đích đáng này, Rừng trúc đã thành một trong những vở được coi là kinh điển của Nhà hát Tuổi Trẻ và không chỉ Nhà hát Tuổi Trẻ.
Cũng tương tự, một vở được dựng thành công từ năm 1980 của Nhà hát Kịch Việt Nam đã thành vở kinh điển, đó là Nguyễn Trãi ở Đông Quan, cũng do cặp nhà văn - nhà đạo diễn Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Đình Nghi viết và dàn dựng. Người sắm vai Nguyễn Trãi lại là một bất ngờ nhất về thành công ngược sở trường: vua hài Trần Tiến (cha ruột Lê Khanh) đã chứng tỏ ngoài ông ra không ai khác có thể sắm một vai chính kịch huy hoàng đến thế trên sân khấu lúc bấy giờ. Sau vở diễn, Nguyễn Đình Nghi phát biểu ngon lành: "Đụng vào lịch sử, không thể khinh suất!". Một ví dụ khác, gần đây nhất, đến từ TP.HCM, với sự xuất hiện (2000) rồi tái xuất hiện (2007) đầy ấn tượng mạnh mẽ của vở kịch Bí mật vườn Lệ Chi (kịch bản Hoàng Hữu Đản, đạo diễn Thành Lộc, sân khấu Idecaf).
Nói như thế để thấy rằng sân khấu đã từng giải quyết thành công những vở kịch về các nhân vật lịch sử lớn của kỷ nguyên Đại Việt, và người-sân-khấu cũng đã từng đối đầu với những khó khăn tương tự như công việc đương đặt ra trước các nhà làm phim Lý Công Uẩn hôm nay.
Trong khi điện ảnh VN chưa có bộ phim lịch sử nào thành công về kỷ nguyên Đại Việt, tôi nghĩ giản dị: một mặt những nhà làm phim Lý Công Uẩn có thể ngoảnh sang học tập kinh nghiệm từ những vở kịch lịch sử thành công của sân khấu Việt hiện đại; mặt khác, có thể rút kinh nghiệm quí báu từ mọi khâu làm phim của những phim "hoành tráng" về sức lực và tiền bạc như phim Ký ức Điện Biên, Điện Biên Phủ trên không của điện ảnh Việt. Và càng nên "liếc nhìn" sang điện ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc với nhiều phim cổ trang thành công...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận