24/01/2014 12:28 GMT+7

Phim tết: cười mãi một kiểu

CÁT KHUÊ
CÁT KHUÊ

TT - Chiều tối 22-1 tại TP.HCM, ẩn số cuối cùng của phim Việt tết này đã có buổi ra mắt báo giới. Cuộc chiến chằn tinh là một phim được chú ý bởi phim ra rạp khi đạo diễn đã ra đi.

5Ui6N8uT.jpgPhóng to
Công chúa - một vai diễn hợp vai của Dương Cẩm Lynh trong phim Cuộc chiến chằn tinh

Buổi ra mắt Cuộc chiến chằn tinh nhiều lần ngưng lại vì sự xúc động nghẹn ngào của giám đốc sản xuất Huỳnh Trung Tài khi anh nhắc đến đạo diễn quá cố Đỗ Quang Hải Âu.

Dù không tổ chức sự kiện hoành tráng như một số phim Việt khác khi ra mắt, Cuộc chiến chằn tinh vẫn có rất đông người nổi tiếng đến tham dự có lẽ bởi tình cảm với người đã khuất và với một số diễn viên tham gia phim.

“Phăng ta di” cổ tích

Dựa theo truyện cổ tích quen thuộc Thạch Sanh, Cuộc chiến chằn tinh đưa người xem về thời vua Hùng thứ chín, đất nước Văn Lang lúc đó có mối nguy là chằn tinh.

Tất nhiên phim có Thạch Sanh, có Lý Thông, có cô công chúa mà trẻ thơ hầu hết thuộc câu ca: Đàn kêu tích tịch tình tang/Ai mang công chúa dưới hang trở về...

Nhưng nếu ai chờ đợi đọc lại truyện cổ tích bằng ngôn ngữ điện ảnh thì có thể sẽ ngạc nhiên bởi sự “phăng ta di” của đạo diễn.

Nhân vật Lý Thông (Tuấn Voi) phức tạp và không đến nỗi xấu xa như trong cổ tích, Thạch Sanh (Nguyễn Ngọc Hiếu) đẹp trai cuồn cuộn cơ bắp nhưng hơi ngố và không đánh đàn mà... thổi sáo.

Công chúa (Dương Cẩm Lynh) thì ham săn bắn. Và dù là thời Văn Lang nhưng cũng có nhân vật Công Công có hành xử rất... gay!

Công bằng mà nói Cuộc chiến chằn tinh là sự cố gắng với đầy tình yêu của một đạo diễn muốn đem đến một bộ phim hành động huyền thoại đậm chất Việt.

Dương Cẩm Lynh, Tuấn Voi là những điểm sáng về diễn xuất khi họ đều có gương mặt rất điện ảnh, hợp vai. Tuy nhiên, kỹ xảo của phim - yếu tố được chờ đợi nhất - còn ở mức... trò chơi điện tử, câu chuyện nhiều lúc rề rà, tẻ nhạt, kéo dài không cần thiết.

Cái kết sau cuộc đánh chằn tinh của Thạch Sanh càng không phải là cái kết của cổ tích. Đó là một cái kết mở hay là cái kết dở dang bởi đạo diễn đã không còn để dựng nốt phần còn lại (có thể có) như chờ đợi của khán giả? Câu hỏi đó khó có lời giải đáp.

lpjhqJPS.jpg
Cảnh trong phim Năm sau con lại về
cX5iIn5J.jpg
Cảnh trong phim Cưới chạy

Và khán giả sẽ chạy đi đâu?

Câu hỏi này cũng chưa có lời giải đáp, có chăng phải chờ sau tết mới hạ hồi phân giải. Nhưng nó được gợi lên bởi một bài báo có cái tên “Cưới chạy khiến khán giả cũng... bỏ chạy”.

Tết năm trước, Nhà có năm nàng tiên đã đi vào kỷ lục phim Việt khi là phim tết mà chiếu lai rai đến quá tháng 4, doanh thu hơn 50 tỉ đồng, đại thắng! Ấy là bởi khán giả chạy đến rạp coi Hoài Linh và năm nàng tiên trong phim.

Năm nay, buổi công chiếu Năm sau con lại về không giữ chân được khán giả như Nhà có năm nàng tiên dù vẫn Hoài Linh đấy, vẫn là đạo diễn Trần Ngọc Giàu và vẫn êkip sản xuất đó nhưng phim không còn cái duyên của năm trước, hay đúng hơn cái lạ đã thành quen và cái quen hóa ra nhàm!

Cái duyên bình dân ấy thì có vẻ Hai Lúa - một phim hài khác của đạo diễn Lê Quang Hưng - lại có được khi đi theo câu chuyện về một chàng nông dân Nam bộ lưu lạc sang Campuchia gặp đủ chuyện éo le dở khóc dở cười nhưng may mắn vẫn về quê an toàn.

Không chỉ là Trấn Thành hay hoa hậu Diễm Hương được êkip đặt cược, sự có mặt của ca sĩ nhí Phương Mỹ Chi đã khiến khán giả chờ đợi. Như một khán giả nhận xét, dù Phương Mỹ Chi chỉ có mặt để hát dân ca nhưng cứ hết bài hát người xem lại vỗ tay quá chừng đến mức khán giả đó cảm tưởng đi xem phim mà như đi xem hát!

Và sự thất vọng nhất có lẽ được dành cho Cưới chạy. Câu chuyện giản đơn hơi cũ về một gia đình có hai cô con gái - hai quả bom nổ chậm - bị bố mẹ dùng mưu bắt... cưới sớm được làm khá cẩu thả, hời hợt.

“Cách dựng phim của Cưới chạy vô cùng tệ. Những đoạn cắt ghép theo kiểu chắp nối bất thình lình, thường là dừng ngay lúc cao trào nhất của một phân cảnh, để rồi những phân cảnh sau đó cũng chẳng có gì tiếp nối hay giải quyết cho cao trào đó, thành ra bộ phim như bị xé thành mấy chục mảnh vụn vặt” là một trong số những lời chê của Chú Hề trên báo mạng dep.com.vn.

Nhìn vào toàn cảnh phim tết khi cả năm phim đã “lộ diện”, có thể thấy sự nhỉnh hơn về chất lượng rõ rệt của Cô dâu đại chiến 2.

Sau một tuần công chiếu (từ 16-1), theo thông tin từ nhà phát hành Galaxy, phim đã thu về 15 tỉ đồng và hứa hẹn sẽ đại thắng mùa tết năm nay. Nhưng nếu có một cái nhìn toàn cảnh thì nhiều khán giả yêu phim sẽ thở dài thất vọng vì dường như phim tết càng ngày càng... chán. Đã đành khán giả xem phim tết có nhu cầu vui cười, nhưng cười mãi kiểu này cũng nản!

CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên