Phượng Khấu kể về cuộc đời nhân vật Phạm Hiệu Nguyệt (Hồng Đào đóng), tức Từ Dụ hoàng thái hậu trong lịch sử. Bà là vợ cả của hoàng đế Thiệu Trị (Thành Lộc đóng) - Ảnh: Phượng Khấu
Hải đảo của Đại Nam ta là do công sức của binh sĩ, các dân quân từ các triều đại trước đổ máu để có được. Bia miếu không chỉ giúp làm dấu cho thuyền bè đi lại, nó còn để cho chúng ta thờ phụng và ghi nhớ công đức của những người đã có công xác định chủ quyền lãnh thổ của Đại Nam ta trên từng tấc sóng, từng tấc đất.
Vai diễn vua Thiệu Trị do NSƯT Thành Lộc đóng đã khẳng định như vậy trong tập 8 của phim cung đấu Phượng Khấu.
Tập mới nhất của phim Phượng Khấu tiếp tục mở ra bối cảnh rối loạn của chốn hậu cung và công việc triều chính cũng gặp nhiều gian khó.
Vua Thiệu Trị đã thẳng tay cắt giảm biên chế một vị triều thần là Phạm Văn Nguyên vì đã lơ là chức trách quản lý công trình miếu Hoàng Sa và bia chủ quyền. Hành động này cho thấy sự kiên quyết của Thiệu Trị khi nhắc đến vấn đề lãnh hải nước nhà.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết việc Cai đội thủy quân Phạm Văn Nguyên phạm tội lơ là chức trách trong việc hoàn thành bản đồ biển đảo Đại Nam và tham ô khi xây dựng công trình đền miếu ngoài đảo, bị tuyên phạt xảy ra vào năm Minh Mệnh thứ 16 là có thật, được ghi chép lại trong sử sách.
Còn tình tiết Phạm Văn Nguyên bị vua Thiệu Trị cách chức và đánh 100 trượng trong phim là do đạo diễn cùng NSƯT Thành Lộc sáng tạo trong kịch bản. Mục đích là để thể hiện vua Thiệu Trị và triều đình nhà Nguyễn luôn ý thức sâu sắc việc gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.
Phân cảnh vua Thiệu Trị khẳng định về chủ quyền biển đảo của Đại Nam trong phim Phượng Khấu - Nguồn: Phượng Khấu
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nói với Tuổi Trẻ Online về phân cảnh này:
"Chọn 7 năm trị vị của vua Thiệu Trị để làm chất liệu chính của bộ phim cung đấu thì nhất thiết không thể thiếu những cảnh thiết triều diễn tả không khí thời đại xưa. Trong 7 năm đó, những sự việc ở hậu cung là màu sắc còn sự kiện ở tiền triều là xương sống để tạo ra một không gian lịch sử trên phim ảnh.
Với sự cố vấn của giáo sư Lê Văn Lan và quá trình đọc, học, nghiên cứu các châu bản Triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn mới thấy rõ vấn đề chủ quyền biển đảo dưới triều Nguyễn được thực thi một cách nghiêm túc, chính danh, xuyên suốt và quyết liệt. Đây là điểm son quý giá phải được công nhận của nhà Nguyễn đối với quốc gia, dân tộc.
Sự chọn lựa này không quá nhiều đắn đo mà được quyết rất nhanh vì nó là một sự thật lịch sử không ai chối cãi được. Đây là một cơ hội đắt giá để có thể truyền tải đến người xem, nhất là những khán giả trẻ về sự khẳng định về chủ quyền biển đảo hợp pháp của Việt Nam từ hàng trăm năm trước và xa hơn thế.
Tình tiết này không được dàn dựng để lập ngôn, lấy điểm hay câu khách mà đó chính là tấm lòng, trách nhiệm của người làm văn nghệ nói lên sự thật được ghi trong lịch sử và được sự công nhận nhiều mặt của quốc tế.
Đây là phân đoạn không có trong kịch bản để quay hình. Sau khi tham khảo ý kiến của giáo sư Lê Văn Lan, chúng tôi bổ sung nó trước một tháng bấm máy và quyết liệt thực hiện.
Hồng Đào vào vai Hiệu Nguyệt tức Từ Dụ hoàng thái hậu, nhân vật trung tâm của bộ phim - Ảnh: THE OCEAN COMPANY
Đặt trong bối cảnh Trung Quốc đang có những hành vi xâm phạm nghiêm trọng tới chủ quyền biển đảo của Việt Nam, phân đoạn này được nhiều khán giả cho rằng đó là "tiếng lòng" của họ.
Khán giả Huỳnh Chí Hiếu viết: "Hoàng Sa và Trường Sa là vùng đảo trên Biển Đông được ông cha đời trước khám phá và chinh phục được, giúp mở mang bờ cõi và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Vì vậy không bắt cứ ai được phép xâm phạm".
Khán giả Bảo Đăng cũng bày tỏ: "Coi mà lòng rưng rưng, bất chợt nước mắt chảy. Cảm ơn vì nước mắt còn chảy để thấy mặn để thấy mình vẫn còn có lòng tự hào của giống nòi nguồn cội.
Cảm ơn vì tấc dạ còn rưng rưng để thấy non sông gấm vóc này là linh khí của ngàn năm, là bản linh ca của tiền nhân và hậu thế. Cảm ơn vì ta đã là người Việt, mà đã là người Việt thì nào có thể làm ngơ trước tấc đất quê hương, mảnh hồn dân tộc".
Tấm Đại Nam thống nhất toàn đồ được mô phỏng lại trong phim Phượng Khấu - Nguồn: Phượng Khấu
Trước đó, phim Phượng Khấu cũng từng đề cập đến vấn đề chủ quyền biển đảo qua tấm Đại Nam nhất thống toàn đồ.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết đây là đạo cụ được mô phỏng lại từ hiện vật gốc là bức Đại Nam nhất thống toàn đồ (tên gốc: 大南ー統全圖) là bản đồ địa lý Đại Nam do Quốc Sử Quán Triều Nguyễn ấn hành năm 1838. Địa danh của bản đồ này được ghi bằng chữ Hán và được lưu lại trong Bảo tàng cổ vật cung đình Huế.
Thông qua những tình tiết này, đạo diễn phim Phượng Khấu mong muốn giúp khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ hiểu rằng chủ quyền biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam luôn là một sự thật không thể chối cãi.
Đó là niềm tự hào cũng như trách nhiệm phải bảo vệ bằng mọi cách. Đồng thời, đó cũng là thông điệp về lòng biết ơn tiền nhân đã hi sinh, cống hiến cho công cuộc dựng nước và giữ nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận