Vậy mà chỉ ba năm sau, hàng loạt bộ phim Philippines đã nở rộ trên nhiều kênh của màn ảnh nhỏ.
Phóng to |
Diễn viên đẹp, diễn xuất tốt là yếu tố giúp phim Philippines có khán giả. Một số phim phát sóng tại VN: Mãi yêu, Thiên đường sắc đẹp, Tình em trong anh - Ảnh tư liệu |
Có gần 30 bộ phim đã phát sóng trên các kênh truyền hình trong ba năm. Hiện có khoảng năm bộ phim đang phát sóng. Hai kênh có lượng phát sóng phim Philippines nhiều nhất là SNTV (trên hệ thống SCTV) và Today TV (trên hệ thống HTVC). Bên cạnh việc dành riêng khung 17g để phát sóng riêng cho phim Philippines, những giờ phim tối trên Today TV và SNTV cũng phát sóng xen kẽ phim Philippines và các phim nước khác. Trên một số kênh truyền hình khác cũng phát sóng xen kẽ vài phim Philippines như một sự thử nghiệm. Cụ thể như kênh BTV1 từng phát sóng Tình em trong anh, BTV2 đang phát Nữ hoàng sắc đẹp, kênh VTV9 cũng từng phát sóng Người sói, Ðồng Nai 1 từng phát sóng Người cá...
Thậm chí ba diễn viên chính trong bộ phim Vũ điệu hoang dã và diễn viên Max Collins của phim Sao đổi ngôi hiện đang liên tục xuất hiện trên hai kênh SNTV và Today TV kêu gọi mọi người xem phim mình đóng, nói bằng tiếng Anh và cả tiếng Việt. Rõ ràng đây là một trong những chiêu mà các nhà sản xuất phim Philippines tung ra nhằm tiến vào thị trường VN theo kiểu mưa dầm thấm lâu.
Phóng to |
...Thiên đường sắc đẹp, |
Một món ăn mới giữa "rừng" phim Hàn Quốc, Trung Quốc
Hầu hết các phim Philippines phát sóng đề cập đề tài về cuộc sống gia đình, khai thác câu chuyện éo le giữa con chung, con riêng, chuyện tình nghiệt ngã hay những mưu đồ tranh giành quyền lực, thừa kế... Một số bộ phim xây dựng nhân vật theo kiểu: người tốt thì quá tốt, người ác thì ác đến tận cùng. Những câu chuyện này phù hợp với đối tượng người xem là phụ nữ nội trợ.
Chị Nguyễn Thị Lý (Phú Hòa, Bình Dương) cho biết: "Xem một số bộ phim do Philippines sản xuất, tôi thấy nếu đem ra so sánh thì phim Philippines không có sự tinh tế, sâu sắc như phim Hàn. Hầu hết các phim đều khai thác những chuyện hận thù đầy kịch tính. Diễn viên đẹp, diễn xuất tốt là yếu tố quan trọng để cuốn hút khán giả".
Ðứng ở góc độ nhà nhập phim, bà Bích Liên - giám đốc Công ty Sóng Vàng, đơn vị cung cấp phim nước ngoài cho giờ phim 20g của kênh VTV9 đồng thời là nhà sản xuất phim Việt - lý giải hiện tượng này: "Với việc phát triển rầm rộ số lượng kênh truyền hình thì nguồn phim Hàn Quốc và Trung Quốc rồi cũng đến lúc khan hiếm. Vì thế việc các công ty cung cấp phim phải tìm nguồn phim của các nước khác là điều dễ hiểu. Nhìn về phim của các nước trong khu vực, phim Philippines cũng như phim Thái Lan có vẻ tương đồng với văn hóa và "gu" người Việt hơn cả. Cụ thể chúng tôi từng mua bản quyền phim Người sói của Philippines để phát sóng trong năm 2011 và lượng người xem trên kênh này khởi sắc. Mặt khác, yếu tố kinh tế cũng là điều đáng quan tâm với nhà cung cấp phim. Giá thành bản quyền một tập phim Philippines chỉ bằng 1/3 so với phim Hàn Quốc và Trung Quốc. Tiền bỏ ra ít hơn, khán giả thì đang cảm thấy thích thú vì món ăn khá lạ, việc phát triển phim Philippines là đương nhiên".
Phóng to |
...Tình em trong anh - Ảnh tư liệu |
"Cuộc chạy đua tìm của lạ"
Trước sự nở rộ phim Philippines thời gian qua, nhà biên kịch Châu Thổ nhận định việc này thật ra mang tính tự phát của các hãng nhập phim. "Việt Nam có quá nhiều kênh truyền hình, mà bật kênh nào lên cũng có chương trình chiếu phim truyện dài tập. Dòng phim Philippines chưa chắc là phim hay nhưng khi khán giả Việt quá bội thực vì phim Hàn Quốc và Trung Quốc, thì nó đang tạo ra nét riêng và thu hút một đối tượng khán giả nhất định" - bà nói. Bà cho biết thêm một số hãng cũng đang dự định mua để phát sóng tại VN phim Thái Lan hay Ấn Ðộ.
Trở về sau chuyến đi hội chợ phim ảnh và truyền hình quốc tế Hong Kong vào tháng 3 vừa qua, ông Trần Minh Tiến - tổng giám đốc Công ty Lasta, đơn vị sản xuất một lượng lớn phim truyện thời gian qua - buồn bã cho biết: "Tôi thật sự quá bất ngờ. Phim Philippines trước đây họ chào bán bản quyền với giá 150 USD/tập không ai mua, bây giờ có đài truyền hình Việt mình trả đến 1.500 USD/tập để có bản quyền phim. Cách đây chỉ khoảng ba năm, hầu như khán giả Việt chẳng ai biết phim Philippines, nay thì phim Philippines lại nhỉnh hơn phim Việt. Rõ ràng các năm qua phim Việt mình không thật sự phát triển được gì nhiều. Chất lượng làng nhàng và vẫn tệ".
Không dám "chào hàng" phim Việt với nước bạn Liệu các nhà làm phim Việt có học hỏi được gì từ câu chuyện phim Philippines? Bà Bích Liên thẳng thắn: "Nói thật chúng tôi đã thử nghiệm đem dịch vài phim VN ưng ý ra tiếng Anh để chào hàng ở một số nơi. Giá thành chào hàng cũng thấp chứ không cao, chỉ 150-250 USD/tập nhưng chưa có tín hiệu khả quan gì. Nói chung phim Việt vẫn còn kém xa so với mặt bằng các nước trong khu vực. Các đơn vị nhập phim cho rằng phim Việt còn quá yếu về câu chuyện và cả công nghệ sản xuất". Còn ông Trần Minh Tiến không tránh né: "Phim Việt mình khán giả trong nước còn hững hờ huống chi là nước ngoài. Nói thật, những bộ phim do chúng tôi sản xuất hiện nay không dám đi chào hàng vì nội dung, diễn viên diễn xuất còn kém, đặc biệt là công nghệ làm phim của ta còn thấp hơn nhiều so với các nước cùng khu vực". |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận