Chơi vơi (đạo diễn: Bùi Thạc Chuyên, biên kịch: Phan Đăng Di, 2009), bộ phim có một phần nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, từng được xem là một hiện tượng của phim được tài trợ, được đánh giá cao về mặt ngôn ngữ điện ảnh và đoạt giải thưởng quốc tế.
Nếu những người bỏ tiền để sản xuất phim được coi là những nhà đầu tư thì ở khía cạnh phim đặt hàng từ nguồn ngân sách, Nhà nước cũng là nhà đầu tư. Khi anh bỏ tiền ra, anh có quyền lựa chọn hãng phim, đạo diễn và êkip sản xuất tốt. Một khi đã lựa chọn rồi phải chịu cùng số phận với nó, chứ không thể yêu cầu trả lại hay chế tài.
Đạo diễn Thanh Vân
"Cần đặt câu hỏi thực tế là tại sao nhiều phim đầu tư từ ngân sách nhà nước lâu nay giao nhiệm vụ và đặt hàng lại ít người xem?" - đại biểu này đặt câu hỏi trước khi đề xuất việc cần có chế tài tương thích.
Phải có tiêu chí đánh giá thành công hay thất bại
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân (nguyên phó giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam) - cho rằng yêu cầu trả lại, chế tài phim không đạt yêu cầu là chuyện nực cười.
Đạo diễn phim Sống cùng lịch sử cho rằng nếu thực hiện chế tài thì phải xem xét chế tài từ đầu, từ khâu chuẩn bị, bởi lựa chọn sai đơn vị sản xuất là sai lầm đầu tiên khiến cho tác phẩm không đạt yêu cầu đề ra.
Với đạo diễn Thanh Vân, sự lựa chọn được thể hiện ở 3 yếu tố: đề tài, những kịch bản tốt và nhà sản xuất tương xứng.
Với các phim đặt hàng, giao nhiệm vụ, nhà đầu tư (tức Nhà nước) phải sáng suốt trong những sự lựa chọn này. "Quyền tối cao của anh là quyền lựa chọn, và khi đã lựa chọn rồi thì phải có trách nhiệm với quyết định của mình" - đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nói.
Sống cùng lịch sử - một phim được Nhà nước đầu tư 21 tỉ đồng nhưng doanh thu rất 'hẻo'
Đồng thời, ông cũng cho rằng việc đánh giá một tác phẩm nghệ thuật thành công hay thất bại trước hết cũng phải có tiêu chuẩn rõ ràng ngay từ đầu: mục tiêu cuối cùng của bộ phim đó là gì, là doanh thu hay ý nghĩa nhân văn của bộ phim về lịch sử, về các truyền thống tốt đẹp của dân tộc đối với người xem.
Hơn nữa, việc đánh giá thành công hay thất bại nếu không thể định lượng được thì vô cùng cảm tính. Theo đạo diễn, doanh thu ở rạp chiếu phim không đồng nghĩa với việc số lượng người xem nhiều hơn.
Bởi với các hình thức phát hành khác nhau thì số lượng người xem và chất lượng người xem cũng khác nhau, từ đó quy mô phủ rộng của phim cũng khác.
Đạo diễn Thanh Vân lấy ví dụ có những bộ phim đặt hàng bằng nguồn ngân sách nhà nước, sau khi phát hành không thu được tiền nhưng bằng việc phát hành tại các đơn vị chiếu bóng của tỉnh hay của quân đội vẫn đạt được số lượng người xem nhất định.
Cùng quan điểm đó, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho rằng việc chế tài với phim ảnh là chuyện không nên có: "Có định lượng duy nhất là khán giả, nhưng định lượng đó không thể mang ra để đánh giá đạt hay không đạt.
Có những bộ phim lúc làm ra mọi người coi nó là không thành công, nhưng 10 năm sau nó lại mang giá trị vượt thời đại, cách tân. Những tác phẩm nghệ thuật giúp thay đổi nhận thức của người khác thì thường "khó nhai" vào thời gian đầu. Cho nên để đánh giá và chế tài thì việc này mơ hồ".
Nếu có những bộ phim doanh thu trong nước không tốt nhưng làm cho diện mạo điện ảnh Việt Nam được nhận diện trên thị trường quốc tế thì đó là thành tựu rất lớn. Trong thời đại mới, việc hướng đến các liên hoan phim quốc tế lớn phải được xem là một nhiệm vụ chính trị. Việc làm cho tiếng nói của điện ảnh Việt Nam vươn ra thế giới phải được xem là một mục đích chính trị.
Đạo diễn Phan Đăng Di
Không nên bó hẹp với phim tuyên truyền
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng nêu quan điểm, với các bộ phim đặt hàng, giao nhiệm vụ từ ngân sách nhà nước, nhà đầu tư (tức Nhà nước) có thể lựa chọn bằng hình thức tính điểm cho các hãng phim, nhà làm phim để có được sự lựa chọn tốt nhất.
Trong khi đó, đạo diễn Phan Đăng Di - đồng sáng lập dự án Gặp gỡ mùa thu cho các nhà làm phim trẻ - lại có cái nhìn rộng hơn về việc sử dụng ngân sách nhà nước phục vụ mục đích chính trị bằng cách dùng số tiền đó để đầu tư cho các dự án phim nghệ thuật, các dự án đầu tay của nhà làm phim trẻ để thúc đẩy điện ảnh phát triển, nâng ngành điện ảnh Việt Nam lên tầm quốc tế.
Đạo diễn Phan Đăng Di nói chuyện với khán giả quốc tế khi bộ phim Cha và con và của anh được chọn trình chiếu ở Liên hoan phim quốc tế Tokyo
Theo anh, nhiệm vụ và mục đích chính trị không nên bó hẹp trong phim tuyên truyền về đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước - thể loại phim không còn trọng lực trong bối cảnh hiện tại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh lấy ví dụ ở các nước có nền điện ảnh phát triển, khi sử dụng các quỹ đầu tư cho điện ảnh, họ đặt mục đích rõ ràng - đó là phát triển văn hóa, mang tiếng nói dân tộc đến những liên hoan phim quan trọng, thúc đẩy điện ảnh nước nhà phát triển...
Hoặc là ngân sách đó được dùng cho các dự án khởi nghiệp cho những nhà làm phim mới, ươm mầm tài năng cho nền điện ảnh nước nhà.
Bằng việc đầu tư như trên, hiệu quả của ngân sách nhà nước có thể định lượng được bằng các giải thưởng trong liên hoan phim quốc tế, các tài năng mới trong thị trường làm phim.
Không đề cao doanh thu trong đầu tư văn hóa, Phan Đăng Di cho rằng việc đạt được những hiệu quả này đã là một thành công lớn và có giá trị cao hơn doanh thu.
Về việc sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước theo hình thức giao nhiệm vụ hay đấu thầu, cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết hai phương án này cần đưa ra cuộc họp sắp tới để tiếp tục lấy ý kiến.
Đa số thành viên Chính phủ ủng hộ theo phương án đặt hàng và giao nhiệm vụ. Trong 14 năm thi hành Luật điện ảnh tính từ 2007 đến nay, chưa có dự án phim nào đấu thầu được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận