27/04/2022 10:53 GMT+7

Phim ngắn tập: Xu hướng tất yếu nhưng không dễ làm

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TTO - Hàn Quốc đang rất thành công trong việc sản xuất phim truyền hình ít tập. Và đây chính là xu hướng phim truyền hình trong tương lai. Việt Nam cũng đang manh nha sản xuất thể loại phim này, nhưng gặp không ít khó khăn.

Phim ngắn tập: Xu hướng tất yếu nhưng không dễ làm - Ảnh 1.

Một số phim VN ít tập được khán giả quan tâm như (từ trên xuống) Anh có phải đàn ông không?, Mùa hoa tìm lại, Lối về miền hoa bởi cách kể chuyện nhanh gọn, dễ xem - Ảnh: ĐPCC

Gần đây, số tập của các bộ phim truyền hình Hàn Quốc đang được rút ngắn chỉ còn khoảng từ 8 đến 16 tập (mỗi tập 60 phút). Chẳng hạn, Hẹn hò chốn công sở chốt tập ở con số 12, Điệu Cha cha cha làng biển dài 16 tập, Happiness 12 tập, Bad and Crazy 16 tập, Trò chơi con mực 9 tập...

Phim ít tập phải súc tích, giàu hình ảnh và tình tiết phải chọn lọc thật đắt để thời lượng tuy rút lại nhưng thông điệp phải đủ và hấp dẫn thì mới thu hút khán giả được.

Biên kịch HẠ THU

Khi khán giả đổi thói quen xem

Năm 2022, khá nhiều phim làm theo xu hướng ngắn tập này như Pachinko có sự tham gia của Lee Min Ho và Youn Yuh Jung dài 8 tập, Suriname dài 6 tập, A Model Family của Jung Woo và Park Hee Soon dài 10 tập và Money Heist với sự tham gia của Yoo Ji Tae dài 12 tập.

Xu hướng phim truyền hình giảm số tập đang được ưa chuộng là vì cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, thói quen của khán giả thay đổi. Việc ngồi trước tivi để xem một bộ phim phát sóng theo lịch cố định đã không còn phổ biến, ngày càng nhiều người xem phim trên dịch vụ OTT (Over-The-Top, dịch vụ cung cấp nội dung chương trình trên không gian mạng Internet).

Để thu hút khán giả xem phim qua các thiết bị di động, nhà sản xuất buộc phải... tăng cảm giác kích thích việc theo dõi phim bằng cách đẩy câu chuyện nhanh hơn để người xem không bị nhàm chán.

Đạo diễn Dũng Nghệ cũng cho rằng phim Việt nên học hỏi và đi theo hướng này vì: "Công nghệ nghe nhìn và các nền tảng giải trí khác trong thời đại 4.0 đang thay đổi, làm thay đổi thói quen xem phim truyền hình của khán giả trên toàn thế giới. 

Bây giờ, khán giả có rất nhiều sự lựa chọn, và cũng không có nhiều thời gian để theo dõi những bộ phim nhiều tập. Chính vì vậy mà xu hướng phim truyền hình rút ngắn lại là điều tất yếu.

"Một lý do nữa, phim truyền hình cũng có tham vọng tiệm cận chất lượng hình ảnh, âm thanh như những gì mà điện ảnh làm được ngoài rạp lớn. Muốn đạt được hiệu quả đó, chắc chắn phải rút ngắn thời lượng của phim xuống, nếu không kinh phí sản xuất sẽ tăng lên rất nhiều lần, thậm chí là vượt xa một phim điện ảnh thông thường" - đạo diễn Dũng Nghệ nhận định.

Càng dài càng dở

Với phim truyền hình Việt Nam hiện nay, thường độ dài của phim khoảng 45 phút (bằng 3/4 của Hàn Quốc) và phần lớn các phim đều trên 30 tập, thậm chí dài cả trăm tập. Và để khán giả không ngán, một số phim chia thành 2 phần, như Hướng dương ngược nắng, Hương vị tình thân, và gần đây nhất là Thương ngày nắng về...

Điều mà khán giả cảm thấy rõ nhất là phim Việt cứ càng dài càng dở. Có nhiều bộ phim những tập đầu hay, cuốn hút nhưng càng về sau càng lan man, những xung đột, hiểu lầm kéo dài, thậm chí có nhiều tình tiết khiên cưỡng như nhân vật mất trí nhớ, trở nên độc ác, mắc bệnh đột ngột... Cách kéo rê đôi khi phá nát nhịp độ của phim, khiến phim đầu voi đuôi chuột và làm giảm chất lượng rất nhiều.

Bên cạnh đó, một số phim ít tập cho thấy hiệu quả rất tích cực. Cụ thể, Mùa hoa tìm lại 28 tập, Lối về miền hoa 24 tập hay mới nhất là Anh có phải đàn ông không? 28 tập được yêu thích vì cách kể chuyện hiện đại, ngắn gọn, súc tích, dễ xem.

Phần nào nắm bắt xu hướng, các dịch vụ truyền hình OTT Việt Nam đang sản xuất khá nhiều phim ngắn tập để thu hút khán giả Việt.

Biên kịch Hạ Thu kể hiện tại chị nhận được đề nghị viết kịch bản khoảng 16 tập và cả kịch bản dài 60 tập. "Tôi nghĩ xu hướng phim ít tập cũng hợp lý bởi khán giả bây giờ khá bận rộn. Dĩ nhiên có cầu ắt sẽ có cung. Theo tôi, nhà sản xuất sẽ phát triển cả hai dòng phim vì có những đề tài, câu chuyện nếu viết quá ngắn sẽ không đủ thời lượng truyền tải", chị nói.

Khó ở kịch bản và chi phí

Đứng ở góc độ người trực tiếp sản xuất, đạo diễn Dũng Nghệ cho rằng: "Cái khó của làm phim ít tập là khâu xử lý kịch bản. Biên kịch và đạo diễn phải có tư duy kể chuyện, xây dựng kịch bản sao cho thật cô đọng, súc tích, ấn tượng giống như cách kể chuyện trong điện ảnh.

Cái khó thứ hai là chi phí đầu tư cho những bộ phim dạng này cũng mới chỉ cao hơn phim truyền hình thông thường chút, nhưng các nhà sản xuất lại muốn nó phải gần như một phim điện ảnh. Điều này không phải lúc nào cũng có thể làm được vì số ngày ghi hình, khối lượng công việc có khi còn nhiều hơn cả thời gian quay một phim dài, mà tiền lương cho anh em êkip lại rất thấp".

Cười bể bụng với màn trả thù trong Anh có phải đàn ông không? Cười bể bụng với màn trả thù trong Anh có phải đàn ông không?

Tập 16 Anh có phải đàn ông không? khiến không ít khán giả bật cười vì màn trả thù "cồng kềnh" của ba ông bạn thân và cái kết… lên đồn công an.

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên