Sau khi ra mắt tại Venice lần thứ 81 và giành giải Kịch bản hay nhất, I’m still here tiếp tục trình chiếu tại Liên hoan phim Toronto hôm 10-9, trong khuôn khổ TIFF Lightbox.
Phim nhận tràng pháo tay kéo dài một phút từ khán giả, một điều hiếm hoi tại Toronto. Khác với Cannes hay Venice, những tràng vỗ tay dài thường không phải là nét đặc trưng của liên hoan phim này.
Báo The Hollywood Reporter nhận định ngoại trừ phim hoạt hình The wild robot, không có tác phẩm nào chiếu tại Toronto được đón nhận nhiều bằng I’m still here.
Đây sẽ là ứng cử viên nặng ký tranh tài hạng mục Phim quốc tế hay nhất và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất tại Oscar năm tới.
Trailer phim I'm still here
Dựa trên câu chuyện bi thương có thật
I’m still here đạo diễn bởi Walter Salles, người từng thành công với tác phẩm Central Station khi giành đề cử Oscar cho hạng mục Phim quốc tế hay nhất và Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho Fernanda Montenegro cách đây 26 năm.
Từ đó đến nay, Brazil chưa từng nhận được bất cứ đề cử Oscar nào. Ngoài ra, Central Station còn nhận được rất nhiều giải thưởng và đề cử tại các liên hoan phim quốc tế khác.
Đến năm nay, Walter Salles một lần nữa đưa điện ảnh Brazil vang danh quốc tế. I’m still here chuyển thể từ hồi ký Ainda Estou Aqui (2015) của nhà văn Marcelo Rubens Paiva.
Lấy bối cảnh Brazil năm 1971, I'm still here khắc họa đất nước Brazil đang hỗn loạn và sự kìm kẹp chặt chẽ của chế độ độc tài quân sự.
Cuộc sống của Eunice Paiva (Fernanda Torres thủ vai) và năm đứa con của bà đột ngột thay đổi sau khi chồng bà, cựu nghị sĩ Đảng Lao động Brazil Rubens Paiva mất tích.
Trong hồi ký của Marcelo Rubens Paiva, khi Paiva chỉ mới 11 tuổi, cha ông - nghị sĩ cánh tả Rubens Paiva - bị quân đội bắt giữ để thẩm vấn sau khi ông trở về từ nơi lưu vong.
Kể từ lúc đó, cha ông bỗng dưng biến mất mà không để lại bất kỳ tin tức nào. Mẹ ông - Eunice Paiva không ngừng nỗ lực vận động tìm kiếm tung tích chồng trong giai đoạn Brazil bị kiểm soát bởi chế độ độc tài quân sự.
Bà từng bị bắt và giam giữ 12 ngày trong căn phòng tối trước khi bắt đầu cuộc chiến mới của mình, đối đầu với căn bệnh Alzheimer.
Dù sức khỏe dần suy yếu, bà vẫn kịp tìm ra sự thật về cái chết của chồng và ghi chép lại toàn bộ sự kiện để truyền lại cho các thế hệ sau. Ủy ban Sự thật Quốc gia sau đó kết luận rằng Rubens Paiva bị tra tấn đến chết vì nhận thư từ các tổ chức cánh tả.
Phơi bày tội ác của chế độ độc tài Brazil
Trước đó, đề tài này đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm xuất sắc trong lịch sử điện ảnh quốc tế.
Đặc biệt, hai phim nổi bật về Argentina từng khai thác chủ đề này là The official story (1985) - từng giành giải Oscar cho Phim quốc tế hay nhất, và Argentina, 1985 (2022).
Đối với đạo diễn Walter Salles, người lớn lên tại Brazil và từng chứng kiến đất nước chuyển mình từ chế độ độc tài sang dân chủ, việc kể lại câu chuyện về gia đình Paiva là sứ mệnh mà ông theo đuổi trong nhiều năm.
Đây cũng là câu chuyện mà ông đặc biệt quan tâm, bởi ông có mối quan hệ thân thiết với gia đình Paiva.
Walter Salles chia sẻ với tờ Deadline: “Hầu hết các dự án cá nhân của tôi đều đòi hỏi thời gian phát triển rất dài. Central Station mất 5 năm, còn Motorcycle Diaries mất 4 năm.
Nhưng chưa có dự án nào kéo dài như I’m still here, tôi đã chứng kiến một phần khi mới 13 tuổi.
Điều khiến tôi gắn bó sâu sắc là cảm xúc khi đọc cuốn sách do bạn tôi - Marcelo Rubens Paiva viết. Anh ấy là một trong năm đứa con của gia đình mà anh mô tả trong cuốn tự truyện.
Vì vậy, tôi muốn phơi bày tội ác của chế độ độc tài Brazil những năm tháng đó để người dân biết được từng có rất nhiều anh hùng đổ máu nhằm đổi lấy bình yên cho đất nước".
Trên trang Rotten Tomatoes, I’m still here nhận 93% điểm cà chua tươi, phần lớn các nhà phê bình đều khen ngợi kịch bản phim và diễn xuất của nữ chính Fernanda Torres.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận