19/10/2018 07:49 GMT+7

Phim hoạt hình Trung Quốc bị chê còn thua xa Mỹ và Nhật

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Trong khi doanh thu phòng vé của các phim hoạt hình Mỹ và Nhật cao ngất ngưởng thì phía Trung Quốc lại thấp lè tè, mà điển hình là bộ phim mới nhất "The King of Football".

Phim hoạt hình Trung Quốc bị chê còn thua xa Mỹ và Nhật - Ảnh 1.

Một cảnh trong bộ phim hoạt hình The King of Football - Ảnh: SCMP

Vậy ngành công nghiệp này của Trung Quốc đang gặp vấn đề gì?

Nhiều người vốn biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một fan lớn của môn bóng đá. Trong danh sách các tham vọng được đưa ra hồi năm 2011, ông Tập đã liệt kê 3 thứ liên quan tới bóng đá gồm: Trung Quốc lọt vào World Cup, Trung Quốc đăng cai World Cup, và táo bạo hơn là giành ngôi vị vô địch World Cup.

Tuy nhiên, nền bóng đá ở quốc gia tỉ dân vẫn còn khá yếu mặc dù Trung Quốc đổ cả khối tiền đầu tư. Và dễ thấy nhất là Trung Quốc không lọt vào danh sách 32 đội tuyển tham gia World Cup 2018 được tổ chức ở Nga vừa qua.

Bộ phim hoạt hình đầu tiên về bóng đá của Trung Quốc - The King of Football (tạm dịch: Vua túc cầu) - cũng chịu số phận tương tự. Bộ phim đã được công chiếu từ ngày 31-8 vừa qua.

Tuy nhiên, bộ phim hoạt hình dài 90 phút của đạo diễn Lưu Tuấn (Liu Jun) đã hứng nhiều chỉ trích. Với số tiền 60 triệu nhân dân tệ (tương đương 8,7 triệu USD) bỏ ra để sản xuất, The King of Football chỉ thu về chưa tới 1,8 triệu nhân dân tệ (257.000 USD), theo báo South China Morning Post của Hong Kong.

Trailer của The King of Football

The King of Football kể về cách thức một người cha và con gái của ông vượt qua những khó khăn thông qua môn bóng đá và khát khao chiến thắng một trận túc cầu.

Giới phê bình cho rằng bộ phim đã thúc đẩy những tư tưởng bảo thủ và hẹp hòi cho trẻ em, đồng thời là một sự coi thường đối với các khán giả lớn tuổi. Một số chỉ trích khác còn cho rằng cốt truyện quá đơn giản, bắt chước các bộ phim hoạt hình của Nhật…

Với việc chính sách một con được dỡ bỏ vào năm 2016 và nhu cầu đầu tư giải trí cho trẻ em của các phụ huynh ngày một tăng, Trung Quốc chính là thị trường ao ước của những nhà sản xuất phim hoạt hình.

Doanh thu phòng vé thấp đến mức đáng xấu hổ của The King of Football, cùng những đánh giá không mấy tích cực một lần nữa đã cho thấy những vấn đề lớn trong ngành công nghiệp phim hoạt hình ở Trung Quốc.

Trong một bức tranh khác hoàn toàn, các bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Mỹ lại thực hiện sứ mệnh rất tốt tại các phòng vé ở Trung Quốc, với Despicable Me 3 (2017) và Kung Fu Panda 3 (2016) thu về hơn 1 tỉ nhân dân tệ mỗi bộ.

Bộ phim hoạt hình Your Name (2016) của Nhật Bản cũng đã rinh về doanh thu hơn 500 triệu nhân dân tệ.

Trailer phim Kung Fu Panda 3

Thật ra Trung Quốc cũng có một số bộ phim hoạt hình khác thành công như Big Fish & Begonia (2016, tiếng Việt: Đại Ngư Hải Đường), với doanh thu 565 triệu nhân dân tệ tại hệ thống phòng vé trong nước.

Bộ phim lấy ý tưởng từ một điển tích trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử thời Chiến Quốc: "Tại biển Bắc có con cá Côn, lớn không biết mấy ngàn dặm". Nội dung phim xoay quanh câu chuyện về tình bạn cảm động của 3 nhân vật là Xuân, Tưu và Côn.

Tuy nhiên, một số nhà phê bình cáo buộc Big Fish & Begonia đã đạo ý tưởng từ bộ phim hoạt hình Nhật Spirited Away (2001, tiếng Việt: Vùng đất linh hồn) của đạo diễn Hayao Miyazaki. Spirited Away đã được vinh danh Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại Oscar 2003.

Traiiler phim Spirited Away của Nhật Bản

Nhìn tổng thể, doanh thu phòng vé của các bộ phim hoạt hình Trung Quốc đạt 4,7 tỉ nhân dân tệ trong năm 2017, tức giảm tới 32,7% so với con số 7 tỉ nhân dân tệ vào năm trước đó.

Trong một cuộc phỏng vấn với Hãng Animation World Network năm nay, Lương Toàn (Liang Xuan) và Trương Xuân (Zhang Chun) - hai đạo diễn của Big Fish & Begonia - từng chia sẻ rằng tình trạng thiếu các tài năng và khó khăn trong việc đảm bảo tài chính là những thách thức mà họ phải đối mặt. Để làm nên Big Fish & Begonia, họ phải mất tới 12 năm trời.

"Phim hoạt hình hiện đại Trung Quốc vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, và việc thiếu các tài năng nói chung là vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Việc sản xuất phim hoạt hình của các thị trường khác có thể dễ dàng, nhưng chúng tôi thì bất lực trong việc tìm đủ người", đạo diễn Lương Toàn tâm sự.

Phim hoạt hình Trung Quốc bị chê còn thua xa Mỹ và Nhật - Ảnh 5.

Đại Ngư Hải Đường được đánh giá là thành công lớn của Trung Quốc, nhưng vẫn dính nghi vấn đạo ý tưởng - Ảnh: TWITTER

Ông cho biết trước đây phim hoạt hình Trung Quốc có một "trang sử rực rỡ", với nhiều bộ phim để lại dấu ấn tốt như Where is Mama (1960), Havoc in Heaven (1965, tiếng Việt: Đại Náo Thiên Cung).

"Tuy nhiên, ngành công nghiệp phim hoạt hình của Trung Quốc đang phát triển chậm trong vài thập niên qua, và dần đánh mất khả năng cạnh tranh ở một đấu trường lớn hơn. Có một khoảng cách lớn giữa phim hoạt hình Trung Quốc với phim hoạt hình Mỹ và Nhật Bản", ông Lương chỉ ra.

Ngoài việc thiếu tài năng và khó khăn về tài chính, người xem chính là yếu tố quyết định sự thành bại của ngành công nghiệp phim hoạt hình ở Trung Quốc. Các khán giả nội địa hầu hết đổ xô đi xem những tác phẩm nhắm vào đối tượng gia đình và trẻ em, trong khi không dành nhiều sự quan tâm cho các bộ phim hoạt hình của các đạo diễn muốn mang tới sự bứt phá.

Châu Tinh Trì công bố dự án phim hoạt hình về Tôn Ngộ Không

TTO - Đạo diễn - diễn viên Châu Tinh Trì đang phát triển dự án phim hoạt hình Tôn Ngộ Không với sự đầu tư của hãng sản xuất Pearl studio.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên