26/07/2020 08:32 GMT+7

Phim hình sự: Thế giới hốt bộn tiền, màn ảnh Việt lại thua đau thua đớn

LÊ HỒNG LÂM
LÊ HỒNG LÂM

TTO - Trong khi dòng phim thriller (hình sự/ giật gân) là một trong những thể loại chủ lực của điện ảnh thế giới với nhiều bộ phim thành công về thương mại lẫn nghệ thuật; thì với điện ảnh Việt, dòng phim này khá mới mẻ và khán giả vẫn chưa mặn mà.

Phim hình sự: Thế giới hốt bộn tiền, màn ảnh Việt lại thua đau thua đớn - Ảnh 1.

Thể loại phim hình sự khá ít ỏi và chưa gây được tiếng vang như nó đáng có, từ trái qua: Bằng chứng vô hình, Scandal - Bí mật thảm đỏ và Ống kính sát nhân.

Sau doanh thu không như kỳ vọng tại phòng vé của Bằng chứng vô hình, liệu những bộ phim hình sự tiếp theo - trào lưu có vẻ nổi bật của điện ảnh Việt trong năm nay - có an toàn?

Những câu chuyện ít biết về những vụ án mạng nhiều ẩn khuất, thế giới tội phạm, các băng nhóm xã hội đen (nhiều trong số đó dựa theo các câu chuyện có thật) và quá trình phá án vừa cam go vừa gay cấn của lực lượng cảnh sát, thám tử điều tra… luôn là một đề tài hấp dẫn với khán giả.

Đây cũng là những chất liệu tuyệt vời cho các cuốn tiểu thuyết hay phim ảnh thế giới với nhiều tác phẩm nổi tiếng, thậm chí trở thành kinh điển vượt thời gian.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, thể loại phim hình sự tội phạm vẫn chưa tạo được thành công như nó đáng phải có.

Có một thực tế không thể phủ nhận là thể loại phim hình sự tội phạm đã được truyền hình Việt Nam khai thác từ khá sớm và ít nhiều tạo được thành công; thì ở mảng điện ảnh, đây vẫn là một thể loại khá mờ nhạt hoặc chưa được khán giả yêu thích.

Truyền hình thắng đề tài hình sự

Loạt phim truyền hình dài tập Cảnh sát hình sự được Đài Truyền hình Việt Nam khai thác từ rất sớm và trở nên quen thuộc với khán giả màn ảnh nhỏ trong suốt hơn 20 năm qua.

Một trong những phần đầu tiên của bộ phim này tạo được sự chú ý với khán giả Việt là Nước mắt của mẹ, khởi chiếu từ năm 1997 với dàn diễn viên sáng giá lúc đó là Võ Hoài Nam, Hoa Thúy và Chu Hùng đóng chính.

Phim hình sự: Thế giới hốt bộn tiền, màn ảnh Việt lại thua đau thua đớn - Ảnh 2.

Chu Hùng trong vai Bắc đại bàng của phim Cảnh sát hình sự

Ấn tượng của khán giả với loạt phim này có lẽ bởi phim khai thác thế giới nội tâm nhiều ẩn khuất của tên tội phạm nguy hiểm Bắc "Đại Bàng" (Chu Hùng đóng), một kẻ chọc trời khuấy nước, nhưng luôn là một đứa trẻ trong vòng tay của người mẹ già mà hắn vô cùng yêu thương và kính trọng.

Vài năm sau đó, Cảnh sát hình sự tiếp nối với loạt phim thành công khác là Cổ cồn trắng, lấy cảm hứng từ vụ án Năm Cam chấn động một thời. Nam diễn viên Phạm Cường đóng góp không nhỏ vào thành công của phim.

Phim hình sự: Thế giới hốt bộn tiền, màn ảnh Việt lại thua đau thua đớn - Ảnh 3.

Nam Cam lần đầu được đưa lên phim qua nhân vật Tiên "Chỉ" (nghệ sĩ Hồng Đức) trong phim Cổ cồn trắng

Tiếp theo là bộ phim Chạy án, vẫn lấy cảm hứng từ những vụ án mạng có thật ở Việt Nam trong thời kinh tế thị trường.

Loạt phim khai thác cuộc đối đầu giữa lực lượng công an với nhóm tội phạm tham nhũng, tham ô, ngoại tình của một số quan chức thoái thóa hay cái nhìn trực diện về những tiêu cực trong xã hội hiện đại khi nhiều người bị đồng tiền chi phối và thao túng.

Phim hình sự: Thế giới hốt bộn tiền, màn ảnh Việt lại thua đau thua đớn - Ảnh 4.

Việt Anh (vai Cao Thanh Lâm) nổi lên từ phim Chạy án

Việt Anh (vai Cao Thanh Lâm) bắt đầu nổi lên từ phim này và tiếp tục tạo được ấn tượng trong hai loạt phim sau đó là Người phán xửMê cung.

Người phán xử được làm lại từ bộ phim nổi tiếng của truyền hình Israel, dài 47 tập, do Nguyễn Mai Hiền, Nguyễn Khải Anh, Nguyễn Danh Dũng đạo diễn từng gây sốt trên màn ảnh nhỏ trong năm 2017.

Phim hình sự: Thế giới hốt bộn tiền, màn ảnh Việt lại thua đau thua đớn - Ảnh 5.

Diễn viên Hoàng Dũng, Việt Anh và Hồng Đăng trong phim Người phán xử

Nhân vật chính Người phán xử của phim là Phan Quân (Hoàng Dũng) - một "Bố già" của thế giới ngầm nhưng khoác chiếc áo doanh nhân thành đạt, chủ tịch Tập đoàn Phan Thị.

Dù là một kẻ máu lạnh nhưng Phan Quân lại là kẻ trọng nghĩa khí, hành xử theo tôn ti trật tự và coi trọng gia đình. Thế nhưng, gót chân "asin" của lão ta lại là Phan Hải (Việt Anh đóng), cậu quý tử ăn chơi lêu lỏng và coi trời bằng vung…

Sau thành công của loạt phim này, đạo diễn Nguyễn Quang Huy của Wepro từng mua bản quyền với dự định chuyển thể thành phiên bản điện ảnh cùng tên, nhưng hiện nay, dự án này vẫn bỏ ngỏ.

Điện ảnh: từng thành công trong quá khứ...

Phim hình sự: Thế giới hốt bộn tiền, màn ảnh Việt lại thua đau thua đớn - Ảnh 6.

Với mảng phim điện ảnh, thể loại phim hình sự ít nhiều tạo được dấu ấn trong quá khứ (thời phim do Nhà nước đặt hàng) với những bộ phim như Đứng trước biển, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên rất ăn khách của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn và do ông viết kịch bản, đạo diễn Trần Phương dàn dựng với dàn diễn viên nổi tiếng lúc bấy giờ như Trà Giang, Trọng Khôi, Thương Tín…

Bộ phim kể về những xung đột giữa cái cũ và cái mới, những kẻ cơ hội tìm cách trục lợi khi Việt Nam đang đứng trước những thay đổi lớn.

Phim hình sự: Thế giới hốt bộn tiền, màn ảnh Việt lại thua đau thua đớn - Ảnh 7.

Bộ phim Săn bắt cướp từng hút khán giả năm 1988

Trong thời phim mì ăn liền đầu thập niên 90, dòng phim hình sự cũng có một vài bộ phim nổi bật như Săn bắt cướp (với diễn xuất của Thương Tín, Lê Khanh, Trọng Trinh), Lệnh truy nã (Lý Hùng, Lê Tuấn Anh, Việt Trinh), Hải đường trắng (Lê Tuấn Anh vào vai tướng cướp Bạch Hải Đường) hay Người không mang họ (Lý Hùng vào vai tướng cướp Trương Sỏi)… từng thu hút nhiều khán giả đến rạp chiếu và làm nên tên tuổi của những ngôi sao ăn khách thời đó.

Phim hình sự: Thế giới hốt bộn tiền, màn ảnh Việt lại thua đau thua đớn - Ảnh 8.

Phim Lưới trời đoạt khá nhiều giải thưởng nhưng vẫn thất bại tại phòng vé

Đầu những năm 2000, một bộ phim do Nhà nước đặt hàng khác là Lưới trời của đạo diễn Phi Tiến Sơn, với câu chuyện xoay quanh một vụ án kinh tế được đưa ra xét xử, nhưng đằng sau nó vẫn còn những kẻ thế lực không thể đụng tới.

Cho dù phim đưa ra được một vấn đề nhạy cảm, dàn diễn viên diễn xuất đồng đều và đoạt khá nhiều giải thưởng tại Cánh diều vàng và Bông sen vàng, phim vẫn thất bại tại phòng vé, có lẽ vì nó vẫn là một tác phẩm mang tính minh họa hơn là dám nhìn trực diện và giải quyết rốt ráo đề tài nhạy cảm này.

Và hình sự trên màn ảnh rộng mờ nhạt ở hiện tại

Trong giai đoạn phim giải trí bùng nổ và chiếm giữ vai trò chủ đạo khoảng một thập niên qua, thể loại phim hình sự khá ít ỏi và chưa gây được tiếng vang như nó đáng có, nếu so với những vấn đề xã hội hay các vụ án mạng nóng bóng được tường thuật trên báo chí.

Phim hình sự: Thế giới hốt bộn tiền, màn ảnh Việt lại thua đau thua đớn - Ảnh 9.

Scandal - Bí mật thảm đỏ - bộ phim thuộc thể loại hình sự tâm lý (psychological thriller) thành công hiếm hoi

Bộ phim thuộc thể loại hình sự tâm lý (psychological thriller) thành công hiếm hoi trong khoảng 10 năm qua của điện ảnh Việt Nam là Scandal - Bí mật thảm đỏ, khai thác những góc khuất trong giới showbiz Việt của đạo diễn Victor Vũ, thu về khoảng 25 tỉ đồng vào năm 2012.

Tuy nhiên, Victor Vũ lại xuống tay thấy rõ ở phần 2 (Scandal - Hào quang trở lại) hay thất bại về doanh thu với hai bộ phim có hơi hướng thriller sau đó là Lôi BáoNgười bất tử.

Phim hình sự: Thế giới hốt bộn tiền, màn ảnh Việt lại thua đau thua đớn - Ảnh 10.

Diễn viên Hứa Vĩ Văn trong phim Ống kính sát nhân

Năm 2018, đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Hoàng tung ra bộ phim hình sự tội phạm Ống kính sát nhân lấy cảm hứng từ một vụ án mạng nghệ sĩ có bối cảnh tại Đà Lạt vào thập niên 60.

Ảnh hưởng từ phong cách đạo diễn bậc thầy của Alfred Hitchcock và dòng phim "noir" kinh điển của thế giới, Ống kính sát nhân cũng gặp thất bại do kịch bản phạm nhiều lỗi logic.

Phim hình sự: Thế giới hốt bộn tiền, màn ảnh Việt lại thua đau thua đớn - Ảnh 11.

Bằng chứng vô hình có nguy cơ lỗ vốn cho dù tác phẩm khá chỉn chu, sạch sẽ

Năm 2020, dòng phim hình sự có vẻ đang bùng phát trở lại với một loạt dự án được công bố. Tuy nhiên, Bằng chứng vô hình - "phát pháo" đầu tiên tung ra với kỳ vọng lôi kéo khán giả trở lại rạp sau đại dịch Covid-19 - lại không thành công như kỳ vọng.

Bằng chứng vô hình được làm lại từ Blind (2011) của điện ảnh Hàn Quốc. Phiên bản gốc khá thành công khi thu hút 2,5 triệu lượt khán giả và thu về khoảng 16 triệu USD.

Tuy nhiên, phiên bản làm lại của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh sau 10 ngày chiếu mới chỉ thu về khoảng 8 tỉ đồng so với mức kinh phí khoảng 15 tỉ đồng.

Trừ số tiền bán bản quyền cho các thị trường khác thu về khoảng 300.000 USD, bộ phim vẫn có nguy cơ lỗ vốn cho dù tác phẩm khá chỉn chu, sạch sẽ và ít nhiều tạo được hiệu ứng tốt từ truyền thông.

Liệu những bộ phim gắn mác "thriller" khác chuẩn bị ra mắt trong năm nay có tiếp tục gặp phải một lực cản đối với sự lựa chọn của khán giả?

Thách thức khi làm phim thriller ở Việt Nam

Lý giải về thách thức khi làm phim thriller ở Việt Nam hay doanh thu không như mong đợi, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho biết:

"Thử thách lớn nhất của đạo diễn khi làm phim thriller ở Việt Nam đó là cố gắng không tự kiểm duyệt. Kiểm duyệt ở đây có hai yếu tố, một là phải cân đong đo đếm liều lượng các yếu tố giật gân để có thể vượt qua kiểm duyệt.

Nhưng quan trọng và thử thách hơn nữa là việc đoán và hiểu tâm lý tâm lý khán giả đối với thể loại này. Họ sẽ chấp nhận các tình tiết ly kỳ giật gân trong phim ra sao? Hay họ sẽ mặc định những chi tiết như vậy không thể xảy ra ở Việt Nam, nơi luôn có quan sát là đám đông.

bang-chung-vo-hinh-3-1591717556865260654281

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh

Tôi nghĩ cả ba yếu tố trên ảnh hưởng đến sự phát triển của dòng phim thriller ở Việt Nam. Việc không có những kịch bản gốc xuất sắc trước tiên đến từ tài năng và sự sáng tạo của nhà biên kịch.

Tuy nhiên chúng ta cũng phải thừa nhận rằng đôi lúc áp lực kiểm duyệt, những trường hợp phải sửa nát bản phim trước đó cũng khiến các đạo diễn và biên kịch chùn tay. Ngoài ra, áp lực về sự chấp nhận thể loại, thị hiếu của khán giả cũng khiến dòng phim chưa phát triển.

Như tôi nói ở trên, có thể một bộ phim gắn mác thriller Việt đã là một lực cản đối với sự lựa chọn của khán giả. Với Bằng chứng vô hình, đây là một bộ phim làm lại nên yếu tố bất ngờ có thể không còn.

Bằng chứng vô hình không chỉ đang vượt qua tình trạng khán giả đến rạp giảm sút, cạnh tranh với các bộ phim khác xuất hiện tại rạp, vượt qua mặc cảm thriller Việt mà dường như còn phải vượt qua chính những bản phim trước đó".

Bằng chứng vô hình: Hành trình giải thoát và chuộc lỗi Bằng chứng vô hình: Hành trình giải thoát và chuộc lỗi

TTO - Không chỉ là bộ phim hình sự mở đầu cho trào lưu "thriller" nở rộ trong năm nay, Bằng chứng vô hình còn là tác phẩm được nhiều kỳ vọng "giải cứu" tình trạng ảm đạm của thị trường điện ảnh Việt sau cơn địa chấn COVID-19.

LÊ HỒNG LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên