20/03/2016 10:38 GMT+7

Phim Fatih Akin: giải thoát phụ nữ bằng vẻ đẹp khỏa thân

NAM PHÚ
NAM PHÚ

TT - Nếu xã hội Hồi giáo khắc nghiệt với người phụ nữ bao nhiêu thì trong phim mình, Fatih Akin giải thoát họ bằng vẻ đẹp hình thể, khỏa thân và bàn về tình dục tự nhiên táo bạo.

Phim The edge of heaven của Fatih Akin - Ảnh tư liệu

Việc Viện Goethe Hà Nội tổ chức tuần phim Fatih Akin trên khắp hai miền (Hà Nội từ ngày 11 đến 26-3; TP.HCM từ ngày 18-3 đến 2-4) là dịp không thể tốt hơn để khán giả Việt Nam biết đến một trong những đạo diễn xuất sắc nhất của điện ảnh Đức đương đại.

“Thế hệ 1970” trong điện ảnh Đức đương đại là thế hệ đón nhận hương vị đầu mùa của nước Đức tái thống nhất. Họ là chứng nhân của một thời đoạn nhiều biến cố, đa tạp sắc thái nên đã đến lúc, như nhu cầu tự thân, họ làm công việc của người kiểm thảo quá vãng chưa mấy xa xôi ấy, đồng thời cởi mở và suy ngẫm nhiều hơn về hiện tại.

Trong số đó cái tên gây ấn tượng nhất và có lẽ mang một chân dung nghệ thuật khó phác thảo nhất, chính là Fatih Akin.

Sự kết nối các dị biệt

Là con của một gia đình Thổ Nhĩ Kỳ di cư, Akin sinh ra tại Hamburg, nơi về sau ở tuổi 27 anh học và tốt nghiệp đại học mỹ thuật tạo hình.

Là công dân Đức, anh thấy mình như người nước ngoài ở chính cố quận. Akin, vì thế, dường như là đứa con của thời toàn cầu hóa, của một ý tưởng quyết liệt là phải băng qua mọi rào cản để vừa thám định lịch sử quê nhà, vừa cập nhật đời sống nơi trú xứ.

Rốt cuộc, trước khối nguyên liệu quá khứ - hiện tại thuộc về hai cơ địa văn hóa khác nhau đã tụ kết trong mình, Akin tự lấy bản thân làm cảm hứng và những phim của anh, không gì khác, là sự kết nối các dị biệt văn hóa.

Tính hòa trộn lai ghép trong các phim Akin có thể thỏa mãn cho nhiều kiểu khán giả: người Đức thích khí chất khỏe khoắn, trẻ trung và sự điềm tĩnh của trí tuệ trong từng nhân vật; người Thổ (sùng đạo Hồi) có thể la ó, phản đối trước những cảnh khỏa thân, tình dục hay khu phố gái điếm; người Đức gốc Thổ lại đắm chìm trong cảm thức hoài niệm quê hương mà mỗi khung cảnh, mỗi lời ăn tiếng nói đã là máu thịt...

Phim Akin, từ đó, là thấu tụ của những va động xúc cảm, ý nghĩ, là sự đan cài các mảnh hiện thực và tưởng tượng trong tư thế tích cực tái tạo những miền sống chung của tình yêu thương.

Phim In July (2000). -Ảnh tư liệu.

Khát vọng hòa giải

Trong phim In July (2000), hành trình hai chiều hồi hộp, hài hước được gắn với cặp đôi Daniel - thầy giáo trung học cả tin, ngây thơ và July - cô gái rất mực lém lỉnh.

Trên hành trình đó, sắc màu các thành phố, những con đường mênh mông dài rộng và phong cảnh thiên nhiên tạo thành chuỗi hệ thống hình ảnh có chức năng khuếch tán điểm nhìn, nhưng chủ yếu hướng vào ý niệm không gian nhờ góc máy trên cao phóng khoáng thu gọn sức sống mãnh liệt nhất của màu sắc.

In July là phác thảo đầu tiên cho phép Akin ứng dụng những trải nghiệm địa lý, cái sẽ kích thích giác quan người xem tưởng tượng về những miền đất chưa từng đặt chân với lòng thân thiện bằng hữu. Vì thế, phong cảnh địa lý trong phim Akin luôn đóng vai một nhân vật đặc biệt, một dung môi hoàn hảo để tính cách con người được dịp hiện rõ.

Về sau, trong hai phim Head-on (2004, đoạt giải Gấu vàng tại LHP Berlin; Giải phim hay nhất và giải khán giả tại LHP châu Âu), The edge of heaven (2007, đoạt giải kịch bản xuất sắc tại LHP Cannes) địa lý còn là dấu chỉ của khát vọng được gắn bó, vỗ về và an nghỉ của đời người tha hương lang bạt.

Trong xã hội hiện đại, khi đường biên địa lý quốc gia không phải là rào cản thì sự khác biệt văn hóa mới là thứ khiến con người phải đối đầu.

Akin phát hiện điều đó sâu sắc đến mức ngoài tâm thế di dân còn có thể gộp chung nỗi niềm, cách cư xử của bất kỳ ai từng rời khỏi cội nguồn trong thời đại trải nghiệm đa văn hóa không còn là kinh nghiệm riêng lẻ.

Những phim của Fatih Akin bởi thế nằm trong thông điệp hòa giải mà thế hệ đạo diễn 1970 đang gửi gắm. Nhưng làm gì để hòa giải? Các phim của Akin gợi ý cho người xem hai điều: lòng thiện là chìa khóa và giáo dục là kế sách.

The edge of heaven. -Ảnh tư liệu.

The egde of heaven hé lộ một Istanbul như là nơi để xóa nhòa ranh giới, rút ngắn các khoảng cách địa lý và tâm lý. Trong Head-on, hòa giải bắt đầu từ sự đón nhận Sibel trở về quê hương, nơi mà cô đã từng căm ghét...

Và nếu xã hội Hồi giáo khắc nghiệt với người phụ nữ bao nhiêu thì trong phim mình, Akin đã giải thoát họ bằng vẻ đẹp hình thể, khỏa thân và bàn về tình dục tự nhiên táo bạo.

Một khát vọng hòa giải con người tôn giáo và con người trần thế chăng?

Nhưng lý tưởng hơn, như các nhân vật đã đảm nhận vai trò nhà giáo, là thay thế đầu óc thủ cựu bằng chất nhân văn tươi mới.

Trong The egde of heaven, thầy giáo Nejat rời giảng đường Đức và làm chủ hiệu sách trên đất Thổ, về tinh thần vẫn nằm trong các thiết chế giáo hóa mà một xã hội hiện đại cần phải có.

Cảnh trong Head-on (2004, đoạt giải Gấu vàng tại LHP Berlin). -Ảnh tư liệu.

F. Akin đã có nhiều giải thưởng danh giá: Short Sharp shock (1998) đạt giải Leopard tại LHP Locarno (Thụy Sĩ); Phim Head - on (2004) đoạt giải Gấu vàng tại LHP Berlin; Giải phim hay nhất và giải khán giả tại LHP châu Âu; Phim The edge of heaven (2007) đoạt giải kịch bản xuất sắc tại LHP Cannes; Phim Soul kitchen (2009) đoạt giải đặc biệt của ban giám khảo tại LHP Venice lần 66. Nhưng thay vì chọn Hollywood để tiến thân, F. Akin chỉ chọn nơi anh quen thuộc, một vị trí ngoại biên hơn nhưng không hề lép vế trong các phát ngôn: Istanbul và Hamburg.

*Trailer phim Head-on:

(Nguồn: Youtube)

NAM PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên