Đoàn phim Sài Gòn anh yêu em nhận giải vàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Một sự ghi nhận những thử nghiệm chật vật của người làm phim trong cơn lốc phim thị trường ra rạp “tăng mạnh về số lượng nhưng không tỉ lệ thuận với chất lượng” như lời của PGS.TS Trần Luân Kim, trưởng ban giám khảo phim truyện điện ảnh, nhận xét về điện ảnh.
Giá trị đọng lại, “rác” thì trôi
Điều đáng ghi nhận là hình ảnh, âm thanh trong phim Việt đang có bước phát triển rõ rệt. Phim ngày càng đẹp, được chăm chút tỉ mỉ hơn. Vài phim hài nhảm, kinh dị nhảm (không hiểu vì sao) vẫn lọt vào danh sách tranh giải cũng nhanh chóng bị “cuốn trôi”.
Đề tài tình yêu, tâm lý xã hội vẫn chiếm ưu thế. Do ở giải thưởng lần này phim nhà nước đầu tư không hiện hữu nên theo ông Trần Luân Kim, những đề tài về lịch sử theo đó cũng “biến mất”. Đây là sự thật cần chấp nhận khi tư nhân hóa điện ảnh, làm phim phải có lời. Nhưng theo ban tổ chức, nếu cân bằng và phân bổ được đề tài thì bộ mặt của điện ảnh Việt trọn vẹn hơn.
Những bộ phim đoạt giải cao giải phim điện ảnh của Cánh diều 2016 được nhào nặn từ tư duy và cách làm phim của những đạo diễn trẻ. Một sự lắng nghe, song hành của Hội Điện ảnh VN với tình hình làm phim cho thấy Cánh diều đã đổi hướng trong cơn bão làm phim của người trẻ.
Chia sẻ cảm xúc sau khi đoạt giải vàng của đoàn phim Sài Gòn anh yêu em - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Sài Gòn anh yêu em không phải là phim đột phá, xuất sắc nhưng là lát cắt trong trẻo, đậm chất đời sống về Sài Gòn, nơi có những người trẻ yêu - sống hết mình, có mối tình già mộc mạc nảy nở từ tình yêu với nghệ thuật cải lương.
Với Lý Minh Thắng, đạo diễn phim đã thành công trong việc xây dựng một phim đa tuyến, khi bộ phim đầu tay được xướng tên cho giải thưởng Cánh diều vàng, là điều không ngờ. Anh xúc động: “Sài Gòn anh yêu em là sản phẩm đầu tay có nhiều tâm huyết, và cũng có nhiều lỗi của cả một êkip trẻ, nên với chúng tôi đây là món quà tinh thần vô giá.
Chính Sài Gòn, chính tình cảm khán giả dành cho Sài Gòn giúp bộ phim thành công như hôm nay”. Ngoài vai trò đạo diễn, Lý Minh Thắng còn mát tay trong vai trò sản xuất phim. Gần nhất, phim Lô tô mà Thắng đứng trong vai trò sản xuất đã nhận được những phản hồi tích cực từ người xem.
Cánh diều bạc 2016 còn được trao cho đạo diễn Vũ Ngọc Phượng với bộ phim 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy. Ngay khi ra mắt, bộ phim đã tạo được tiếng vang bởi cách làm phim hiện đại, lôi cuốn và trẻ trung.
Đồng giải Cánh diều bạc là Tấm Cám - chuyện chưa kể của nữ đạo diễn Ngô Thanh Vân. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận đối với bộ phim theo đuổi đề tài khó, và mới (với thị trường Việt) của một đạo diễn nữ.
Đoàn phim Zippo, Mù tạt và em nhận giải vàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Phim truyền hình: giải trí, chính luận cùng tung bay
Năm 2016 được đánh giá là khó khăn cho phim truyền hình Việt. Tuy nhiên các nhà sản xuất đã tạo ra một số phim có sức hút đáng kể. Zippo, mù tạt và em ra đời với một kịch bản nói về tình yêu giới trẻ khá đơn giản nhưng chú trọng chi tiết, lại quy tụ dàn diễn viên đẹp và cảnh quay lãng mạn.
Trước một số nhận xét phim có vẻ giống phim Hàn Quốc, ông Đỗ Thanh Hải, giám đốc VFC, khẳng định Zippo, mù tạt và em là phim thuần Việt, tác giả kịch bản là Thu Thủy. Bộ phim từng tạo cơn sốt, đặc biệt với khán giả trẻ vào cuối năm 2016, nhận nhiều giải thưởng quan trọng.
Bộ phim mang đậm chất hoài niệm Chiều ngang qua phố cũ đoạt Cánh diều bạc. Đồng thời, hai diễn viên trong phim là Công Lý đã nhận giải Nam diễn viên phụ xuất sắc, diễn viên Minh Trang nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc (cùng với Lã Thanh Huyền).
Chia sẻ về vai Phương trong phim, diễn viên Minh Trang bày tỏ: “Ngay từ khi nhận kịch bản từ đạo diễn Trịnh Lê Phong, tôi rất thích vì kịch bản đậm chất Hà Nội, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Nhân vật Phương khiến tôi trăn trở khi cô ấy điển hình cho người phụ nữ VN hi sinh vì chồng con nhưng đổi lại vẫn không hạnh phúc”.
Chị Vĩnh Hà (Chu Hồng Vân) và Nguyễn Tuấn Thành (không có mặt) là hai PV báo Tuổi Trẻ nhận giải vàng cho hạng mục biên kịch phim truyền hình - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Lựa chọn cuối cùng dù chỉ nhận bằng khen nhưng được lòng khán giả, như ý kiến của khán giả Anh Vũ: “Phim có lời thoại sắc sảo, tinh tế, đề cập đến vấn đề nhạy cảm của xã hội: lợi ích nhóm. Tôi nghĩ nhà sản xuất phải rất bản lĩnh mới đưa được kịch bản nặng ký như thế đến với khán giả truyền hình”.
Điều thú vị, tác giả kịch bản của Lựa chọn cuối cùng là phóng viên báo Tuổi Trẻ: Nguyễn Tuấn Thành và Chu Hồng Vân (cả hai nhận giải Biên kịch xuất sắc).
Với sự va chạm thực tế trong vốn sống, vốn nghề nên dù kịch bản có từ ba năm trước nhưng chất thời sự trong phim vẫn ngồn ngộn. Như vậy, ở Cánh diều năm nay, Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam VFC bội thu với Zippo, mù tạt và em, Lựa chọn cuối cùng, Chiều ngang qua phố cũ.
Chiếu định kỳ phim tài liệu Hội điện ảnh TP.HCM sẽ phối hợp cùng Cinestar, Hãng phim tài liệu & khoa học Trung Ương... tuyển chọn và chiếu định kỳ mỗi tháng/lần những bộ phim tài liệu được đánh giá tốt. Theo đạo diễn Lê Hồng Chương, trưởng ban giám khảo Phim tài liệu và khoa học của Cánh Diều năm nay nếu phim tài liệu được tư nhân hóa và có thêm rạp chiếu cho phim tài liệu khán giả sẽ có nhiều bộ phim giá trị hơn nữa.. |
Phim ngắn “mất mùa” vì đề tài quẩn quanh Phim ngắn thường là các tác phẩm đầu tay, phim tốt nghiệp của sinh viên có góc nhìn mới mẻ, sáng tạo và đề tài mang tính khai phá. Nhưng trong đêm trao giải Cánh Diều 2016 tối 9-4, không có phim ngắn nào nhận được Cánh diều vàng. Biên kịch Trịnh Thanh Nhã, trưởng ban giám khảo phim ngắn chia sẻ với Tuổi Trẻ: “Không có phim nào gây được bất ngờ. Các phim cứ nhè nhẹ, vui vui. Đề tài cũ, quẩn quanh, ý tưởng hạn hẹp không nhiều sáng tạo...” (Đ.Trường) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận