Hội thảo do Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM tổ chức, diễn ra ngày 22-11. Có khoảng 15 phát biểu của các nghệ sĩ nói về thực trạng và những giải pháp để đưa tác phẩm nghệ thuật đến với nhiều người.
Mang vàng thật để đổi lấy vàng giả?
Nghệ sĩ Lê Nguyên Hiều, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, cho rằng hiện có độ vênh của các tác phẩm nghệ thuật. Các tác phẩm làm vừa lòng ban tổ chức các cuộc liên hoan, các lễ hội lại rất khó để đến với khán giả.
Ông bảo hơn 10 năm nay tỉnh thành nào cũng tổ chức lễ hội. Nhưng các lễ hội chỉ làm cho có chứ chưa thật xôm tụ, bắt mắt.
Người dân dường như chưa cảm nhận được gì nhiều sau lễ hội.
"Các nhà quản lý văn hóa tìm cách có báo cáo hay, đơn vị đi thi liên hoan xem đạt bao nhiêu huy chương vàng, bạc?
Vì thế dư luận trong giới làm nghề cho rằng tham gia các hội thi là đang mang vàng thật để đổi lấy vàng giả" - ông nhấn mạnh.
"Đội ngũ sáng tạo trẻ có tài năng, trình độ sáng tác hiện nay đang tìm chìa khóa mở cánh cửa ban tổ chức liên hoan mà chưa mở cửa tâm hồn công chúng. Việc tổ chức liên hoan, hội diễn rất cần thiết.
Nhưng tác phẩm đó sau những lần liên hoan phải đến với công chúng, được xã hội đón nhận chứ không phải cất vào kho".
Nhiếp ảnh gia Trần Quốc Dũng khẳng định nếu tác phẩm không nói về dân thì sao đến được với dân.
Ông kể trong cuộc triển lãm ảnh về những người khuyết tật có những người mù đến xem: "Người mù xem ảnh bằng cách nào? Họ lắng nghe người bên cạnh kể về bức ảnh mà họ là nhân vật chính".
Ông Dũng nói: "Theo tôi, vấn đề con người trong các tác phẩm chưa được đề cao đúng mức.
Hàng triệu người lao động chưa được nhắc đến trong tác phẩm. Mà nghệ thuật không nói về họ thì làm sao họ đến được".
Nhà báo Nguyễn Thị Thúy Nga, Hội Điện ảnh TP.HCM, cho rằng người Việt thích xem những bộ phim có câu chuyện và kết thúc có hậu. Chữ "có hậu" bao gồm yếu tố tốt đẹp hay rõ ràng.
Các bộ phim có câu chuyện phong phú, cụ thể rõ ràng vẫn còn tồn tại một thời gian dài. Người Việt thích bộ phim tinh tế chứ không chỉ hoành tráng.
Bà Thúy Nga đưa ví dụ: "Phim Bao giờ đến tháng 10 có cảnh Duyên và chồng ở chợ âm dương. Đôi bàn tay họ đuổi theo nhau, quấn quýt nhưng không chạm vào. Cảnh này được khán giả Việt yêu thích ngang với hình ảnh trình diễn mang tính hoành tráng của hai nhân vật chính trong phim Titanic".
Chủ động đưa tác phẩm đến với công chúng
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung phát biểu trước đây có chương trình Những bông hoa nhỏ trên truyền hình giới thiệu những bài hát dành cho thiếu nhi. Nay chương trình này không còn nữa nên nhạc thiếu nhi sáng tác xong rất khó khăn trong con đường đến với các em.
"Trong trường học dạy những bài hát cũ, thiếu vắng những bài hát mới phù hợp tâm lý trẻ hiện nay. Hiện các bạn nhỏ thường xem trên YouTube, TikTok nên chúng ta tận dụng mạng xã hội này để chủ động giới thiệu sản phẩm của mình", anh nói.
Nguyễn Văn Chung đưa ví dụ: "Tôi chủ động đưa tác phẩm đến với công chúng bằng cách thu âm rồi phát hành trên kênh YouTube của mình. Trên các kênh này tôi đưa ra ý kiến, nhận xét, chia sẻ về những góc nhìn nghệ thuật cùng với mọi người.
Tôi nghĩ chi phí để truyền tải ít tốn kém nhất là tận dụng sức mạnh mạng xã hội. Sau ba năm kênh YouTube của tôi mang lại doanh thu. Và khi có doanh thu nghệ sĩ có thể tự tin để tiếp tục sáng tác".
Nhà văn Kim Quyên đưa ra lời khuyên để những tác phẩm văn học đến với đông đảo người dân trong giai đoạn hiện nay:
"Có những người bạn tặng tôi cuốn sách dày cộm. Tôi chưa đọc được vì mới thấy đã ngán rồi. Vì vậy tôi nghĩ tác phẩm văn học không nên quá dài mà ngắn gọn, hấp dẫn, nhiều drama sẽ đến với nhiều người".
Phim của Trấn Thành, Lý Hải, hay hiện tượng Đào, phở và piano được nhắc nhiều trong hội thảo như ví dụ điển hình trong việc đưa phim đến với khán giả.
Đào, phở và piano lên TikTok nhanh chóng trở thành hiện tượng gây chú ý với khán giả. Phim do Nhà nước sản xuất đến nay thu về hàng chục tỉ đồng.
Trong khi đó, phim tư nhân của Lý Hải, Trấn Thành có chiến lược quảng bá rất tốt giúp phim lan tỏa nhanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận