Chỉ tính trong tháng 1-2021 đã có đến bốn phim: Cậu Vàng, Võ sinh đại chiến, 'Em' là của em, Sám hối ra rạp. Tuy nhiên, cả bốn phim đều không thành công như mong đợi.
Một điểm chung của tất cả các phim này đều là sự PR rầm rộ từ trước và sau khi phim công chiếu. Các nhà sản xuất đều nhấn mạnh mức độ đầu tư vào phim, hầu hết đều là những con số siêu khủng cùng dàn diễn viên "thứ thiệt".
Vậy nguyên nhân gì khiến phim "chết"? Lý do được đổ lỗi nhiều nhất là cuộc tẩy chay của cư dân mạng và vấn đề ăn chia giữa nhà sản xuất cùng hệ thống rạp chiếu.
Chỉ sau 6 ngày công chiếu, Võ sinh đại chiến đã xin rút khỏi các cụm rạp vì không chịu nổi sự chèn ép (theo cách nói từ nhà sản xuất). Nhà sản xuất cho rằng phim bị nhét vào chiếu ở những giờ không hợp lý và khó kéo khán giả đến rạp.
Võ sinh đại chiến vì thế phim gần như trắng tay khi chỉ thu về 1,2 tỉ đồng, một con số như hạt cát với số tiền đầu tư. Hay đáng nói hơn là một bộ phim tạo được tiếng vang từ khi rục rịch khai máy là Cậu vàng cũng chỉ thu về 3,5 tỷ đồng, lỗ hơn 25 tỉ và phải rút khỏi các cụm rạp.
Nguyên nhân của Cậu Vàng nghe có vẻ "drama" hơn cả Võ sinh đại chiến đó là bị khán giả tẩy chay vì những ồn ào của bộ phim. Các nhà sản xuất xót tiền "xót con", la khóc đến nao lòng. Thực tế hai lí do được nêu ra có thật sự hợp lí?
Thẳng thắn nhìn nhận vào cái gọi là văn hoá tẩy chay rầm rộ trong thời gian qua khởi phát lên từ mạng xã hội. Tất cả đều hiểu nó có mặt tiêu cực nhưng cũng có mặt tích cực.
Từ những lùm xùm của Cậu Vàng như: cho chú chó Nhật đóng phim Việt thay vì dùng chó thuần Việt, phát ngôn của diễn viên chính Băng Di về tác phẩm Lão Hạc, quản trị page ăn nói trịch thượng với khán giả.... chắc chắn làm dậy sóng dư luận, kéo theo một bộ phận khán giả ác cảm về phim dù chưa xem phim.
Ở mặt khác, scandal Cậu Vàng càng ồn ào, càng xôn xao thì thông tin lại phủ đầy mặt báo vô tình tạo hiệu ứng truyền thông quảng bá rầm rộ. Nó kích thích một số lượng khán giả không nhỏ đến rạp để thưởng thức thực hư có như lời đồn?
Lại nói về làn sóng tẩy chay nghe có vẻ nguy hiểm nhưng thực tế nó đâu có sức "sát thương" mạnh như tưởng tượng của nhiều người. Tỉnh táo nhận xét, khán giả đến rạp chiếu phim thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội: Trí thức, học sinh, công nhân...
Số người mạnh tay nhấn bàn phím kêu gọi tẩy chay chỉ là một thành phần trong những tầng lớp xã hội. Xin nhấn mạnh, đối tượng tẩy chay chưa chắc là khán giả trung thành của phòng vé, sẵn sàng bỏ tiền ra để mua vé đến rạp xem phim.
Chúng ta cứ làm thử một phép tính đơn giản, cả nước có 140 cụm rạp, mỗi năm thu hút bao nhiêu khán giả cầm tiền đến rạp và so sánh với số lượng thành viên trong những group anti phim như Cậu Vàng sẽ tự có đáp án.
Liệu con số vài trăm nghìn người ấy có đủ sức “đấu lại” hàng chục triệu người? Chưa kể, sau mùa dịch, nhu cầu giải trí cũng bắt đầu trở lại. Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử hay Tiệc trăng máu đã chứng minh sức "cầu" của khán giả.
Phim thua, nói trắng ra chỉ là chưa "cung" đúng như mong đợi của công chúng, hoặc chọn sai thời điểm ra rạp.
Tâm lí các nhà đầu tư hay đạo diễn khi đã làm phim đều muốn phim thắng nhưng khi phim không được đón nhận cũng phải tìm cái cớ để vịn vào. Nhưng nếu mãi "kiếm cớ" thì sẽ không bao giờ học được bài học để thành công.
Nhà sản xuất đôi lúc phải nhìn thẳng vào các vấn đề của chính mình như: phim có chất lượng kém, nội dung không hấp dẫn, khiên cưỡng, thời điểm ra rạp không hợp lí...
Như Cậu Vàng, nhà phê bình Lê Hồng Lâm đã thẳng thắn nhận xét bộ phim "như một bộ phim phỉ nhổ vào trăm năm điện ảnh". Hay Võ sinh đại chiến thật sự dễ xem nhưng ngoài những màn đấu võ đẹp thì phim có quá nhiều hạt sạn như: diễn xuất của diễn viên, nội dung thiếu logic… Và quan trong hơn là nó không hợp thị hiếu khán giả ở thời điểm hiện tại.
Một bộ phim dính scandal sẽ có người thương kẻ ghét. Nhưng một bộ phim dở thì không thể đổ lỗi cho bất kì ai. Việc đổ lỗi cho làn sóng tẩy chay là rất duy ý chí.
Lại đưa thêm dẫn chứng về một trường hợp phim Việt khác sắp lên sóng là Trạng Tí. Phim chưa ra rạp, chưa thể biết hay hoặc dở thế nào nhưng lại dính lùm xùm với hoạ sĩ Lê Linh. Nhiều người đã đòi tẩy chay phim vì quá thương cảm cho hành trình sáng tạo của hoạ sĩ Lê Linh.
Thế nhưng, một bộ phận khán giả không hề nhỏ vẫn dành sự ủng hộ cho nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Xét ở góc độ pháp lí cô không hề sai khi đã mua bản quyền ở đúng đơn vị đang nắm giữ nó.
Thường thì con hát mẹ sẽ khen hay. Thế nhưng, hiếm khi nào con hư mà mẹ lại thẳng tay răn dạy. Chúng ta cứ mải miết đổ lỗi từ câu chuyện này đến nguyên nhân khác dẫn đến phim thất bại. Tại sao không dành thời gian để xem lại việc kịch bản phim đã đủ tốt, câu chuyện phim đã đủ cuốn hút khán giả, đầu tư đã xứng tầm?
Nên nhớ tính tuyên truyền của khán giả vẫn là yếu tố không thể xem thường bên cạnh nhiều yếu tố truyền thông hỗ trợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận