Ngày 13-5, Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố sẽ xem xét báo cáo về "những hoạt động bất hợp pháp và phi pháp" của các quan chức ngoại giao và thực hiện hành động cần thiết phù hợp với luật pháp và quy định hiện hành.
Tuyên bố không đề cập đến Trung Quốc, nhưng được đưa ra sau những ồn ào về vụ rò rỉ cuộc điện đàm giữa quan chức ngoại giao Trung Quốc với một đô đốc Philippines về Biển Đông.
Trong cuộc gọi này, lãnh đạo Mặt trận phía tây của quân đội Philippines (Wescom) Alberto Carlos được cho là đã đồng ý đề xuất của Bắc Kinh về "mô hình mới" nêu trên. Theo đó, Manila sẽ cử ít tàu hơn cho các nhiệm vụ tiếp tế binh lính trên bãi Cỏ Mây và báo trước cho phía Trung Quốc thời gian tiến hành các nhiệm vụ này.
Ngày 10-5, Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Eduardo Ano công khai kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Trung Quốc đang công tác tại nước này.
Tại Biển Đông, Philippines đang báo động trước thông tin Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo ở bãi cạn Sa Bin thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Lãnh đạo Hội đồng An ninh quốc gia Philippines đã ra lệnh tăng cường bảo vệ các thực thể trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Biển Đông sau khi có báo cáo về việc Trung Quốc cải tạo đảo, một quan chức an ninh của Manila nói ngày 13-5 trên truyền hình quốc gia.
Đồng thời, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) cùng ngày tiếp tục khẳng định duy trì sự hiện diện trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông, để đảm bảo Trung Quốc không thực hiện các hoạt động cải tạo ở bãi cạn Sa Bin.
Cuối tuần trước, PCG tuyên bố đã triển khai một tàu đến bãi cạn Sa Bin và bổ sung hai tàu triển khai luân phiên tại khu vực này. Lực lượng này báo động sau khi phát hiện nhiều tàu Trung Quốc tập trung và hàng đống san hô chết và bị nghiền nát, được đổ trên các bãi cát ở bãi cạn Sa Bin.
Ngày 13-5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản bác bằng việc chỉ trích Philippines đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm và cố gắng đánh lừa cộng đồng quốc tế với cáo buộc Trung Quốc xây dựng "đảo nhân tạo" ở vùng biển tranh chấp.
Bãi cạn Sa Bin cách tỉnh Palawan của Philippines 200km, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Liên quan hoạt động của các bên ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán rằng mọi hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia được xác lập phù hợp với UNCLOS, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
"Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận