Ngày 3-6, báo Inquirer dẫn lời quan chức quân sự cấp cao cho biết có hai vụ việc liên quan đến Hải cảnh Trung Quốc (CCG) trên Biển Đông ngày 19-5.
Theo đó, Hải quân Philippines thực hiện chiến dịch thả dù để đưa hàng tiếp tế tới BRP Sierra Madre, một tàu chiến mắc cạn được Manila sử dụng làm tiền đồn tại bãi Cỏ Mây, nhưng lực lượng Trung Quốc đã thu giữ các hàng tiếp tế này.
Sau khi bị cáo buộc chĩa súng ở bãi Cỏ Mây, Philippines tố ngược Trung Quốc - Nguồn: INQUIRER.net
Trong vụ việc thứ ba vào ngày 24-5, CCG đã dùng vòi rồng xua đuổi một tàu cá Philippines gần bãi cạn này.
Cụ thể, theo nguồn tin của Inquirer, Hải cảnh Trung Quốc đã triển khai bốn thuyền cao su khi Philippines thả dù hàng tiếp tế cho tàu BRP Sierra Madre. Lực lượng Trung Quốc lấy một số lương thực, chủ yếu là thực phẩm, rải xuống nước. Một hàng tiếp tế khác bị thu giữ.
Cùng ngày, hai tàu cảnh sát biển và bốn thuyền cao su của Trung Quốc cũng quấy rối hoạt động sơ tán y tế các binh sĩ bị bệnh. Một trong số các tàu hải cảnh Trung Quốc đã bắn thẳng vòi rồng vào một trong các thuyền cao su của Philippines.
Cáo buộc trên tờ Inquirer đưa ra vài giờ sau khi truyền thông Trung Quốc đưa tin các thuyền viên trên tàu Sierra Madre đã "chĩa súng" vào hải cảnh Trung Quốc ngày 19-5 trên Biển Đông.
Một đoạn video dài 29 giây của Đài CCTV cho thấy một người đàn ông đeo mặt nạ đang cầm một vật thể màu đen mờ giống như một khẩu súng trường.
Hải quân, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines và Hội đồng An ninh quốc gia chưa lên tiếng về vấn đề này.
Nằm trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bãi Cỏ Mây nằm cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 1.000km.
Cả Manila và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền với bãi Cỏ Mây. Theo phán quyết của Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông năm 2016, bãi Cỏ Mây nằm trên thềm lục địa Philippines.
Theo đó, phán quyết ngày 12-7-2016, do Hội đồng trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, nhấn mạnh Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu cầu quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên vượt quá các quyền mà UNCLOS quy định.
Tổng thống Philippines: An ninh ở Biển Đông là vấn đề toàn cầu
Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore mới đây, Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos Jr tố cáo các hành động bất hợp pháp, chèn ép và gây hấn ở Biển Đông.
Ông Marcos nói Philippines cùng các quốc gia Đông Nam Á khác có tầm nhìn cho "hòa bình, ổn định và thịnh vượng" ở Biển Đông, nhưng điều này đang bị hủy hoại bởi nhiều chủ thể khác. Ông Marcos không nhắc trực tiếp đến Trung Quốc.
Tổng thống Philippines cho rằng an ninh ở Biển Đông, vùng biển vận chuyển khối lượng thương mại khổng lồ, là một vấn đề toàn cầu. "Nếu một công dân Philippines thiệt mạng vì hành động cố ý nào đó, thì như chúng tôi định nghĩa, điều đó rất gần với cái gọi là hành động chiến tranh", ông Marcos nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận