Ông Oscar Albayalde tuyên thệ nhậm chức tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia Philippines (PNP) - Ảnh: EPA-EEE
"Làm sao để duy trì cuộc chiến chống ma túy? Để duy trì nó, chúng tôi sẽ không thay đổi gì cả. Tại sao chúng tôi phải chấm dứt một chương trình đang rất hiệu quả chứ?" - ông Albayalde phát biểu, một ngày sau lễ tuyên thệ nhậm chức, hôm 19-4.
Cũng ngày 20-4, theo trang tin Rappler, cảnh sát Philippines công bố thêm trường hợp 13 nghi phạm ma túy nữa bị giết trong một cuộc truy quét dẫn tới bắt giữ 58 người.
Những bình luận của ông Albayalde được đưa ra trong bối cảnh Philippines bác bỏ một nghị quyết của Nghị viện châu Âu chỉ trích cuộc chiến ma túy ở nước này.
Các nhà lập pháp tại Liên minh châu Âu (EU) vẫn chỉ trích kịch liệt tình hình ở Philippines, và có vẻ hai bên chưa tìm thấy tiếng nói chung khi "sếp mới" của cảnh sát Philippines cũng đang thách thức người Âu.
Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano hôm 20-4 cũng tuyên bố Nghị viện châu Âu đã vượt qua "giới hạn đỏ".
Quan chức này chỉ trích nghị quyết của Nghị viện châu Âu dựa trên "thông tin thiên vị, không đầy đủ và thậm chí sai trái và không phản ánh tình hình thực sự trên thực địa". Bên cạnh đó, hành động này mang tính can thiệp vào công việc của một quốc gia có chủ quyền.
Trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu được Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố khi tranh cử và tích cực triển khai kể từ khi lên nhậm chức từ tháng 6-2016.
Theo thống kê, cảnh sát Philippines đã tiêu diệt hàng ngàn đối tượng trong chiến dịch chống ma túy. Tổng thống Duterte đã chỉ thị quân đội tham gia hoạt động này và cho biết ông muốn trao cho quân đội quyền bắt giữ những cảnh sát có dính líu đến ma túy.
Một phụ nữ ôm xác người thân là nghi phạm buôn bán/sử dụng ma túy bị cảnh sát bắn chết trên đường phố ở Philippines - Ảnh: REUTERS
Các nước phương Tây, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), thường xuyên chỉ trích chiến dịch này quá bạo lực và là dụng cụ để tiêu diệt những người đối lập, chống đối chính quyền.
Chính quyền của tổng thống Duterte trong khi đó cương quyết duy trì cách làm cứng rắn của mình vì cho rằng đất nước Philippines trong nhiều năm liền đã bị ma túy tàn phá và nếu không mạnh tay chặn đứng tương lai đất nước sẽ điêu tàn.
Hôm 14-3, Tổng thống Duterte còn tuyên bố rút Philippines khỏi Quy chế Rome về thành lập Tòa án Hình sự quốc tế (ICC). Trong tuyên bố, nhà lãnh đạo Philippines nêu rõ quyết định trên "có hiệu lực ngay lập tức".
Một ngày sau đó, chính quyền Manila đã gửi thư thông báo lên Tổng Thư ký LHQ về quyết định của nước này rút khỏi ICC.
Đại diện thường trực của Philippines tại LHQ Teodoro Locsin cho biết trong một bức thư đề ngày 15-3 gửi TTK LHQ Antonio Guterres, Chính phủ Philippines đã nêu rõ mặc dù rút khỏi Quy chế Rome, Manila cam kết tiếp tục nỗ lực trừng phạt thích đáng những kẻ phạm các tội ác hung bạo.
Chính phủ Philippines nhấn mạnh quyết định rút khỏi ICC thể hiện "lập trường phản đối có nguyên tắc đối với những người chính trị hóa và vũ khí hóa vấn đề nhân quyền".
Trước đó, vào tháng 2, Tòa ICC - có trụ sở tại thành phố La Haye (Hà Lan) - thông báo bắt đầu "cuộc điều tra sơ bộ" về cuộc chiến chống ma túy ở Philippines.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận