Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với bà Aung San Suu Kyi - cố vấn quốc gia, ngoại trưởng Myanmar - trong khuôn khổ Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 49 và các hội nghị liên quan tại thủ đô Vientiane (Lào) - Ảnh: TTXVN |
8g30 sáng nay (24-7), Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần 49 (AMM-49) chính thức khai mạc tại Trung tâm hội nghị quốc gia ở thủ đô Vientiane, Lào.
Trước thời điểm khai mạc, vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về khả năng ngoại trưởng các nước ASEAN có đồng thuận về việc nêu vấn đề Biển Đông tại các cuộc họp chính thức trong khuôn khổ hội nghị hay không và đề cập như thế nào.
Một trong những nước đầu tiên khẳng định sẽ nêu vấn đề Biển Đông tại hội nghị chính là Philippines. Bản thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) phát ngày 22-7 khẳng định Ngoại trưởng nước này Perfecto Yasay sẽ nêu vấn đề Biển Đông trước những người đồng cấp tại các cuộc họp ngoại trưởng ở Lào.
“Ngoại trưởng (Yasay) sẽ chia sẻ quan điểm của Philippines về việc xây dựng cộng đồng ASEAN, các diễn biến ở Biển Đông và bán đảo Triều Tiên, và những vấn đề cấp bách của khu vực bao gồm chủ nghĩa cực đoan bạo lực, buôn người, buôn bán ma túy trái phép, biến đổi khí hậu và những vấn đề khác” - thông cáo của DFA nêu rõ.
Trong khi đó, Derry Aman - một quan chức phụ trách vấn đề ASEAN của Bộ Ngoại giao Indonesia - tiết lộ với Hãng thông tấn Antara của Indonesia hôm 21-7 rằng dựa trên chương trình ông nhận được, ông chưa nghe có bất cứ cuộc họp nào bàn về vấn đề Biển Đông bên lề.
Ông Aman khẳng định Indonesia sẽ tiếp tục khuyến khích tất cả các bên không có hành động nào có thể làm tổn hại đến hòa bình trong khu vực.
Còn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, trưởng đoàn quan chức cấp cao (SOM) ASEAN của Việt Nam, nói với báo chí hôm 22-7 rằng Biển Đông luôn là mối quan tâm trong khu vực và quốc tế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Shahriman Lockman - nhà phân tích cấp cao của Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Malaysia - cho biết nhiều khả năng Ngoại trưởng Malaysia Datuk Seri Anifah Aman cũng sẽ đề cập Biển Đông và phán quyết của Tòa trọng tài trong cuộc gặp với những người đồng cấp ASEAN.
Tuy nhiên, ông Shahriman không chắc Malaysia sẽ khởi xướng thảo luận vấn đề này tại những hội nghị có sự tham gia của những nước ngoài khu vực như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) bởi vì cũng giống như một số nước, Malaysia không muốn tạo cớ cho Trung Quốc phản ứng giận dữ.
“Theo tôi, hội nghị sẽ đề cập hời hợt vấn đề an ninh và ổn định trên biển. Tôi đoán Trung Quốc sẽ tìm mọi cách ngăn các nước đề cập về phán quyết của Tòa trọng tài tại hội nghị” - ông Shahriman nói.
Ngày 23-7 đã diễn ra cuộc họp quan chức cao cấp (SOM) ASEAN+3 (với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và SOM các nước tham gia Cấp cao Đông Á - EAS (với tám nước đối thoại bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Úc, New Zealand). Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, các cuộc họp đã hoàn tất công tác chuẩn bị và thống nhất chương trình nghị sự của các hội nghị bộ trưởng, trong đó có việc kiểm điểm và đề ra các định hướng thúc đẩy hợp tác ASEAN với các bên đối tác trong khuôn khổ ASEAN+3 và EAS. |
GS.TS Erik Franckx - Ảnh: T.THẮNG |
Buộc Trung Quốc thực thi phán quyết bằng cách nào?
Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại hội thảo quốc tế “Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982)” diễn ra ngày 23-7.
Hội thảo do Trường ĐH Luật TP.HCM và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức. Nhiều diễn giả và đại biểu tham dự hội thảo nhận định với tư cách là một cường quốc, là thành viên của cộng đồng quốc tế, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và là thành viên của UNCLOS, Trung Quốc bị ràng buộc và có nghĩa vụ tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài.
Về pháp lý là vậy, nhưng trên thực tế, ngay sau khi Tòa trọng tài công bố phán quyết, Trung Quốc đã lên tiếng không công nhận phán quyết này. Vậy thì phán quyết sẽ được thực thi như thế nào, có cơ chế nào “cưỡng chế”, buộc cường quốc như Trung Quốc thực thi phán quyết đã có hiệu lực pháp lý của Tòa trọng tài hay không?
PGS.TS Jay Batongbacal, giám đốc Viện các vấn đề hàng hải và luật biển Đại học Philippines, thừa nhận các chủ thể tham gia luật quốc tế đều có chủ quyền nên không có chuyện cưỡng chế thực hiện phán quyết như pháp luật của một quốc gia thông thường.
“Philippines sẽ tận dụng những nội dung của phán quyết trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc trong tương lai về vấn đề tiếp cận vùng biển, đánh bắt cá hay sau những sự cố trên biển. Nếu Trung Quốc đưa ra yêu sách hoặc có những hoạt động dựa trên cơ sở quyền lịch sử hoặc đường chín đoạn thì Philippines có quyền từ chối đàm phán hoặc có những hoạt động bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trong những tình huống cụ thể” - TS Jay Batongbacal giải thích.
Trả lời Tuổi Trẻ về giá trị pháp lý của phán quyết trọng tài có ràng buộc sự tuân thủ của Trung Quốc hay không và nếu Trung Quốc không thừa nhận, tuân thủ thì quốc gia thắng kiện có thể làm gì, giáo sư Carl Thayer - Học viện Quốc phòng Úc - cho rằng nếu cố tình để phán quyết “chìm” dần và tiếp tục hành động trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ phải chịu hàng ngàn nhát chém pháp lý.
“Vẫn phải nói rằng chúng ta cần khoảng thời gian để Trung Quốc hiểu rõ phán quyết với đầy đủ trách nhiệm, nhưng một chiến dịch toàn cầu (global operation) sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc buộc họ phải chấp nhận phán quyết” - ông Thayer nói.
Việt Nam có lợi gì? Giáo sư, tiến sĩ Erik Franckx - trưởng khoa luật quốc tế và luật châu Âu Đại học Vrije Brussel (Bỉ), thành viên Tòa trọng tài thường trực The Hague - nhận định lợi ích đầu tiên từ phán quyết rằng yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là không có giá trị. Thứ hai, lập luận của Tòa trọng tài là rất cứng rắn và được ủng hộ rộng rãi, mạnh mẽ. Mặc dù có thể bây giờ Trung Quốc không thừa nhận nhưng các nước trong khu vực có thể dựa trên các phán quyết có lợi đó trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận