Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana - Ảnh: AFP
"Đây là vấn đề rất đáng lo ngại. Chúng tôi rất cảnh giác về vấn đề này", ông Lorenzana tuyên bố sau khi các cuộc tập trận gần đây của Trung Quốc ở Hoàng Sa.
Ông Lorenzana cho biết Philippines sẽ không phản đối nếu Trung Quốc tập trận ở phần biển của mình, nhưng nếu Bắc Kinh đi quá giới hạn, Manila sẽ "gióng hồi chuông báo động" tới toàn khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cũng cho biết quốc gia của ông đã tập trận cùng Mỹ trước đây.
"Người Trung Quốc có thể tập trận trong vùng nước của họ, trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và tôi cho rằng điều đó ổn", ông nói và nhấn mạnh rằng nếu Trung Quốc vượt quá vùng biển của mình thì đó là hành động "vô cùng khiêu khích".
Ông Lorenzana cũng tái khẳng định sự phản đối về kế hoạch thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc tại Biển Đông.
"Họ không nên làm thế. Nếu họ làm thế và cố gắng kiểm soát không phận và hải phận, cũng như yêu cầu các bên khác xin phép để đi qua, thì đó sẽ là một câu chuyện khác", ông nói.
Cũng trong ngày 2-7, ông Lorenzana tiết lộ rằng hoạt động phá rối của Trung Quốc đối với tàu cá và tàu của Chính phủ Philippines đã "tăng nhẹ".
"Chỉ từ tháng 8-2019 đến đầu 2020 đã có gần 20 vụ quấy rối do Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Cảnh sát biển Trung Quốc, tàu cá thương mại và dân quân hàng hải Trung Quốc thực hiện", ông Lorenzana cho biết.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định việc Trung Quốc tiến hành tập trận đã vi phạm chủ quyền Việt Nam và đi ngược lại Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, việc duy trì hợp tác giữa Biển Đông.
"Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại hành động này trong tương lai", bà Thu Hằng nói.
Liên quan thông tin nói tàu khảo sát HD4 của Trung Quốc hoạt động, đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần đây, người phát ngôn cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi cho rằng các hoạt động thăm dò, khảo sát phải có sự đồng ý của Việt Nam, phù hợp Công ước Liên Hiệp Quốc.
Việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực Biển Đông, trong khu vực cũng như trên thế giới”.
Cục Hải sự Trung Quốc và truyền thông quốc tế cho biết Bắc Kinh đã có kế hoạch tập trận gần quần đảo Hoàng Sa mà nước này đang chiếm đóng trái phép. Thông tin được đưa ra từ ngày 28-6 và cho biết cuộc tập trận này kéo dài từ ngày 1 tới 5-7.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận