Ngày 22-4, gần 17.000 binh sĩ Philippines và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận huấn luyện chiến đấu chung kéo dài 3 tuần ở Philippines, bao gồm các cuộc tập trận hàng hải ở Biển Đông.
Lần đầu tiên tập trận ngoài lãnh hải Philippines
Cuộc tập trận thường niên Balikatan, hay còn gọi là "Vai kề vai", sẽ diễn ra từ ngày 22-4 đến ngày 10-5 trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao leo thang và các cuộc chạm trán trên biển giữa Philippines và Trung Quốc, bao gồm cả việc sử dụng vòi rồng phun vào tàu của nhau và tranh cãi nảy lửa.
Các quan chức Mỹ cho biết cuộc tập trận sẽ cải thiện khả năng tương tác giữa quân đội hai nước và không nhằm vào bất kỳ nước nào.
"Các cuộc tập trận ở những địa điểm đó diễn ra dựa trên trật tự quốc tế và luật pháp quốc tế cũng như nằm trong quyền chủ quyền và trách nhiệm của nước bạn. Chúng tôi tiến hành các cuộc tập trận bình thường", Hãng tin Reuters dẫn lời trung tướng Mỹ William Jurney, chỉ huy Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ tại Thái Bình Dương, phát biểu.
Cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của khoảng 16.700 binh sĩ từ cả hai phía. Con số này ít hơn một chút so với 17.600 binh sĩ của năm ngoái trong cuộc tập trận Balikatan lớn nhất kể từ năm 1991.
Ngoài Úc, Hải quân Pháp cũng sẽ lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận. Tổng cộng có 14 quốc gia, trong đó có Nhật Bản và Ấn Độ, sẽ có mặt với tư cách quan sát viên.
Những nước tham gia sẽ diễn tập nhiều nhiệm vụ phức tạp trên nhiều lĩnh vực, bao gồm an ninh hàng hải, phòng không và tên lửa, tấn công tên lửa động, phòng thủ mạng và các hoạt động thông tin.
Trong đó, quân đội Mỹ và Philippines sẽ diễn tập mô phỏng việc chiếm lại các hòn đảo ở các đảo ở tỉnh Cagayan, Batanes (cách Đài Loan chưa đến 300km) và ở tỉnh Palawan đối diện với Biển Đông.
Cuộc tập trận hàng hải năm nay sẽ lần đầu tiên vượt ra ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý quanh Philippines.
Lo ngại Trung Quốc
Áp lực ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông đã khiến Manila và đồng minh Mỹ ngày càng lo ngại.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép phần lớn Biển Đông của Việt Nam, nơi dòng chảy thương mại hơn 3.000 tỉ USD đi qua hằng năm.
Năm 2016, Hội đồng trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, nhấn mạnh Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu cầu quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên vượt quá các quyền mà UNCLOS quy định.
Tuy nhiên Trung Quốc bác bỏ phán quyết đó và đã xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo san hô đang tranh chấp để củng cố yêu sách của mình.
Bắc Kinh đã chỉ trích các cuộc tập trận chung của Philippines và Mỹ làm trầm trọng thêm căng thẳng và làm suy yếu sự ổn định trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ "gây ra đối đầu quân sự" và cảnh báo Philippines không đi theo "con đường sai lầm".
Tuy nhiên ông Jurney khẳng định cuộc tập trận nhằm cho "thế giới thấy rằng chúng tôi đã tiến bộ hơn và chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng làm như vậy".
"Khi chúng tôi trở nên tốt hơn, Philippines sẽ mạnh hơn, an toàn hơn và an ninh hơn", vị tướng Mỹ nhấn mạnh.
Mặc dù Philippines được trang bị vũ khí kém nhưng vị trí gần Biển Đông và Đài Loan khiến nước này trở thành đối tác quan trọng của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc.
"Mục đích của các lực lượng vũ trang, lý do chúng tôi tồn tại, thực sự là để chuẩn bị cho chiến tranh... Nếu chúng ta không chuẩn bị, đó là một sự bất lợi cho đất nước", đại tá quân đội Philippines Michael Logico nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận