Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay và Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj tại Hội nghị ASEM 11 - Ảnh: AFP |
Trong bài phát biểu, ông Yasay một lần nữa lặp lại quan điểm trước đó của Philippines về phán quyết lịch sử của vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc.
“Philippines mạnh mẽ khẳng định sự tôn trọng của mình đối với quyết định cột mốc này, xem đó như sự đóng góp cho các nỗ lực giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên thể hiện sự kiềm chế và tỉnh táo” - ông Yasay khẳng định.
Ngoại trưởng Philippines cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp giúp khôi phục lòng tin giữa các bên trong khu vực.
Cùng ngày, luật sư đứng đầu của Chính phủ Philippines Jose Calida cho biết Manila sẽ không nhượng bộ Bắc Kinh, trong bối cảnh Philippines theo đuổi việc thực hiện phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông.
Cũng liên quan tới phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vấn đề “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông, trong cuộc gặp bên lề ASEM giữa Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Abe đã kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trước đó, trong bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEM, Thủ tướng Abe cũng cho rằng Hội nghị ASEM lần này phải nêu ra vấn đề Triều Tiên và Biển Đông bên cạnh các vấn đề khác. Nhà lãnh đạo Nhật Bản nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật.
Chiều 14-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Ulan Bator.
Liên quan đến Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên cùng thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển sớm có tiến triển thực chất, đồng thời kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, thực hiện hiệu quả, toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận