Hộ chiếu Trung Quốc - Ảnh: CHINA DAILY
Tờ Inquirer dẫn lời người phát ngôn Salvador Panelo của Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 6-8 thông báo quy định mới được ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. đề xuất và được thông qua trong cuộc họp tối 5-8.
Trước đó, từ năm 2012, Philippines đã cấp thị thực trên tờ rời cho du khách Trung Quốc như một hình thức phản đối hộ chiếu có in "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc trên , trong đó bao gồm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo người phát ngôn Panelo, thị thực được thiết kế lại của nước này sẽ có hình ảnh thể hiện Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này ở Biển Đông.
Thị thực mới cũng có thể được đóng trên hộ chiếu các nước khác.
Khi được hỏi liệu chính sách mới có phải nhắc nhở các du khách Trung Quốc rằng Philippines đang có tranh chấp trên với Trung Quốc trên Biển Đông, ông Panelo khẳng định "phải".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Locsin viết trên Twitter là "Ăn miếng thì trả miếng".
Ngoài ra, ông Locsin cho biết chính sách mới cũng sẽ giúp kiểm soát du khách Trung Quốc tốt hơn khi dấu thị thực được đóng thẳng lên hộ chiếu thay vì mất thời gian hơn với tờ thị trực rời. Có khoảng 3 triệu du khách từ đại lục đến Philippines trong 3 năm qua.
Ông Duterte: Đã đến lúc nói về phán quyết Biển Đông
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - Ảnh: REUTERS
Trong diễn biến khác, trước áp lực trong nước phải hành động cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, ông Duterte dự kiến thăm Trung Quốc cuối tháng này để bàn về phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016.
Người phát ngôn Panelo ngày 6-8 cho biết ông Duterte cảm thấy đã đến lúc "viện dẫn" phán quyết.
"Tổng thống nói còn nhớ trước đây tôi đã nói sẽ có lúc tôi viện dẫn phán quyết? Bây giờ đã đến lúc và đó là lý do tôi đến Trung Quốc" - ông Panelo nói. Khi được hỏi liệu hai nước có thỏa thuận khai thác dầu khí chung trên Biển Đông, ông Panelo cho biết "hãy chờ xem".
Tòa trọng tài quốc tế theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) ngày 12-7-2016 xác định: "không thực thể nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra những vùng biển mở rộng…", bác bỏ cái gọi là quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông.
Đây là phán quyết có giá trị ràng buộc đối với các bên liên quan là thành viên công ước, và là một tiền lệ có lợi không chỉ cho Philippines mà còn cho cộng đồng khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, trong 3 năm đầu nhiệm kỳ, ông Duterte vấp phải nhiều chỉ trích khi phớt lờ phán quyết và nhiều lần giải thích rằng Manila không thể đối đầu với Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận