TTCT - Philippines vẫn tiếp tục mối quan hệ quốc phòng truyền thống với Mỹ, song bên cạnh đó cũng đã mở ra nhiều mối quan hệ khác, hình thành "chính sách đối ngoại linh hoạt" nhằm thích ứng với diễn biến tình hình mới. Ảnh: Nikkei AsiaChính sách đó là nhằm xử lý những mối đe dọa phức tạp hơn, và cả sự suy giảm thực lực của đồng minh cố cựu.Thăng trầm trong quan hệ đồng minhTất nhiên, hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Philippines, vốn được thiết lập từ khi ký kết Hiệp ước Phòng vệ hỗn hợp (Mutual Defense Treaty, MDT) vào năm 1951, vẫn còn đó dưới dạng Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (Enhanced Defense Cooperation Agreement, EDCA), ký năm 2014, nhằm vớt vát lại "tổn thất" từ vụ Thượng viện Philippines năm 1991 bác bỏ việc gia hạn Hiệp định Căn cứ quân sự ký năm 1947, tống tiễn quân đội Mỹ khỏi nước này. Giá trị các căn cứ ở Philippines từng là rất cao trong thập niên 1980, song cũng chóng vánh giảm sau khi Liên Xô sụp đổ.Shawn D. Harding, trong bài phân tích trên USNI (Viện Hải quân Mỹ) 5-4-2024 giải thích lý do: "Do sự hiện diện ngày càng tăng của hải quân Liên Xô ở Đông Nam Á suốt những năm 1980, các căn cứ của Philippines có tầm quan trọng to lớn với chiến lược ngăn chặn của Hoa Kỳ... Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ và Chiến tranh lạnh kết thúc, mối đe dọa này đã biến mất... Các lợi ích an ninh hỗ tương hầu hết không còn".Một biến cố khác góp phần khởi động việc Mỹ đóng cửa căn cứ ở Philippines. Ngày 15-6-1991, các căn cứ hải quân Subic và không quân Clark còn bị tro bụi của núi lửa Pinatubo vùi lấp. Trong bầu không khí "tro bụi" đó, Mỹ, sẵn không còn nhu cầu đối phó với Liên Xô, rút quân. Giảm dần từ khoảng 15.000 quân đồn trú tại Philippines những năm 1980, đến tháng 9-1991 sau khi di tản và đóng cửa căn cứ Clark, còn hơn 7.700. Cuối cùng, vào ngày24-11-1992 chỉ còn 28 thành viên nhóm Hỗ trợ quân sự chung tại Đại sứ quán Mỹ ở Manila. Dông dài để thấy quan hệ Philippines - Mỹ nồng nàn hay nguội lạnh tùy thuộc các nhu cầu của mỗi bên và tình hình chung nữa.Mối quan hệ này như vậy mang ý nghĩa "đổi chác" như Shawn D. Harding dẫn ở trên nhận xét: "Từ góc độ của Philippines, việc thương thuyết các căn cứ chỉ còn hầu như là một vụ chuyển nhượng thương mại... Còn với Mỹ, các nhà thương thuyết tròn xoe mắt trước giá cả quá cao mà lại bị hạn chế hoạt động, không biết có xứng đáng với những lợi ích mà căn cứ có thể đem lại không".Việc quân đội Mỹ rời Philippines đã tạo ra khoảng trống sức mạnh ở Đông Nam Á. Ngay từ năm 1992, Trung Quốc ban hành Luật Lãnh hải và yêu sách đất liền gần kề, tuyên bố quyền tài phán với hầu hết Biển Đông.Ba năm sau, Trung Quốc lần đầu tiên khẳng định yêu sách của mình bằng cách chiếm giữ dải san hô Mischief Reef (Đá Vành Khăn), lúc đó Philippines đang kiểm soát.Mãi tới vụ khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996, Mỹ mới thực sự lo ngại về mối đe dọa Trung Quốc và "lần đầu tiên sau bốn thập niên, Mỹ và Philippines đã phát triển cảm nhận chung về mối đe dọa từ một cường quốc khu vực đang phát triển nhanh chóng và quyết đoán", cũng theo lời Shawn D. Harding.Từ đó hợp tác an ninh Philippines - Mỹ hồi sinh mà cột mốc là EDCA 2014, vốn cho phép sự hiện diện luân phiên tăng cường của quân đội Hoa Kỳ tại các địa điểm đã được đồng thuận là các căn cứ không quân Antonio Bautista (Puerto Princesa, Palawan), Lumbia (Cagayan de Oro, Mindanao), Basa (Floridablanca, Pampanga), Mactan-Benito Ebuen (Cebu) và pháo đài Magsaysay (Nueva Ecija).Toàn cảnh căn cứ Subic năm 1970. Bên trái là sân bay quốc tế Subic. Ảnh: WikipediaChính sách quan hệ đa phươngTừ khi tổng thống Ferdinand Marcos Jr. kế vị ông Rodrigo Duterte vào tháng 6-2022, chính sách đối ngoại và quốc phòng của Philippines đã trở nên cân bằng hơn. Ông Marcos Jr. chủ trương giảm dần ưu tiên quan hệ với Bắc Kinh của người tiền nhiệm, nối lại quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ, đồng thời mở ra nhiều quan hệ hợp tác khác, kể cả quân sự.Trong lần xuất hiện quốc tế đầu tiên tại Diễn đàn Kinh tế Davos 2023, ông Marcos Jr. đã đưa ra chính sách đối ngoại không chọn phe, East Asia Forum 21-1-2023 thuật lại kèm theo bình luận: "Chính sách đối ngoại linh hoạt cho phép các quốc gia uốn cong theo chiều gió để tồn tại, thích nghi với thực tế địa chính trị đang thay đổi".Gần hai năm sau nữa, hãng tin tình báo chiến lược Stratfor 29-4-2024 tóm lược chọn lựa mới của Philippines thời Marcos Jr.: "Manila đã nhanh chóng củng cố lại hợp tác an ninh với Mỹ... Nhưng Philippines, một đồng minh hiệp ước của Mỹ và từ lâu là thành phần chủ chốt của cấu trúc an ninh Mỹ tại châu Á, không tập trung các mối quan hệ an ninh duy nhất vào Washington". "Thay vào đó, Manila cũng đang mở rộng quan hệ quốc phòng và an ninh với các nước láng giềng Indonesia và Việt Nam, các cường quốc trong khu vực (bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc) và các nước châu Âu như Pháp và Đức".Gần đây nhất, hôm 8-7 Philippines và Nhật Bản đã ký hiệp ước quốc phòng quan trọng cho phép triển khai lực lượng Nhật Bản tham gia các cuộc tập trận chung tại Philippines và lực lượng Philippines vào Nhật Bản để huấn luyện chiến đấu chung (Kyodo News 8-7). Thông tấn xã Philippines PNA nhấn mạnh hiệp ước đã tháo gỡ một hạn chế lớn lao trước đó: quân đội Nhật Bản trước đó vốn chỉ có thể tham gia các nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai nhưng giờ có thể tham gia tập trận quân sự chung ở nước ngoài, cụ thể là Philippines.Hiệp ước cũng là minh chứng cho câu sáo ngữ "không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn, mà chỉ có lợi ích vĩnh viễn", bất chấp vướng mắc quá khứ hay ý thức hệ. Nếu Nhật Bản là kẻ thù cũ nay hóa thành đồng minh, thì đồng minh từ Thế chiến II của Philippines là Úc nay càng hợp tác chặt chẽ hơn. Hai bên đã ký biên bản ghi nhớ lâu đời về hợp tác quốc phòng từ năm 1995 và Thỏa thuận về Quy chế lực lượng thăm viếng năm 2012. Đến năm 2022, hai bên ký thêm Thỏa thuận Hỗ trợ hậu cần lẫn nhau và biên bản ghi nhớ về hợp tác và hậu cần trong công nghiệp quốc phòng.Không dừng lại ở các nước trong khu vực, Philippines còn có những đối tác rất mới mẻ, như Thụy Điển. The Defense Post 28-5 loan tin Manila và Stockholm đã ký thỏa thuận hỗ trợ Philippines mua sắm thiết bị quốc phòng từ Thụy Điển, mà cơ bản là máy bay chiến đấu đa năng cho không quân. Ký kết với Thụy Điển là thí dụ cho thấy không quân Philippines không chỉ thấy trên trần đời có mỗi chiến đấu cơ F- hay Su-, mà còn có Saab JAS 39 Gripen. Đầu óc linh hoạt bắt đầu chính từ rời bỏ "độc bản truyền thống".The Defense Post còn chú thích cuối bản tin rằng Philippines đã đưa tên lửa hành trình BrahMos của Ấn Độ và trực thăng T129 ATAK của Thổ Nhĩ Kỳ vào sử dụng. Cũng có tin Canada, Pháp, New Zealand đang đàm phán hiệp ước quốc phòng hỗ tương với Philippines (ABS - CBN News 22-7).■ Tags: PhilippinesĐại sứ quán MỹHợp tác quốc phòngQuan hệ hợp tácCăn cứ hải quân
Trực tiếp: Tình hình giao thông cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 24/01/2025 Mời quý bạn đọc xem tình hình giao thông tại cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 (25 tháng Chạp). Nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết.
Vì sao tuyển Việt Nam không còn mặn mà với sân Mỹ Đình? NGUYÊN KHÔI 24/01/2025 Thật khó tưởng tượng sân vận động quốc gia lại không phải là lựa chọn số 1 của đội tuyển Việt Nam. Nhưng điều đó lại đang đúng với sân Mỹ Đình (Hà Nội).
Thông tin mới về yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh, huyện THÀNH CHUNG 24/01/2025 Việc công bố các quyết định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh, huyện sẽ được thực hiện từ ngày 18 đến 20-2-2025.
TikToker Nam 'Birthday' nhận sai: 'Tôi đã say rượu. Xin khoan hồng cho tôi' HỒNG QUANG 24/01/2025 Bùi Phương Nam cho rằng do đã say rượu, mất kiểm soát, không làm chủ được bản thân nên có hành động sai trái.