Ngày 9-7, Philippines bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh tố tàu chiến cũ nát BRP Sierra Madre của Manila tại bãi Cỏ Mây đã gây thiệt hại cho hệ sinh thái san hô trong khu vực, theo Hãng tin Reuters.
Trong một tuyên bố, Lực lượng đặc nhiệm Philippines về Biển Đông đã kêu gọi thực hiện cuộc đánh giá khoa học về nguyên nhân gây thiệt hại cho rạn san hô ở Biển Đông. Cuộc đánh giá này cần độc lập và do bên thứ ba phụ trách.
"Trung Quốc chính là nước bị phát hiện đã gây thiệt hại không thể khắc phục đối với san hô. Trung Quốc đã gây ra thiệt hại không thể kể xiết cho môi trường biển, và gây nguy hại cho môi trường sống tự nhiên cũng như sinh kế của hàng ngàn ngư dân Philippines" - Lực lượng đặc nhiệm Philippines về Biển Đông cáo buộc.
Trước đó một ngày, hôm 8-7, Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc cho rằng tàu chiến của Philippines đã được đưa vào khu vực quanh bãi Cỏ Mây trong một thời gian dài, và "điều này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến sự đa dạng, ổn định và bền vững của hệ sinh thái san hô".
Cáo buộc của Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh thời gian gần đây căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông, đáng chú ý là quanh bãi Cỏ Mây, với các vụ va chạm giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu tiếp tế Philippines.
Nằm trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bãi Cỏ Mây cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 1.000km.
Philippines đã để tàu BRP Sierra Madre mắc cạn vào năm 1999 để duy trì yêu sách lãnh thổ của họ đối với bãi Cỏ Mây. Trên con tàu rỉ sét này có một lực lượng nhỏ của Philippines đang đồn trú.
Trong khi đó, Trung Quốc đã nạo vét cát và san hô để bồi đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Lực lượng đặc nhiệm Philippines về Biển Đông nói rằng họ có bằng chứng cho thấy Trung Quốc gây ra "thiệt hại nghiêm trọng đối với san hô" tại một số khu vực ở Biển Đông, gồm cả bãi cạn Scarborough và bãi Sa Bin.
Năm ngoái, Philippines cho biết nước này đang xem xét các phương án pháp lý chống lại Trung Quốc. Họ cáo buộc Bắc Kinh phá hủy các rạn san hô trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông, cáo buộc mà Bắc Kinh đã bác bỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận