01/02/2019 08:59 GMT+7

Philippe Troussier: Tôi bị thuyết phục bởi kế hoạch World Cup của PVF

HUY ĐĂNG thực hiện
HUY ĐĂNG thực hiện

TTO - Một ngày ở PVF của tôi thú vị hơn khi có cơ hội trò chuyện cùng HLV người Pháp lừng danh Philippe Troussier - người đang đảm nhiệm vai trò giám đốc kỹ thuật cho học viện đào tạo bóng đá này.

Philippe Troussier: Tôi bị thuyết phục bởi kế hoạch World Cup của PVF - Ảnh 1.

HLV người Pháp lừng danh

Đó thật ra là một cuộc phỏng vấn tình cờ, hoàn toàn không lên kế hoạch trước. Là một chiến lược gia tên tuổi tầm cỡ thế giới, ông Troussier khó tiếp cận ngay cả với giới truyền thông quốc tế. Việc HLV người Pháp này nhận lời đến PVF làm việc cách đây nửa năm cũng thật sự bất ngờ.

* Điều gì khiến ông chấp nhận đến VN làm giám đốc kỹ thuật cho PVF?

- TROUSSIER: Thật lòng tôi không biết gì nhiều về PVF lẫn bóng đá VN cho đến trước tháng 4-2018. Khi đó tôi vẫn đang làm HLV ở Trung Quốc, và lời đề nghị làm giám đốc kỹ thuật cho một học viện bóng đá trẻ vì vậy khá kỳ lạ với tôi. 

Lúc đó, thực sự tôi thích công việc HLV trưởng một đội tuyển quốc gia hơn. Nhưng rồi PVF thuyết phục tôi vì kế hoạch của họ. Họ có một kế hoạch với mục tiêu giúp bóng đá VN tham dự World Cup 2026 và rất chi tiết. Tôi thích những công việc có tính rõ ràng như vậy.

Cũng qua công việc này, tôi có thể học hỏi nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn. Dù là HLV trưởng hay giám đốc kỹ thuật cho một học viện, công việc của tôi vẫn sẽ giống như một nhạc trưởng trong dàn nhạc. Mọi người đều phải thể hiện tài năng của mình và tôi lĩnh xướng. 

Điểm khác biệt là trước đây công việc HLV trưởng của tôi giống như xây phần mái nhà, còn bây giờ là xây phần nền móng.

* Điều kiện làm việc ở PVF như thế nào, ông có gặp khó khăn gì hay không?

- Mọi thứ ở đây rất tuyệt. Tôi đã đi qua nhiều quốc gia ở châu Á, từ Nhật Bản, Qatar cho đến Trung Quốc và phải thừa nhận PVF là một học viện bóng đá có chất lượng hàng đầu châu lục lúc này. 

Mọi công nghệ ở đây đều tối tân. Về ăn ở, cơ sở hạ tầng có thể nói là 4 sao, mặt tổ chức, vận hành là 5 sao, mặt sân tuy cần cải thiện thêm nhưng như vậy vẫn là rất tuyệt với một học viện. Ngoài ra, đội ngũ làm việc ở đây cũng rất tốt, họ có kỷ luật và tinh thần sẵn sàng cho công việc.

Tôi không hề nghĩ làm việc ở VN sẽ khó khăn hơn ở bất cứ đâu. Không có công việc nào là dễ dàng cả, mọi thử thách trong bóng đá đều như nhau. Cũng không ai là có chân lý cả, mỗi người đều có triết lý của riêng mình.

* Ông đánh giá như thế nào về chất lượng bóng đá của VN?

- Ở VN cũng như ở Nhật hay ở Trung Quốc, đều có những vấn đề về văn hóa, về nguồn lực. Nhưng cả thế giới đều chơi cùng một loại luật bóng đá, không có sự khác biệt gì đáng kể cả. 

VN có nền văn hóa bóng đá khá lâu đời, nhưng mặt thành tích còn rất non trẻ. Trong nhiều năm qua, bóng đá VN đã có khá nhiều học viện bóng đá, cũng đạt được một số thành tích, nhưng bóng đá VN vẫn còn thiếu bản sắc, thiếu niềm tin vào bản thân mình.

Theo tôi quan sát, các cầu thủ VN khi nghe thấy mình gặp phải một đối thủ mạnh, họ luôn cảm thấy khó có thể thi đấu sòng phẳng với đối thủ được, và phải trông chờ vào những điều gì đó rất phức tạp để giành chiến thắng. Hãy nhìn vào Mexico ở châu Mỹ. 

Họ chỉ là một nền bóng đá ở mức trung bình khá, nhưng khi đội tuyển của họ phải chạm trán những đối thủ mạnh như Brazil chẳng hạn, Mexico không bao giờ sợ hãi và tự tin chơi thứ bóng đá của mình. Tôi muốn VN trở thành một Mexico của châu Á.

* Quãng thời gian thành công với bóng đá Nhật liệu có giúp ích nhiều cho ông ở VN?

- Chắc chắn là có. Ở Nhật thì mọi thứ đều tốt, họ không có bất kỳ vấn đề nào về mặt công nghệ, cơ sở hạ tầng, kỷ luật của cầu thủ. Nhưng vấn đề của người Nhật là tính tập thể quá cao. 

Tất nhiên, tinh thần tập thể luôn rất tốt, nhưng tính tập thể quá mức của người Nhật khiến họ đánh mất cái tôi. Các cầu thủ Nhật không sẵn sàng đột phá trên sân bóng.

Ở VN cũng khá tương tự về mặt này, luôn có nhiều khuôn khổ trong công việc. Khi mới đến đây, tôi thật ra khá bất ngờ vì tinh thần thi đấu quyết liệt của các cầu thủ. Họ cũng có nền tảng kỹ thuật tốt. 

Nhưng cơ bản là các cầu thủ khi ra sân luôn chờ một chỉ đạo để thực hiện theo, họ thiếu cá tính. Có được tính tập thể giúp chúng ta hoàn thành 60% công việc rồi, và nếu muốn thật sự thành công, đôi khi chúng ta phải tự đưa ra những quyết định đột phá.

Phù thủy trắng

Biệt danh "phù thủy trắng" của ông Troussier đến trong khoảng thời gian ông làm việc ở châu Phi. Suốt giai đoạn từ 1989-1998, chiến lược gia người Pháp lần lượt làm việc qua bốn quốc gia châu Phi là Bờ Biển Ngà, Nigeria, Burkina Faso và Nam Phi.

Chưa kể vào năm 2005 ông còn dẫn dắt tuyển Morocco. Nhưng quãng thời gian thành công nhất trong sự nghiệp của ông Troussier là khi ông nắm quyền tuyển Nhật giai đoạn 1998-2002. Dưới sự dẫn dắt của ông Troussier, tuyển Nhật lần đầu tiên giành vé vượt qua vòng bảng một kỳ World Cup vào năm 2002.

HLV Pháp Troussier: Điểm yếu của Nhật là tinh thần tập thể quá cao

TTO - Philippe Troussier - HLV người Pháp lừng danh từng dẫn dắt tuyển Nhật - đã nhận xét như vậy về cuộc đấu giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày 24-1.


HUY ĐĂNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên