23/09/2020 13:17 GMT+7

‘Phiên bản’ Hội đình Chèm của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đạt mức giá kỷ lục gần 1 triệu đô tại Pháp

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Bức tranh được cho là phiên bản thứ ba của tác phẩm Hội đình Chèm của họa sĩ mỹ thuật Đông Dương Nguyễn Văn Tỵ vừa được đấu giá kỷ lục gần 1 triệu đôla tại Paris. Đây là mức giá kỷ lục của tác giả này trên toàn thế giới.

‘Phiên bản’ Hội đình Chèm của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đạt mức giá kỷ lục gần 1 triệu đô tại Pháp - Ảnh 1.

Bức Hội đình Chèm vừa được đấu giá gần 1 triệu USD tại nhà đấu giá Drouot - Ảnh: Drouot

Bức tranh là tác phẩm "đinh" của phiên đấu giá Indochine, mythes et réalités (Đông Dương, huyện thoại và hiện thực) của nhà đấu giá Drouot ngày 22-9 tại Paris (rạng sáng 23-9 giờ Việt Nam). Tranh đạt mức giá 832.000 euro, tương đương 974.000 USD, gần 22,6 tỉ đồng.

Đây là mức giá kỷ lục của tác giả này trên toàn thế giới và là mức giá kỷ lục của họa sĩ Việt Nam trên sàn đấu giá công khai tại châu Âu.

Nhưng điều đáng chú ý là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đang trưng bày bức Hội đình Chèm này với phiên bản chỉ có 3 trong tổng số 5 tấm (thất lạc 2 tấm).

Theo giới thiệu của nhà đấu giá Drouot (được đánh giá là nhà đấu giá uy tín nhất ở Pháp), bức tranh họ đấu giá là phiên bản thứ 3 của tác phẩm Hội đình Chèm của họa sĩ mỹ thuật Đông Dương Nguyễn Văn Tỵ và là phiên bản duy nhất có đầy đủ cả 5 tấm, kích thước 98x245cm, được tác giả sáng tác năm 1942.

Bức tranh được một bác sĩ phẫu thuật người Pháp làm việc tại một bệnh viện ở Hải Phòng thời thuộc địa mua trong triển lãm hằng năm của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sau đó được đưa về lưu giữ trong gia đình này ở Paris cho đến khi được mang ra đấu giá.

Theo Drouot, bức tranh đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính là phiên bản thứ hai, đề năm 1940, chỉ còn lại ba trong số năm tấm ban đầu.

Phiên bản đầu tiên thì chỉ còn một tấm.

Về việc tồn tại nhiều phiên bản của tác phẩm Hội đình Chèm, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, nhà nghiên cứu mỹ thuật Đông Dương Ngô Kim Khôi nói ông không được nhìn thấy tận mắt bức tranh nên khó có ý kiến về chuyện thật giả, nhận định sơ khởi qua hình ảnh thì ông cho rằng bức tranh vừa được đấu giá gần triệu đô này quá mới, các chi tiết trên mặt, trên lá cây, trên áo dài của tranh quá rõ ràng so với tuổi đời từ năm 1942 của nó.

Tuy nhiên, ông Khôi cũng nói, với giá tranh quá lớn như vậy thì người mua "chắc phải được cố vấn", tìm hiểu kỹ.

‘Phiên bản’ Hội đình Chèm của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đạt mức giá kỷ lục gần 1 triệu đô tại Pháp - Ảnh 2.

Tác phẩm Hội đình Chèm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chỉ còn 3 tấm - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến (người có nhiều năm công tác tại Viện Mỹ thuật Việt Nam, và sau đó là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) cho biết bà nằm trong nhóm cán bộ của Viện Mỹ thuật Việt Nam đã mua bức tranh sơn mài Hội đình Chèm cho Viện Mỹ thuật từ một gia đình tư nhân ở Hà Nội. Tuy nhiên, bức tranh bình phong với 5 tấm này đã bị thất lạc mất 2 tấm. Tấm có ghi chữ ký và niên đại của bức tranh lại nằm trong số tấm bị thất lạc.

Bà Yến từng gặp, trao đổi với họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ khi ông còn sống và được tác giả xác nhận bức tranh trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là tranh gốc của họa sĩ và "ông nói ông chỉ vẽ một bức này thôi".

Tuy nhiên, bà Yến cũng nói có thể trong quá trình sáng tác thì họa sĩ có thể tạo ra một số phiên bản.

Hoặc cũng không loại trừ trường hợp tranh bị làm giả và tạo hồ sơ tranh là "từ bộ sưu tập cá nhân", giống như trường hợp 17 bức tranh trở về từ châu Âu, cũng theo con đường "sưu tập trong các gia đình" nhưng nhiều tác phẩm lại là tranh được chế tác giả.

Còn để thẩm định thật - giả với tranh sơn mài thì một trong những điều kiện cần là phải biết được mặt tranh để xem độ bay màu của sơn mài, phong cách vẽ của tác giả, sức khỏe, niên đại của tranh…

Phiên đấu giá còn đấu giá các tác phẩm của Lê Thị Lựu, Lê Văn Xương, tượng bán thân vua Khải Định, nhiều đồ gốm quý thời Nguyễn…

Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ học tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 2001, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vì những đóng góp cho nghệ thuật. Ông có nhiều tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Dù có thể còn có những nghi vấn xung quanh chuyện tranh thật tranh giả với bức Hội đình Chèm, nhưng đây là một tin vui với thị trường mỹ thuật Việt Nam.

Trước đó, Việt Nam đã có hai họa sĩ có tranh đạt mức giá triệu đô trên sàn đấu giá công khai là Lê Phổ, Tô Ngọc Vân. Trong phiên đấu giá Thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại diễn ra tại Christie’s Hong Kong ngày 26-5-2019, bức Khỏa thân của Lê Phổ đã được bán 10.925.000 HKD, tương đương 1,4 triệu USD, hơn 32,3 tỉ đồng (mức giá kỷ lục của họa sĩ này và mức giá kỷ lục của các tác giả Việt); và bức Les Désabusées (Vỡ mộng) của Tô Ngọc Vân đã bán hơn 27 tỉ đồng, hơn 1,1 triệu USD.

Dế mèn phiêu lưu ký phiên bản tranh Đậu Đũa mừng 100 năm ngày sinh Tô Hoài Dế mèn phiêu lưu ký phiên bản tranh Đậu Đũa mừng 100 năm ngày sinh Tô Hoài

TTO - Dế mèn phiêu lưu ký do nữ họa sĩ Đậu Đũa vẽ minh họa là ấn bản độc đáo trong chuỗi sự kiện do NXB Kim Đồng tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Tô Hoài (27-9-1920 - 27-9-2020).

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên