16/10/2017 14:56 GMT+7

Phía trước là thiên đường ăn chơi, phía sau là địa ngục ổ chuột

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Nhắc đến Rio de Janeiro người ta thường chỉ nhớ đến những bãi biển đầy ánh nắng và những người đẹp bốc lửa. Họ quên rằng phía bên trong thành phố còn có những địa ngục của súng đạn và ma túy.

Phía trước là thiên đường ăn chơi, phía sau là địa ngục ổ chuột - Ảnh 1.

Các binh sĩ triển khai tuần tra tại khu Rocinha ngày 10-10-2017 - Ảnh: AFP

Trùm Antônio vào tù, đàn em Rogerio trở mặt, cảnh đấu súng xảy ra triền miên. Trong gần nửa tháng, quân đội đã hai lần triển khai chiến dịch tuần tra

Sau khi xảy ra vụ đấu súng giành địa bàn giữa nhóm của bà trùm Danúbia de Souza Rangel và nhóm của tên Rogério Avelino da Silva (bí danh Rogerio 157) ngày 17-9-2017, báo Folha de Sao Paulo đã đăng trên trang nhất tiêu đề "Cơn điên loạn đã trở lại Rio".

Ban đầu các nhóm ma túy đấu súng với nhau. Sau khi cảnh sát can thiệp, chúng đấu súng với cảnh sát. Chúng còn táo tợn tấn công trụ sở Đơn vị Cảnh sát bình định (UPP).

Rocinha như bãi chiến trường  

Người dân khu ổ chuột Rocinha đóng cửa không dám ra ngoài. Một phụ nữ nói với hãng tin AFP rằng trong 43 năm sống tại khu này, bà chưa từng nhìn thấy cảnh nào khủng khiếp như bây giờ. Rocinha như bãi chiến trường. Xe buýt và xe mô tô bị đốt cháy bên đường. Khói bốc lên tại nhiều nơi. Tường lỗ chỗ vết đạn bắn.

Các vụ đấu súng kéo dài sang ngày thứ năm liên tiếp buộc ông Luiz Fernando Pezao - thống đốc bang Rio de Janeiro, phải yêu cầu quân đội giúp đỡ. Ngay sau đó, 950 binh sĩ cùng nhiều xe bọc thép đã được triển khai đến khu Rocinha yểm trợ cho cảnh sát.

Quân đội bố trí xe bọc thép và xe quân sự ở lối vào khu Rocinha hoặc trên các con phố chính. Các toán binh sĩ luân phiên tuần tra. Báo chí, phát thanh, truyền hình liên tục nói đến tình trạng chiến tranh tại Rocinha.

Một tuần sau khi triển khai, quân đội rút khỏi khu Rocinha. Các trường học mở cửa trở lại. Chợ búa sinh hoạt trở lại bình thường.

Bộ trưởng Quốc phòng Raul Jungmann phát biểu rất lạc quan trên đài truyền hình TV Globo: "Lúc cảnh sát kêu gọi quân đội tăng viện hôm 22-9-2017, chúng ta đang sống trong tình trạng chiến tranh. Bây giờ thì không còn nữa. Rocinha đã được bình định".

Ông giải thích nguyên nhân quân đội rút đi vì tên Rogério đã trốn khỏi địa bàn sang khu ổ chuột khác.

Phía trước là thiên đường ăn chơi, phía sau là địa ngục ổ chuột - Ảnh 2.

950 binh sĩ triển khai tại khu ổ chuột Rocinha ngày 22-9-2017 - Ảnh: AFP

Nhà báo Fanny Lothaire - đặc phái viên kênh truyền hình France 2 tại Rio de Janeiro, ghi nhận rằng người dân ở đây rất ngạc nhiên vì không quen với sự hiện diện của quân đội. Mỗi lần các binh sĩ đi tuần tra người dân lại nhìn chằm chằm.

Người dân cho rằng quân đội mang đến cảm giác an toàn nhưng đó không phải là giải pháp lâu dài. Chị Michele Silva bộc bạch: "Quân đội không hiểu rõ khu ổ chuột và cuộc sống thực tế của chúng tôi".

Chúng ta không thể thiết lập chính sách an ninh bằng cách điều động 1.000 binh sĩ đến các khu ổ chuột. Họ không hiểu rõ địa bàn và quá đắt khi đưa họ đến đó. Khi quân đội rút đi, các nhóm ma túy sẽ trở lại và lại mua bán cocain"

Misha Glenny - Nhà báo người Anh chuyên mảng về tội phạm

Đúng như ông đánh giá, sau khi 950 binh sĩ rút đi, 500 cảnh sát đã được triển khai tuần tra nhưng các vụ đấu súng vẫn diễn ra. Ngày 10-10, tức chưa đầy hai tuần sau khi rút đi, quân đội đã quay trở lại lần nữa. Khoảng 1.000 binh sĩ và cảnh sát lại mở chiến dịch tuần tra quy mô.  

Dân cần y tế, giáo dục nhưng chỉ thấy súng đạn

Nhà báo Anh Misha Glenny nhận xét trước đây dưới thời bố già Lulu và trùm Antônio, dù bạo lực vẫn tồn tại nhưng tình hình an ninh vẫn được kiểm soát. Không có vụ đụng độ lớn nào xảy ra.  

Bây giờ tình hình hỗn loạn khắp nơi. Gần như ngày nào cũng xảy ra đấu súng giữa các băng nhóm. Trẻ em chết do đạn lạc mỗi khi cảnh sát bố ráp. Các vụ cướp có súng tăng vọt.

Cảnh sát UPP chính thức được triển khai ở khu Rocinha năm 2012. Song đến nay hoạt động của cảnh sát bình định không hiệu quả trong khi ngân sách an ninh bị cắt xén và được cấp chậm trễ. Họ mệt mỏi về tâm lý và cảm thấy e ngại trước các băng nhóm trang bị súng ống ngày càng hiện đại.

Nhà báo Misha Glenny giải thích: "Vai trò của cảnh sát UPP tại Rocinha rất mơ hồ nhất là sau vụ UPP tra tấn đến chết người dân tên Amarildo vào tháng 7-2013 trong khi người này chẳng liên quan gì đến ma túy".

Tại Rocinha, cảnh sát bình định không dám đi vào các con hẻm vì sợ đụng độ với các băng nhóm ma túy. Khi có chiến dịch họ mới dám tuần tra.

Cảnh sát bình định mất hết uy tín. Người dân không tin cảnh sát bình định. Họ chỉ còn dám tuần tra trên các con đường chính ở Rocinha"

Nhà báo Misha Glenny

Phía trước là thiên đường ăn chơi, phía sau là địa ngục ổ chuột - Ảnh 5.

Cảnh sát và nhà báo (người nằm) trong một vụ chạm súng ngày 22-9-2017 tại khu Rocinha - Ảnh: AP

Đúng ra cảnh sát bình định còn giữ vai trò thực hiện các dự án về giáo dục, y tế, xã hội. Tuy nhiên, do Brazil rơi vào khủng hoảng tài chính nên các dự án đều dở dang. Thậm chí thư viện trên con đường chính ở Rocinha cũng đóng cửa.

Chị Michele Silva bộc bạch: "Tôi đánh giá không cao các dự án của UPP. Họ không bao giờ cùng chung sống với dân. Chúng tôi muốn y tế, giáo dục, muốn được tôn trọng và quan tâm. Còn họ chỉ mang đến súng đạn, bạo lực và trấn áp".

Nhà báo Misha Glenny nhận xét: "Cần phải có những giải pháp chính trị lâu dài, nhưng nếu nhìn vào bối cảnh chính trị hiện nay ở Rio de Janeiro và thủ đô Brasilia, chuyện này chắc không thể đến ngay được". 

Các trở ngại là bộ máy hành chính nhũng lạm, bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế. Cuộc chiến ở khu ổ chuột Rocinha chắc chắn chưa dừng lại.

Thân phận những ông trùm

Denis Leandro da Silva (biệt danh Dênis da Rocinha) tự xưng là trùm ma túy đầu tiên tại khu ổ chuột Rocinha. Dênis bị bắt vào tháng 7-1987 và chết trong nhà tù đầu tháng 1-2001 trong tư thế treo cổ.

Bố già Luciano Barbosa da Silva (biệt danh Lulu) đứng ra thay thế trùm Denis nhưng đã bị lực lượng đặc nhiệm tiêu diệt trước lễ Phục sinh năm 2004.

Erismar Rodrigues Moreira (biệt danh "Bem-Te-Vi"), trùm băng Amigos dos Amigos, nắm quyền cũng chỉ được một năm thì bị tiêu diệt.

Sau đó, đến lượt Antônio Francisco Bonfim Lopes (biệt danh Nem) cát cứ cho đến ngày bị bắt 9-11-2011.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên