13/02/2023 09:50 GMT+7

Phía trước có người đợi, sau lưng có người nhìn

Tôi từng viết: "Đời người phụ nữ thường có ba ngôi nhà: nhà mình, nhà mẹ và nhà chồng. Ngôi nhà nào cũng có phận sự để lo toan nhưng nhà mẹ luôn là nơi bình yên nhất để những đứa con khao khát được trở về".

Phía trước có người đợi, sau lưng có người nhìn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa tác giả cung cấp

Xưa nay con gái xuất giá tòng phu, ấy thế nhưng ngay cả khi đi lấy chồng hay lúc có nhà riêng thì với tôi nhà cha mẹ mãi mãi vẫn là nhà của mình. 

Dù cho chồng tôi vẫn hay trêu: "Em bây giờ về nhà mẹ chỉ là khách thôi" thì tôi vẫn thấy thân thuộc như xưa, chẳng có gì thay đổi. Nhà không chỉ là nơi chứa đựng những giây phút hạnh phúc hay lưu giữ ký ức tươi đẹp của mỗi thành viên trong gia đình. 

Mà quan trọng hơn nhà luôn cho ta cảm giác phía trước có người đợi, sau lưng có người dõi theo mình.

Để ta không cô đơn khi dấn thân trên chặng đường gian nan phía trước. Để ta không lạc đường trước cạm bẫy và cám dỗ trong đời sống kim tiền. Để mỗi khi mỏi mệt, chênh vênh nhất trong lòng ta thôi thúc hai chữ "về nhà".

Tôi đã từng nhiều năm sống xa nhà. Từng như cánh chim phiêu bạt những thành phố khác nhau. Từng sống trong những căn nhà trọ lụp xụp. Từng cô đơn bật khóc giữa đêm trở gió khi nghe đâu đó vọng lại tiếng gà gáy báo canh mà tỉnh giấc cứ ngỡ đang ngủ ở quê nhà. 

Tôi từng nằm lắc lư say mềm người trên những chuyến xe khách chạy thâu đêm. Từng chen chúc nhau trên những chuyến tàu hỏa ngày lễ Tết, đứng mỏi nhừ cả chân suốt chặng đường hơn trăm cây số để có thể nhìn thấy quê nhà. Khi đã đi qua quãng đời tuổi trẻ thèm bay nhảy tôi bỗng nghĩ tới những năm tháng về sau. 

Tôi sợ khi lập gia đình, có con, thì thời gian trở về nhà cha mẹ càng ít dần đi. Tôi sợ những cuộc gọi giữa đêm báo cha mẹ ốm đau mà khoảng cách khiến tôi không thể về ngay được. 

Nghĩ đến những mùa Tết chỉ có thể sum họp qua màn hình điện thoại mà thấy cay sống mũi. Nên tôi dần rút gần khoảng cách "về nhà" bằng việc yêu và lấy chồng cùng quê, chọn mua đất làm nhà gần nhà mẹ.

Dù chặng đường về nhà bố mẹ chỉ vỏn vẹn mười ba cây số nhưng niềm háo hức được trở về vẫn nguyên vẹn như xưa. Có những buổi chiều sau khi kết thúc công việc tự nhiên cơn nhớ nhà ập đến. 

Chồng đi làm vắng, mấy mẹ con đón nhau từ trường về, vơ vội mấy bộ quần áo thế là cắp nhau lên xe máy chạy trên con đường quen thuộc. Xe trôi qua thị xã, đi giữa cánh đồng và bờ đê lộng gió. 

Con gái tôi thích thú nhìn rặng cỏ lau phất phơ trên triền cát trắng dọc sông Hồng. Nhà mẹ hiện ra sau khúc ngoặt với hàng rào đủ các loại hoa. Trên cánh đồng trước nhà mấy chú bò ăn no nằm phe phẩy đuổi ruồi. 

Bóng mẹ tôi thấp thoáng đi lấy củi trên đồi đang trở về nhà trong ráng chiều nhập nhoạng. Bố tôi đặt sọt cỏ xuống sân, chùi hai tay vào bộ quần áo lao động rồi ôm cháu ngoại vào lòng nựng nịu. Tôi ngồi bệt xuống thềm nhà tận hưởng cảm giác bình yên phả ra từ mùi rêu, mùi hoa xoài khô, mùi rơm rạ mục bị lũ gà bới tung ngoài vườn. 

Tiếng cơm sôi lục bục vọng ra từ căn bếp nhỏ bám đầy bồ hóng. Tôi chui vào ngồi cùng mẹ bẻ củi lách cách, nêm nếm gia vị cho bữa tối. Tôi như đứa trẻ con nhận từ tay mẹ củ khoai hay bắp ngô nướng còn nóng hổi. Rồi vừa nhìn lũ trẻ con ăn vừa nghe mẹ kể chuyện xóm làng.

Đến một độ tuổi nào đó, khi lần lượt tiễn đưa từng người thân về thế giới bên kia, con người ta trở nên sợ hãi những mất mát mơ hồ. Có những buổi trưa về nhà ngồi nhổ tóc sâu cho mẹ ở bậc thềm, tôi ngậm ngùi nhận ra mẹ đã gần bảy mươi tuổi rồi, mình cũng đâu còn trẻ nữa. Tóc mẹ, tóc con đều có nhiều sợi bạc. 

Tôi càng thêm trân quý những lần trở về nhà còn có mẹ có cha. Nhiều khi nhớ nhà quá chỉ về thăm một lúc rồi đi. Cuộc về thăm không hề báo trước, nhà không có ai, cánh cổng khép hờ. Mở cửa vào nhà nằm ngủ một giấc trên chiếc giường thân thuộc rồi lại rời đi. 

Mà lần nào cũng giống lần nào, lúc xe trôi khỏi dốc cổng thoai thoải tôi đều thấy ngậm ngùi. Chẳng cần nhìn vào gương chiếu hậu, tôi vẫn thấy gáy mình ấm nóng bởi ánh nhìn phía sau của bậc sinh thành.

Tôi từng ví nhà của cha mẹ như là thánh địa trong tâm hồn những đứa con xa. Nó luôn tồn tại hiển nhiên như là mỗi người sinh ra đều có quê hương, trong quê hương bao giờ cũng có một ngôi nhà chờ ta dẫu qua bao mưa nắng, thăng trầm. 

Bạn tôi, trong một lần vấp ngã, một cơn tuyệt vọng đã rút ruột mà than: "Cậu còn có quê mà nhớ, có nhà để mà về, có mẹ cha để mà dựa dẫm. Tớ không còn quê hương cũng chẳng có nhà. Mẹ mất, bố đi bước nữa, anh chị em mỗi đứa một nơi. 

Nhiều đêm nằm mơ thấy căn nhà cũ ở quê, treo đầy những túm hành trong mùa thu hoạch. Ngày ấy cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc cứ nghĩ mình nghèo khổ. Lớn lên cả nhà rời quê đi xa lập nghiệp mới biết thật ra cái nghèo khổ trong tâm hồn còn đáng sợ hơn nhiều". 

Cầu mong cho những ai như bạn rồi sẽ có một ngôi nhà chờ mình sau mỗi cuộc hành trình. Hoặc chí ít tôi mong rằng ký ức về ngôi nhà thơ bé đủ ấm áp để sưởi ấm cho tâm hồn của những người như bạn. Vui cho ai còn có nhà để về, có cha mẹ ở phía sau ngóng đợi. Hãy trân quý những phút giây còn có thể ở bên nhau.

Bởi biết đâu: "Những buổi sáng thức dậy ở nhà mẹ ít dần đi trong đời / Điều thân thuộc rồi sẽ thành điều ước / Những âm thanh thường nhật rồi sẽ chỉ vang trong ký ức / Mẹ ở đây rồi cũng hóa mây trời…".

Cảm ơn hơn 630 bạn đã gửi bài Về nhà

Cuộc thi viết "Về nhà" là nơi để bạn đọc chia sẻ những cuộc trở về nhà - trở về gia đình yêu dấu của mình trong mùa xuân với những cuộc đoàn tụ đong đầy cảm xúc, để rồi từ đó ở lại hay ra đi rồi cũng hướng tới sống tốt hơn, chăm chút hơn cho gia đình và xã hội.

Cuộc thi Về nhà dành cho mọi bạn đọc trong và ngoài nước. Bài viết không quá 1.200 chữ, ưu tiên kèm ảnh hoặc video giới hạn 5 phút... và gửi về địa chỉ email [email protected].

Giải thưởng: 1 giải nhất - 20 triệu đồng, 1 giải nhì - 15 triệu đồng, 1 giải ba - 10 triệu đồng, 10 giải khuyến khích - 5 triệu đồng/giải.

Tính đến ngày 13-2, cuộc thi đã nhận được hơn 630 bài dự thi. Hạn chót nhận bài: ngày 1-3.

BAN TỔ CHỨC

Phía trước có người đợi, sau lưng có người nhìn - Ảnh 3.

Cuộc thi viết Về nhà: Cay nồng vị quêCuộc thi viết Về nhà: Cay nồng vị quê

Suốt 20 năm ròng, năm nào tôi cũng trở về đây một đôi lần, khi thì theo chị em họ hàng chăm sóc các gốc tiêu, khi bắc thang leo lên các cọc tiêu tự tay thu hoạch những chùm tiêu sai trĩu trịt trong vườn nhà.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên