16/01/2021 15:56 GMT+7

Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 6: Trang sách đầu đời thế kỷ trước

PHÚC TIẾN
PHÚC TIẾN

TTO - Thời thơ ấu, ai cũng có người thầy đầu tiên, quyển sách đầu tiên. Cả hai mở cửa cho tuổi niên thiếu đi vào thế giới tri thức nhân loại và tình cảm cộng đồng.

Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 6: Trang sách đầu đời thế kỷ trước - Ảnh 1.

Những bài học vỡ lòng thú vị, khó quên - Ảnh: PHÚC TIẾN

Trong đó, những quyển sách đầu đời thế kỷ trước vừa là kỷ vật vừa là chứng tích của những năm tháng hoa niên vào thời kỳ chưa có Internet và điện thoại thông minh. Thử tìm xem, chúng có những khác biệt, độc đáo gì so với sách vở hiện tại?

Con cóc đi học - lá sen che đầu

Sách giáo khoa thời Pháp thuộc và miền Nam trước tháng 4-1975 đang là "cổ vật" hiếm. Vậy mà, vào một buổi sáng mùa đông Hà Nội rét mướt, tôi bỗng nhận được một món quà hết sức ấm áp của luật sư Tạ Thu Phong - một trong những dân chơi sách kỳ cựu của xứ Bắc. Đó là quyển sách học vần in ở Sài Gòn năm 1966, cách đây 55 năm.

Quyển sách có tên là Đánh vần mau của nhà giáo Trịnh Tuấn Lâm. Trên bìa sách, nổi bật là hình cây đèn dầu tỏa sáng, phía sau là những trang vở ghi i-tờ. Mở đầu sách là những trang dạy chữ cái, bắt đầu bằng các nguyên âm i-u-ư, t-n-m và rồi d-đ... 

Đi kèm chữ là hình các con vật gần gũi và ngộ nghĩnh. Một "đồng hương Bàn Cờ", bác sĩ Vũ Bảo Ngọc khi nghe tôi báo có quyển Đánh vần mau, chị đã thốt lên: "Có phải là quyển sách có hình con cóc, con gà đi học che đầu bằng lá sen? Đúng rồi, đó là quyển sách học vần mẹ mình dạy mình từ năm 4 tuổi đó!".

Vâng, tôi cũng học quyển đánh vần này ở nhà và Trường mẫu giáo Minh Tâm trên đường Nguyễn Thiện Thuật. 

Và cũng không quên hình ảnh những con cóc, con gà, con chó, con thỏ, con bò, con trâu được vẽ theo lối nhân cách hóa rất ngộ nghĩnh. Lần giở 56 trang sách vỡ lòng của thế hệ mình, tôi đếm được 49 hình minh họa các sinh vật và đồ vật thường gặp thời ấy. 

Hóa ra, quyển sách đánh vần còn là "tiểu từ điển bách khoa" đầu đời về thế giới tự nhiên và cuộc sống quanh ta.

Hơn thế nữa, trong sách còn có 36 bài tập đọc với hình thức văn vần và văn xuôi, mỗi bài chưa đến 30 chữ. Chao ôi, sống động và lý thú lắm những bài viết về con ong cần mẫn, con tép ra bờ đê làm việc trong gió táp, anh em gấu khuyên nhau học tập... 

Và cảm động lắm, bài viết về người mẹ đội khăn gánh hàng đi bán "bán ế trở về", gương mặt buồn hiu.

Ngoài quyển Đánh vần mau, tôi còn có duyên tìm được một số sách học ABC, xuất bản trong khoảng những năm 1950 - 1974 ở Sài Gòn. 

Tất cả đều cho thấy sách học vần thời đó không chỉ là những bài dạy câu chữ sơ khai dễ nhớ. Đó thực sự còn là bài học đạo đức khai tâm dễ hiểu, khởi sự cho việc Học Làm Người.

Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 6: Trang sách đầu đời thế kỷ trước - Ảnh 2.

Sách Đánh vần mau và một số sách học vần, tập đọc xưa - Ảnh: PHÚC TIẾN

Tình nghĩa Giáo khoa thư

Luật sư Phong còn chơi nhiều sách giáo khoa của Nha học chính Đông Dương thời Pháp thuộc. 

Trong số này, bộ sách tiểu học hàng đầu là Quốc văn Giáo khoa thư và Luân lý Giáo khoa thư do các học giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn từ những năm 1930. Đây là bộ sách đầu đời đầy kỷ niệm nhung nhớ của nhiều thế hệ học trò từ Bắc chí Nam trước 1945.

Khoảng năm 1996, Nhà xuất bản Trẻ qua hợp tác với một tư nhân đã tìm được bản gốc bộ sách này và tái bản nhiều lần. 

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt - nguyên giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, cho biết bản thân mình biết đến Giáo khoa thư là qua... bà mẹ chồng - cụ Mạc Thị Thu Vân (sinh năm 1911, nay cụ đã qua đời). Chính bà cụ đã ru cháu ngủ bằng nhiều câu chữ và chuyện kể mộc mạc nhưng đầy ý nghĩa.

Khi bà Nguyệt hỏi mẹ chồng, mới biết lời lẽ đó được cụ nhớ lại từ sách học ngày xửa ngày xưa là Giáo khoa thư. 

Trong một dịp giao lưu sách vở nhân ngày nhà giáo năm rồi tại Đường sách TP.HCM, bà Nguyệt gợi ý tôi ráng đi tìm học trò của Giáo khoa thư để tìm hiểu thêm nhân chứng và tác dụng của sách. 

Quả là khó, tìm ở đâu bây giờ những học trò xưa như "ông Tư Cò" và "thầy phái viên" trong truyện ngắn bất hủ Tình nghĩa Giáo khoa thư của nhà văn Sơn Nam?

Buồn ngủ gặp chiếu manh, ngẫu nhiên tôi gặp được một nhân chứng sống của bộ sách "huyền thoại" này. 

Đó là nhà giáo Nguyễn Duy Tại, 87 tuổi, do bác sĩ Vũ Bảo Ngọc giới thiệu. Bác Tại, nhà ở khu Hòa Hưng, vui vẻ thuật lại chuyện học hành và sách vở từ lúc còn là học trò trường làng ở huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây cũ. 

Trường làng của bác nhỏ lắm, nghèo lắm! Chỉ có một thầy giáo dạy con trẻ cùng lúc từ vỡ lòng đến lớp 3. Học trò trường làng bác không có sách riêng. Tất cả sách học đều là sách của thầy lấy ra từ một chiếc tủ nhỏ trong phòng học. Trong đấy có quyển Quốc văn Giáo khoa thư!

Giờ học, thầy giảng bài rồi đọc cho học trò chép. Sau đấy, thầy đưa sách để từng trò lần lượt đọc to cho cả lớp cùng nghe. Đọc xong, thầy giao tất cả học trò phải học thuộc lòng từng bài trong Giáo khoa thư. 

Vậy đó, mà đến giờ bác Tại vẫn nhớ rõ nhiều bài văn và hình vẽ trong sách. Bác nhớ nhất bài văn kể rằng trong lúc trời nắng to, mấy cậu bé đang nô đùa thì thấy một ông lão đẩy "xe lợn" nặng nề trên đường dốc.

Các cậu bé liền xúm vào buộc dây vào đầu xe rồi tự mình kéo xe vượt qua dốc cao. Tựa bài văn rất chân phương là "Nên giúp đỡ lẫn nhau". 

Cuối bài, không cần thêm một lời kết luận nào cả. Và rồi, năm 1945, khi nạn đói xảy ra, bác Tại và bạn bè rủ nhau đi xin cơm cho người đói. Bác Tại nói một cách rất tự nhiên mình và các bạn đã hành xử như các cậu bé trong bài văn năm xưa!

Và Tâm hồn cao thượng

Có một quyển sách tuy ra đời chậm hơn vào năm 1943 và không phải là sách học như Giáo khoa thư. Song, quyển sách lại gắn bó với rất nhiều thế hệ và có tác dụng Học Làm Người. Bác Toại biết đến sách này thời trung học, tiến sĩ Nguyệt và bác sĩ Ngọc cũng vậy. 

Còn thế hệ chúng tôi, có nhiều người đã làm bạn với quyển sách "lạ lùng" ấy từ năm lớp 5, lớp 6. 

Đó là quyển Tâm hồn cao thượng do nhà giáo Hà Mai Anh dịch từ bản tiếng Pháp tác phẩm của nhà văn Ý Edmond De Amicis. Quyển sách được tái bản liên tục trong suốt 30 năm, trong số này tôi đã sưu tầm được bản in lần thứ ba năm 1952 tại Hà Nội.

Sách gồm 60 câu chuyện, là nhật ký sinh hoạt của cậu học trò An-Di 11 tuổi đi kèm những bức thư của người cha nhắn nhủ con mình. Đồng thời, sách có những câu chuyện lịch sử, do chính người cha kể lại cho con vào mỗi cuối tháng. 

Từng nhân vật trong gia đình và xã hội, từng câu chuyện cảm động qua lời văn dịch thuật trong sáng của Hà Mai Anh đã đem đến những tình cảm nhân ái tinh khiết, kể cả ý chí hướng thượng và lòng yêu nước nồng nàn!

Quyển sách của nhà văn De Amicis, sau tháng 4-1975, vẫn được xuất bản rộng rãi trên cả nước nhưng được dịch bởi một tác giả khác. Tuy nhiên, theo tôi, bản dịch của Hà Mai Anh tạo được ấn tượng sâu thắm và lôi cuốn nhất. 

Tôi được biết bản thân dịch giả không chỉ là nhà giáo mà còn là người tham gia biên soạn nhiều sách tiểu học ở miền Nam. Ngày xưa, bác Tại đã có lần gặp nhà giáo Hà Mai Anh nhưng chưa kịp hỏi chuyện ông dịch sách và làm sách giáo khoa như thế nào.

Tác giả Hà Mai Anh đã qua đời vào tháng 8-1975 song Tâm hồn cao thượng và nhiều tác phẩm văn chương Pháp qua bản dịch của ông vẫn luôn khắc ghi trong lòng nhiều lớp học sinh thế kỷ trước!

Trong Giáo khoa thư, có đến hơn 80 bài văn thể hiện những câu chuyện và những tình huống thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Qua đấy, sách hướng dẫn trẻ em học hành chăm ngoan, kính trọng người già, thương yêu gia đình, bè bạn và quê hương.

Theo bà Nguyệt, tuy bộ sách được Nhà xuất bản Trẻ tái bản nhiều lần nhưng bà rất tiếc việc quảng bá vẫn còn âm thầm.

Bà Nguyệt mong rằng Bộ GD-ĐT và những người làm sách giáo khoa nên nghiên cứu kỹ lưỡng bộ sách mẫu mực này để rút ra những kinh nghiệm thiết thực cho việc làm sách dạy trẻ em thời nay.

***********

Hồi ức những quyển sách đầu đời, nhiều bậc cao niên không quên nhắc đến những trang sử, trang văn thắm sâu các tấm gương oai hùng Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Quang Trung...

Kỳ tới: Hồn nước thắm sâu Quốc sử, Quốc văn

Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 5: Cuốn sách bằng vàng ròng của triều Nguyễn Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 5: Cuốn sách bằng vàng ròng của triều Nguyễn

TTO - Nghe tiếng từ lâu nhưng khi được nhìn tận mắt những cuốn sách được đúc bằng vàng ròng, chạm khắc công phu, tinh xảo, nhiều người Việt phải thốt lên: 'Mừng đến rụng tim'.

PHÚC TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên