Phía sau những cuộc đàm phán về lương

PHẠM VŨ 16/08/2016 20:08 GMT+7

TTCT - Sau mấy phiên thương lượng, Hội đồng tiền lương quốc gia (HĐTLQG) đã trình Chính phủ mức tăng lương tối thiểu năm 2017 là 7,3% trong sự không hài lòng của hầu hết các bên tham gia thương lượng: Tổng liên đoàn Lao động VN - đại diện giới công nhân, Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) - đại diện khối doanh nghiệp.

Ông Đặng Ngọc Tùng-Thanh Tùng
“Tôi rất thất vọng” - ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, phát biểu khi nghe kết quả này...

 Trên 10 năm làm chủ tịch Tổng liên đoàn, ông được biết đến là người chỉ đạo cương quyết trong những vấn đề gai góc, nhạy cảm của công nhân. Vì sao ông không hài lòng với mức tăng lương tối thiểu 7,3%?

- Cần xác định đúng bản chất của vấn đề lương tối thiểu. Khoản 1 điều 91 Bộ luật lao động quy định: “Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường, và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.

Vậy lương tối thiểu hiện tại đã bằng mức sống tối thiểu chưa? Cần điều chỉnh như thế nào là theo chủ trương đường lối của Chính phủ: Chính phủ quyết định, HĐTLQG chỉ tư vấn.

Ở bất cứ quốc gia nào cũng vậy: Nếu lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu sẽ duy trì mối quan hệ bình đẳng giữa các giai cấp, giai tầng trong xã hội; nếu lương tối thiểu lớn hơn mức sống tối thiểu sẽ nâng cao đời sống của người lao động (NLĐ), nhân dân, doanh nghiệp (DN) phát triển; nếu lương tối thiểu nhỏ hơn mức sống tối thiểu sẽ bần cùng hóa NLĐ, để chủ DN bóc lột sức lao động của NLĐ.

Ở VN, theo kết quả nghiên cứu của Viện Công nhân và công đoàn, hiện lương tối thiểu chỉ đạt 78-80% mức sống tối thiểu.

Thực hiện đúng luật lao động thì đáng lẽ từ tháng 7-2013, Chính phủ đã quy định lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu. Nhưng chia sẻ với khó khăn của DN, tình hình kinh tế khó khăn lúc đó nên Chính phủ thuyết phục đại diện NLĐ có lộ trình, khoảng giãn để thực hiện điều 91 của Bộ luật lao động, dự kiến năm 2015, sau đó điều chỉnh đến năm 2017.

Chính phủ cần cương quyết thực hiện đúng lộ trình này, nghĩa là năm 2017 lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu. Đừng để NLĐ chờ đợi Chính phủ thực hiện điều đã được Quốc hội khóa XIII thông qua từ năm 2012.

Tôi thật sự thất vọng khi nghe một vị lãnh đạo phát biểu: “Tăng lương tối thiểu năm 2017 phải dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động xã hội”. Lương tối thiểu và lương là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, xin đừng lầm lẫn, dẫn đến thiệt thòi quyền lợi của NLĐ.

Nhiều DN phản đối vì cho rằng thực tế lương công nhân không tăng (vì đã được trả cao hơn lương tối thiểu) nhưng DN phải đóng thêm bảo hiểm xã hội (BHXH), công đoàn phí; có DN cho rằng với tình hình kinh tế hiện nay, lương tối thiểu đã gần chạm mức chịu đựng của họ, tăng nữa sẽ giảm tính cạnh tranh... Ông có thấy hợp lý không?

- Đã đến lúc không nên tiếp tục thâm dụng lao động giá rẻ nữa. Các chủ DN thường nói coi NLĐ là vốn quý nhất, vậy đừng nói lý thuyết suông.

Thực tế, nhiều DN bóc lột NLĐ rất tinh vi: chia nhỏ thu nhập của NLĐ thành nhiều khoản ngoài lương để giảm đóng BHXH, cắt xén, khấu trừ khoản phải trả. Như phụ cấp chuyên cần, phải đi làm đủ ngày, kể cả thời gian tăng ca mới được nhận; nữ công nhân có con nhỏ nghỉ một buổi vì con ốm là mất phụ cấp chuyên cần cả tháng...

Theo khảo sát của chúng tôi, lương chỉ chiếm 75-80% thu nhập của NLĐ, hầu hết công nhân phải làm tăng giờ mới đủ sống. Hơn 60% công nhân ngành dệt may, da giày phải tăng giờ, tăng ca, 20-25% thu nhập ngoài lương cơ bản là làm thêm giờ, trợ cấp, hỗ trợ.

Những tháng không làm thêm giờ hoặc chủ sử dụng lao động cắt giảm các khoản hỗ trợ, thu nhập của NLĐ giảm sút ngay, cuộc sống vô vàn khó khăn. Cũng có nhiều DN trả lương tối thiểu cao hơn nhiều so với quy định, kết quả là DN đó tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững hơn.

DN để có hiệu quả kinh doanh tốt hơn, tăng năng suất thì không nên tìm cách giảm, cắt lương thưởng của công nhân, mà cải tiến quản lý hiệu quả hơn, giảm chi phí sản xuất... để có nguồn tăng thu nhập và phúc lợi cho NLĐ. Tăng lương, cải thiện đời sống vật chất tinh thần để thu hút, gắn kết NLĐ với DN lâu dài, góp phần giúp DN phát triển ổn định, bền vững.

Trong HĐTLQG, các cuộc thương lượng giữa Tổng liên đoàn và VCCI, tiêu chí hàng đầu đặt ra là gì? Những “trả giá” lên xuống dựa trên cơ sở nào?

- Trong HĐTLQG gồm ba thành phần với số lượng ngang nhau: Bộ LĐ-TB&XH, Tổng liên đoàn và VCCI. Những năm qua, các cuộc thương lượng về lương tối thiểu như sau:

Quan điểm của Tổng liên đoàn: chưa đòi tăng lương, chỉ yêu cầu Chính phủ thực hiện điều 91 của Bộ luật lao động: điều chỉnh lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu. Trên cơ sở lương tối thiểu này, tổ chức công đoàn sẽ thương lượng cùng người sử dụng lao động tăng lương theo thỏa ước lao động tập thể được ký kết.

Quan điểm của VCCI: DN đang gặp khó khăn, hội nhập và cạnh tranh gay gắt, cần sự hỗ trợ của Chính phủ, chia sẻ của NLĐ. Tăng lương tối thiểu phải trên cơ sở tăng năng suất lao động, trong khi năng suất lao động của VN còn rất thấp nên chưa tăng cao được, quá sức chịu đựng của DN.

Quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH: luôn trung dung, đứng giữa hai quan điểm trên. Nhưng thường là quan điểm của bộ thế nào thì đó chính là thống nhất của HĐTLQG.

Từng chỉ đạo các thành viên của Tổng liên đoàn tham gia nhiều cuộc thương lượng nóng và căng thẳng, ông nhớ nhất câu chuyện nào trong các cuộc thương lượng ấy?

- Năm 2015, khi HĐTLQG họp bàn bạc, thống nhất mức đề xuất lương tối thiểu năm 2016, điệp khúc muôn thuở của VCCI là kinh tế trầm lắng, DN khó khăn, nếu lương tối thiểu tiệm cận với mức sống tối thiểu, DN chịu không nổi, phải đóng cửa, NLĐ mất việc nên họ giữ quan điểm chỉ tăng 5-6% so với năm 2015.

Trong khi Tổng liên đoàn đề nghị giữ lộ trình đến năm 2017 lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu nên đề xuất điều chỉnh tăng 17%. Đến phiên họp thứ ba mà khoảng cách giữa hai bên còn khá lớn, sau đó một vị lãnh đạo Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị chúng tôi nên chia sẻ với khó khăn của DN và dựa vào tăng trưởng kinh tế năm 2015, hạ xuống khoảng 10% là hợp lý.

Nhưng Tổng liên đoàn có cơ sở khoa học của mình: nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân (Chi phí lao động: kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho VN - PV), kết quả nghiên cứu của Viện Công nhân và công đoàn, thực trạng đời sống NLĐ...

Tôi, với tư cách chủ tịch Tổng liên đoàn lúc đó, cùng ông Mai Đức Chính, phó chủ tịch Tổng liên đoàn, đăng ký làm việc với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, thuyết phục lãnh đạo bộ: cần có lộ trình để thực hiện điều 91 Bộ luật lao động vào năm 2018, sau đó bộ đồng ý và mức điều chỉnh lương tối thiểu năm 2016 tăng 12,4%.

Kinh nghiệm của chúng tôi là chuẩn bị tài liệu thật đầy đủ, khoa học, vận dụng tất cả các cơ quan khoa học liên quan, kiên trì đấu tranh, thuyết phục, cung cấp thông tin thật đầy đủ cho các lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và Chính phủ.

Năm nay, HĐTLQG trình kết quả thống nhất 7,3% lên Chính phủ, Tổng liên đoàn có dự định sẽ tiếp tục trình bày để bảo vệ lý lẽ của mình?

- Với NLĐ đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, lương tăng được đồng nào quý đồng ấy, tổ chức công đoàn đấu tranh tăng lương được đồng nào đáng trân trọng đồng ấy.

Nhưng theo tôi, kết quả điều chỉnh lương tối thiểu năm 2017 không nằm trong mong muốn của tổ chức công đoàn, không đáp ứng được mong chờ của NLĐ. Tổng liên đoàn phải tiếp tục trình bày có cơ sở khoa học, kiên trì phân tích có tình có lý trước các phiên họp của Chính phủ và đề nghị Chính phủ nghiêm túc thực hiện luật đã được Quốc hội thông qua từ năm 2012.

Trước khi rời Tổng liên đoàn, ông có lời khuyên gì cho NLĐ và DN?

- Tôi muốn bày tỏ sự trân trọng và biết ơn cán bộ công đoàn và NLĐ cả nước đã tin tưởng, cộng tác và giúp đỡ tôi trong suốt nhiều năm qua.

Tôi đã cùng các lãnh đạo Tổng liên đoàn đã cố gắng, nỗ lực hết mình nhưng còn rất nhiều việc chưa làm được, chưa làm tốt hơn cho đoàn viên và NLĐ.

Tôi cũng biết ơn rất nhiều DN đã cộng tác với tổ chức công đoàn chăm lo tốt cho NLĐ, nhưng cũng không ít DN quá chú trọng đến lợi nhuận mà quên việc chăm lo cho NLĐ, thậm chí vẫn còn DN chi cho bữa ăn trước ca làm việc của công nhân dưới 15.000 đồng. Tôi muốn lãnh đạo các DN hãy đặt mình vào vị trí NLĐ và quan tâm chăm sóc thật sự đến NLĐ, đó chính là đầu tư chiều sâu cho DN của mình. ■

Ông Mai Đức Chính (phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN):

Chưa thực hiện được lộ trình để lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu

Mức đề xuất lương tối thiểu (LTT) năm 2017 ban đầu của Tổng liên đoàn là 11,11% dựa trên điều 91 của Bộ luật lao động quy định LTT phải đáp ứng mức sống tối thiểu (MSTT), đồng thời dựa trên tình hình sản xuất kinh doanh, chỉ số trượt giá CPI. Hiện mức LTT của năm 2016 chỉ đáp ứng 80% MSTT. Để bảo đảm LTT đáp ứng MSTT vào năm 2018 thì năm 2017 LTT phải tăng khoảng 10%. 

Tại buổi làm việc của HĐTLQG, đại diện giới DN đề xuất mức tăng 4-5%, tức chỉ bù tỉ lệ trượt giá dự kiến khoảng 5%, chưa tính đến lộ trình bù LTT, sau khi tranh luận cũng chỉ đồng ý mức tăng 6,5%. Phía Tổng liên đoàn nhận thấy kinh tế sáu tháng đầu năm không thuận lợi, chia sẻ nhưng chỉ đồng ý hạ xuống 10%. 

Tuy nhiên, sau khi bỏ phiếu thì mức LTT thống nhất là tăng trung bình 7,3%. Với mức này, chưa thực hiện được lộ trình để LTT đáp ứng MSTT đã đề ra để đảm bảo cuộc sống của NLĐ.

 

Ông Hoàng Quang Phòng (phó chủ tịch VCCI): 

Tăng 7,3% sẽ khó khăn cho doanh nghiệp

Mức tăng 7,3% vẫn chênh lệch khá cao so với đề xuất ban đầu 4-5% từ phía đại diện DN. Năm qua, thị trường, các điều kiện khác cho sản xuất kinh doanh không thuận lợi, tăng năng suất lao động không đạt yêu cầu đặt ra. Qua khảo sát, nhiều hiệp hội DN trong nước và cả nước ngoài đều kiến nghị không tăng LTT. Mức tăng 7,3% chắc chắn sẽ khó khăn cho DN, họ phải tính đến việc thu hẹp sản xuất và lao động. Tuy nhiên, HĐTLQG hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận và trên quan điểm chia sẻ với đời sống còn nhiều khó khăn của NLĐ nên chúng tôi chấp nhận tăng 7,3%. Có nghĩa nhiều chủ DN xác định kinh doanh không có lãi để giữ chân NLĐ, hi vọng tận dụng cơ hội có thể có của hội nhập để duy trì sản xuất. Trong bối cảnh như vậy, lộ trình mà Tổng liên đoàn đặt ra để LTT đáp ứng được MSTT sẽ rất khó đạt được và cần phải có sự điều chỉnh phù hợp.

VŨ THỦY ghi

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận