05/02/2018 11:15 GMT+7

Phía sau làn sóng sinh viên Trung Quốc hồi hương

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Sức hút từ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đang thuyết phục sinh viên du học nước này quay về, hay đằng sau đó là một cuộc chiến về ý thức hệ và văn hóa?

Phía sau làn sóng sinh viên Trung Quốc hồi hương - Ảnh 1.

Sinh viên Trung Quốc du học đang có chiều hướng hồi hương - Ảnh: REUTERS

Trong khi nước Mỹ đang tính đường bỏ dạng "xổ số visa" để hạn chế nhập cư, không phải lúc nào việc trở thành một công dân Mỹ cũng là nguyện ước. 

Tháng 2-2017, có hai nhà khoa học nổi tiếng bất ngờ bỏ quốc tịch Mỹ. Họ là Yang Chen Ning (Dương Tiên Ninh) và Yao Qizhi (Diêu Kỳ Trí). Một người là đồng tác giả Nobel vật lý năm 1957, một người từng được trao Turing Award năm 2000 - giải thưởng danh giá nhất của ngành máy tính.

Ngược dòng

Từ lâu nay, Trung Quốc nổi tiếng với tình trạng sinh viên "di cư" học tại các trường ở nước ngoài, với số lượng du học sinh đông nhất thế giới. 

Những người chấp nhận hồi hương được gọi là "rùa biển", rất được các công ty Trung Quốc chào đón. Tuy nhiên, bất chấp mức đãi ngộ cao hơn, việc thuyết phục sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp nước ngoài quay trở lại quê hương làm việc không đơn giản. Thông thường, phần lớn những sinh viên ấy sẽ ở lại nơi đang học chứ không về quê hương tìm kiếm cơ hội.

Tạp chí Forbes dẫn một báo cáo của Quỹ khoa học quốc gia Mỹ năm 2013 cho biết có tới 92% sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp với bằng tiến sĩ ở Mỹ vẫn sống tại đây 5 năm sau khi ra trường.

Nhưng trường hợp của ông Dương Tiên Ninh và ông Diêu Kỳ Trí, dẫu khập khiễng khi so sánh, vẫn được xem là tín hiệu điển hình của một cuộc di chuyển ngược dòng: nhân tài Trung Quốc giờ đây sẵn sàng quay về. 

Dữ liệu của Bộ Nhân lực và an ninh xã hội Trung Quốc công bố gần đây cho thấy năm 2016 chứng kiến 432.500 người hồi hương, một con số kỷ lục. Tỉ lệ hồi hương của sinh viên Trung Quốc du học cũng tăng lên khoảng 10% trong 4 năm qua: từ 72,38% của năm 2012 tới 82,23% của năm 2016. Chiều hướng gia tăng này còn rõ ràng hơn nếu so với 10 năm trước dữ liệu khảo sát, khi năm 2006 chỉ chứng kiến khoảng 1/3 du học sinh Trung Quốc chấp nhận về nước làm việc.

Vì Trung Quốc đang phát triển nhanh, nó cho chúng tôi cơ hội làm việc nhiều hơn bất kỳ quốc gia phương Tây nào. Ví dụ ở lĩnh vực Internet, Trung Quốc phát triển nhanh hơn châu Âu

Một chuyên gia truyền thông 26 tuổi tại tỉnh Tứ Xuyên từng tốt nghiệp ĐH Khoa học chính trị và kinh tế London (Anh) giải thích ngắn gọn

Vì đãi ngộ hay bị sốc văn hóa?

Lời giải thích đơn giản nhất cho chiều hướng hồi hương của du học sinh Trung Quốc là "đất lành chim đậu". Không gì khác, sự phát triển kinh tế bùng nổ của Trung Quốc, đặc biệt ở lĩnh vực công nghệ, chính là yếu tố thu hút nhân tài quay về phục vụ đất nước.

Kevin Diao, 29 tuổi, tốt nghiệp ĐH New York (Mỹ) ngành tài chính và kinh tế, thậm chí "chê" Phố Wall: "Nếu ở lại Phố Wall, tôi nghĩ mình có thể cùng lắm làm một giám đốc quản lý ở một số ngân hàng. Nhưng Trung Quốc thì khác. Thị trường đang vận động rất nhanh và vì thế có rất nhiều cơ hội".

Triển vọng nghề nghiệp cũng là lý do được Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và toàn cầu hóa (CCG) tán đồng. Hiện nay Trung Quốc được cho sẵn sàng cung cấp các vị trí điều hành cấp cao cho người được đào tạo ở các trường uy tín ngoài nước, trong khi đó yếu tố ngôn ngữ và văn hóa cũng thuyết phục du học sinh nước này cảm thấy an tâm hơn khi hoạt động tại Trung Quốc.

Tính tới cuối năm 2014, Trung Quốc có tổng cộng 305 doanh nghiệp khởi nghiệp ươm mầm đặc biệt cho du học sinh. Những vườn ươm này đã hỗ trợ 22.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, tuyển mộ 63.000 người hồi hương. Số liệu này đã tăng lên 347 vườn ươm và 27.000 doanh nghiệp khởi nghiệp hưởng lợi từ du học sinh.

45%. Cách đây 5 năm, số lượng du học sinh Trung Quốc là 339.700 người, trong đó có 186.200 người hồi hương, tức có tới 45% số lượng người du học không muốn về nước.

Nhưng bất chấp mọi thứ đang đi đúng hướng chiêu mộ nhân tài và nâng cao giá trị của trí tuệ Trung Quốc, đằng sau xu hướng hồi hương này có thể còn một động lực khác liên quan tới ý thức hệ. 

Thông tin từ báo South China Morning Post của Hong Kong nói rằng sinh viên Trung Quốc gặp lấn cấn trong nhận thức về chính trị, sự tự do và giá trị bản thân khi du học nước ngoài, đặc biệt tại Mỹ. Langou Lian, người từng thần tượng môi trường học đường tự do, phóng khoáng của Mỹ sau khi xem bộ phim High School Musical của kênh Disney, đã gần như "vỡ mộng" với thực tế ở Mỹ.

Những cuộc chiến về ý thức hệ tại Mỹ cũng như các nước châu Âu, rốt cuộc dường như đang đẩy sinh viên Trung Quốc vào suy nghĩ ngày càng yêu nước hơn, thay vì thay đổi tư duy của họ, báo South China Morning Post kết luận.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên