Phía sau chỉ số hạnh phúc

HẢI MINH 29/06/2012 20:06 GMT+7

TTCT - Thứ hạng cao trong xếp hạng chỉ số hạnh phúc thậm chí là một dấu hiệu cảnh báo chứ không phải là thứ để lạc quan tếu. Hiểu được thế nào là hạnh phúc, lại còn đo đếm được nó... liệu có dễ dàng như thế? Và có phải cứ tự hài lòng với bản thân là điều tốt?

Một gia đình đi nghỉ cuối tuần ở Bakersfield, California (Mỹ) - Ảnh: bakersfieldmom.com

Hạnh phúc làm sao đo đếm?

Những nhà kinh tế học và những nhà thống kê có thể đo đếm tỉ lệ thất nghiệp, tăng trưởng GDP, theo dõi giá nhà, báo cho bạn biết có bao nhiêu trường học và bệnh viện, nhưng cho tới giờ những nỗ lực đo đếm hạnh phúc của họ hoặc là gây ra tranh cãi dữ dội, hoặc là không thuyết phục được ai.

Thật ra, tin tức về việc Việt Nam hạnh phúc thứ hai thế giới theo đánh giá của Quỹ kinh tế mới (NEF) không phải là điều gì lạ. Trong các cuộc thăm dò dựa trên chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) mà NEF tiến hành thường niên, Việt Nam thường xếp hạng rất cao. Là một bảng xếp hạng rất được chú ý nhưng HPI của NEF cũng đầy nghịch lý khi các nước đang phát triển hoặc thậm chí là kém phát triển xếp hạng cao chót vót, vượt xa những nước công nghiệp giàu có và thịnh vượng.

Dễ dàng chỉ ra những bảng xếp hạng khác với cái nhìn thực tế hơn, các tiêu chí rõ ràng hơn là cái nhìn mơ hồ như “việc người dân có hài lòng với cuộc sống hiện giờ, tuổi thọ bình quân và sử dụng tài nguyên ít gây tác động tới môi trường” của NEF. Chẳng hạn, chỉ số phát triển con người (HDI) của Liên Hiệp Quốc với những đo lường rất cụ thể về tuổi thọ bình quân, tỉ lệ biết đọc, chất lượng giáo dục và các tiêu chuẩn sống...

Với cách tính toán phức tạp, bảng xếp hạng này vẫn cho thấy các nước giàu có như Na Uy, Úc, New Zealand, Mỹ... ở các thứ hạng cao, còn Việt Nam xếp hạng 128, thuộc nhóm trung bình thấp. Đây rõ ràng là một cái nhìn thực tế và hợp lý hơn hẳn để chúng ta biết mình đang ở đâu để còn cố gắng hơn.

Một chỉ số khác mà rất tiếc Việt Nam chưa được đưa vào nhóm có thể xếp hạng là chỉ số cuộc sống tốt đẹp hơn (Better Life Index, BLI) của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD). Là một báo cáo toàn diện về tình trạng cuộc sống ở các quốc gia, chỉ số này bao gồm một danh sách dài những yếu tố rất thực tế, bao gồm trước hết là thu nhập, rồi sở hữu nhà ở, xong mới đến sự hài lòng với cuộc sống. Chỉ số này cho thấy Úc xếp hạng nhất và Mỹ về thứ ba.

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa với tất cả mọi người, Úc là thiên đường hạ giới, nhưng có một điều chắc chắn đó phải là một nơi mà người dân hạnh phúc hơn so với phần lớn những quốc gia nghèo túng.

Cách đánh giá của OECD rất đáng học hỏi với 11 yếu tố có giá trị nhất trong đời sống. Đi đầu là những yếu tố định lượng rõ ràng: thu nhập, nhà ở (số phòng/dân số và diện tích nhà ở/dân số), việc làm (tỉ lệ có việc làm, tỉ lệ thất nghiệp dài hạn). Sau đó mới đến những yếu tố chủ quan qua thăm dò dư luận: mức độ hòa nhập của cộng đồng, mức độ hài lòng với cuộc sống và sự cân bằng công việc - cuộc sống.

Ở Việt Nam, với tinh thần lạc quan cố hữu, những yếu tố chủ quan như sự hài lòng với cuộc sống thường cao chót vót, bất chấp thực tế đời sống đầy gian nan, cách xếp hạng theo kiểu OECD hay HDI sẽ khiến chúng ta phải tỉnh ngộ.

Một festival ca nhạc ngoài trời ở Anh - nước đứng thứ 41 theo xếp hạng của NEF - Ảnh: reuters

Tâm lý học về hạnh phúc

Đáng bàn hơn, thứ hạng cao trong xếp hạng HPI thậm chí là một dấu hiệu cảnh báo, thay vì là một tin vui khiến nhiều người phải háo hức. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng cảm thấy hài lòng và hạnh phúc quá đáng so với thực tế không phải là điều tốt. Lạc quan quá trớn sẽ khiến bạn trở nên tự mãn, cả tin, ích kỷ, kém thành công hơn và đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng.

Một nghiên cứu của giáo sư tâm lý học June Gruber ở Đại học Yale (Mỹ) công bố năm 2005 cảnh báo các trải nghiệm tiêu cực là rất cần thiết để có một cuộc sống thành công, nhìn lại mình và phấn đấu hơn nữa thay vì tự hài lòng vội vã, điều mà không ít người Việt Nam đang nhấm nháp. Hạnh phúc, như Karl Marx tuyên bố, thật sự là đấu tranh, là hành trình, chứ không phải là đích đến.

Giáo sư Gruber so sánh hạnh phúc với thức ăn: dù cần thiết và có lợi, quá nhiều sẽ gây ra vấn đề. “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng cảm giác tích cực bất hợp lý sẽ dẫn đến những hành vi bất chấp rủi ro, sử dụng đồ uống có cồn quá trớn, thói quen ăn uống có hại và sự thờ ơ với cộng đồng xung quanh” - Gruber nói.

Nhà tâm lý học Edward Diener, một chuyên gia lâu năm về nghiên cứu hạnh phúc, nói sự nghiệp của bạn sẽ bị tổn thương nếu bạn cảm thấy quá hạnh phúc, sau khi phân tích thông tin từ hơn 16.000 người trên toàn thế giới trong một nghiên cứu kéo dài nhiều năm.

Những cuộc thăm dò của ông cũng nêu câu hỏi na ná trong HPI về sự hài lòng với cuộc sống hiện tại (cho thang điểm từ 1-5). Những người cảm thấy cuộc sống tràn ngập niềm vui khi còn trẻ sẽ có thu nhập thấp hơn trung bình khoảng 3.500 USD một năm sau khoảng 10 năm, từ cuối những năm 20 tuổi tới cuối những năm 30 tuổi. Những ai hài lòng với cuộc sống cũng thường bỏ học sớm hơn.

Diener giải thích những ai không trải qua nhiều lo toan vất vả trong đời sống hiếm khi thấy không hài lòng với công việc, do đó cảm thấy ít áp lực hơn để thay đổi, để học hỏi và tiến lên trong nấc thang sự nghiệp. Nói chung, cảm xúc mang tính thích nghi và làm chúng ta thay đổi hành vi.

Giận dữ là để chuẩn bị cho đấu tranh. Sợ hãi sẽ khiến chúng ta trốn chạy. Nỗi buồn và sự thất vọng làm gia tăng quyết tâm khiến chúng ta suy nghĩ mạch lạc hơn, còn hạnh phúc sẽ luôn mang tới sự hài lòng nghỉ ngơi.

Kể cả Bhutan

Bhutan, quốc gia đề xuất khái niệm “tổng hạnh phúc quốc gia” (Gross national happiness, GNH) thay vì “tổng sản phẩm quốc nội” (Gross domestic product, GDP) cũng xếp hạng cao trong tính toán HPI (13) nhưng xếp hạng rất thấp trong HDI (141).

Đánh giá về hạnh phúc theo kiểu mơ hồ ở quốc gia này được đề xuất từ năm 1972 và dần dần được hệ thống hóa thành một khái niệm nổi tiếng toàn thế giới. Giống như nhiều chỉ số xã hội và tâm lý học khác, GNH dễ tuyên bố hơn là được định nghĩa bằng toán học chính xác, thuyết phục.

Bốn trụ cột của GNH là phát triển bền vững, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường tự nhiên và quản trị quốc gia tốt. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng vì GNH phụ thuộc vào hàng loạt yếu tố chủ quan, các chính quyền có thể định nghĩa GNH theo cách có lợi cho họ và so sánh quốc tế là gần như không thể thực hiện trong mô hình này.

Từ đó đã nảy sinh khái niệm GNH thế hệ thứ hai mang tính định lượng hơn, coi hạnh phúc như một hàm các yếu tố xã hội và phát triển, được Med Jones, chủ tịch viện nghiên cứu quản lý, đề xuất năm 2006. Khái niệm GNH mới gồm bảy yếu tố: sự hài lòng về kinh tế, môi trường, sức khỏe thể chất, sức khỏe thần kinh, việc làm, xã hội và chính trị. Tuy nhiên, những đánh giá các yếu tố này cũng không được cụ thể.

Edward Diener, nhà tâm lý học của Đại học Illinois ở Urbana-Champaign được nhắc đến ở trên, có học thuyết của riêng ông về hạnh phúc, một khái niệm mà theo ông liên quan chặt chẽ tới chất lượng cuộc sống: “thu nhập cao, quyền con người, sự tự do cá nhân và bình đẳng trong xã hội”.

__________

Sự hài lòng - một khái niệm hẹp hơn hạnh phúc - thường được khảo sát như một trong ba chỉ số chính khi nghiên cứu về hạnh phúc. Những nghiên cứu mới nhất về yếu tố này ở Việt Nam cho thấy người dân chủ yếu hài lòng về gia đình, con cái và mức độ hài lòng cũng dựa trên những tiêu chí rất cụ thể của mức sống, điều kiện sống.

Một cảnh bình thường trong đời sống hằng ngày của người Việt Nam - Ảnh: Thuận Thắng

Một khảo sát trong khuôn khổ đề án của Đại học Quốc gia Hà Nội về “Sự hài lòng về cuộc sống” tại bốn tỉnh, thành phố là Hải Dương, Hà Nội, Bình Dương và TP.HCM trên 2.400 gia đình (năm 2011) cho thấy nhiều thông tin đáng lưu tâm về mức độ hài lòng của người Việt Nam trong cuộc sống. (Nghiên cứu sử dụng thang đo Likert cho điểm 5 bậc, trong đó 1 điểm là hoàn toàn không hài lòng, 5 điểm là hoàn toàn hài lòng).

Dân thành phố hạnh phúc hơn

Khảo sát cho thấy TP.HCM và Bình Dương là hai địa bàn mà những người được hỏi đánh giá mức độ hài lòng về hôn nhân thấp hơn so với Hà Nội và Hải Dương. Về giới tính, nam giới có xu hướng hài lòng về hôn nhân cao hơn so với nữ giới (4,5 so với 4,3). Có 68% nam giới được hỏi đánh giá hôn nhân hoàn toàn đáp ứng mong đợi của họ, trong khi tỉ lệ này ở nữ giới là 59%. Trong khi có 3,4% nữ giới cho rằng hôn nhân hoàn toàn không đáp ứng mong đợi của họ thì tỉ lệ này ở nam giới chỉ là 0,5%.

Mức độ hài lòng về hôn nhân của người dân đô thị được đánh giá cao hơn ở nông thôn. Về nghề nghiệp, công chức là nhóm có xu hướng hài lòng về hôn nhân cao nhất so với các nhóm khác: điểm số hài lòng của nhóm công chức cao hơn các nhóm như tiểu thủ công nghiệp, y dược, lao động tự do, không có việc làm. Tỉ lệ thuận với tình trạng và mức sống, nhóm có xu hướng hài lòng thấp nhất với hôn nhân là những người lao động tự do, thất nghiệp.

Sự hài lòng về con cái

Chăm lo về sức khỏe và học tập của con cái là những yếu tố được hầu hết gia đình quan tâm. Mức độ hài lòng về sức khỏe của con cao hơn mức độ hài lòng đối với học vấn của con (điểm trung bình 4,3 so với 3,9). Tỉ lệ người được hỏi đánh giá họ hoàn toàn hài lòng về sức khỏe của con (5 điểm) là 52,2% và đánh giá mức độ hài lòng ở thang điểm 4 là 28,3%. Như vậy có đến trên 80,5% số người được hỏi đánh giá sự hài lòng về sức khỏe của con ở thang điểm cao nhất.

Chỉ có 0,9% số người được hỏi cho rằng họ “hoàn toàn không hài lòng” về sức khỏe của con cái. Ở những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khá giả thì tỉ lệ đánh giá “hoàn toàn hài lòng” cao hơn so với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hơn. Theo đó, 72% những gia đình giàu hoàn toàn hài lòng về sức khỏe của con, con số này ở người nghèo và rất nghèo là 44,6% và 41,2%.

Đáng chú ý là so với các khía cạnh khác liên quan đến hôn nhân và con cái, sự hài lòng về học vấn của con có điểm trung bình khá thấp. Khi phân tích tần suất các mức độ hài lòng về học vấn của con, số liệu cho thấy tỉ lệ những người đánh giá điểm số hài lòng về học vấn của con ở mức cao nhất chỉ chiếm 38,6%.

Tỉ lệ những người đánh giá mức độ hài lòng ở mức trung bình (3 điểm) chiếm tỉ lệ khá cao: 23,5%. Các gia đình ở đô thị vẫn có mức độ hoàn toàn hài lòng về học vấn của con cao hơn gia đình ở nông thôn (48% và 36%). Tương tự, có sự khác biệt về sự hài lòng với học vấn của con theo mức sống, gia đình khá giả có sự hài lòng về học vấn của con cao hơn hai lần so với gia đình rất nghèo (43,3% và 20%).

Những phân tích ban đầu từ kết quả nghiên cứu của đề án này cho thấy mức độ hài lòng với các khía cạnh của đời sống gia đình (gồm hôn nhân, con cái, mối quan hệ với con cái) của người dân ở cả miền Bắc và Nam cao hơn so với các khía cạnh khác như hài lòng về kinh tế, nghề nghiệp, thu nhập hay điều kiện môi trường sống của họ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận