Quang cảnh buổi hội thảo |
Sáng 23-3, tại Hà Nội Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội - Bộ Lao động - Thương binh và xã hội phối hợp với tổ chức Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã có buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phi hình sự hóa mại dâm của New Zealand và vấn đề này tại Việt Nam.
Tại buổi hội thảo, đại diện Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cùng các chuyên gia đã đưa ra nhiều chia sẻ về vấn đề phi hình sự hóa mại dâm ở New Zealand trong chuyến tham quan học tập tại nước này trong thời gian vừa qua.
Ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBHX) - khẳng định việc phi hình sự hóa ở Việt Nam sẽ tạo nhiều đổi mới trong việc quản lý hoạt động mại dâm đang ngày càng phức tạp như hiện nay.
Ông cho biết, việc phi hình sự hóa mại dâm không có nghĩa là hợp pháp hóa hoạt động này. Việc này sẽ tạo môi trường an toàn hơn về bảo vệ nhân quyền và sức khỏe của những người tham gia hoạt động mua bán mại dâm.
Tại hội thảo cũng đưa ra nhiều ý kiến, khẳng định vai trò của việc áp dụng phi hình sự hóa mại dâm ở các nước, đặc biệt thành công nhất là New Zealand.
Theo đó, năm 2003, khi nước này thông qua luật này thì đã tăng khả năng bảo vệ cho người hoạt động mại dâm, mang lại những hiệu quả rất tốt sau đó.
Bà Ritsu Nacken, Phó Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhận định tình hình quản lý mại dâm ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề truyền thống, văn hóa, đây được coi là một trở ngại lớn khi tiến hành bảo vệ những người hoạt động mua dâm.
Cũng theo bà, chúng ta không nên coi những người mua bán dâm chỉ là những người cung cấp dịch vụ mại dâm mà cần giúp họ tham gia, tham vấn trong quá trình xây dựng luật về mại dâm để tự bảo vệ quyền của mình.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Quý - Chi Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP. Hồ Chí Minh bày tỏ sự tâm đắc đối với việc tổ chức quản lý người bán dâm thông qua Luật phi hình sự hóa mại dâm của New Zealand đã được Chính phủ nước này thông qua.
Theo ông Quý, TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa bàn phức tạp về vấn đề mại dâm trong cả nước bởi các hoạt động ngày một tinh vi, có nhiều hình thức trá hình khó kiểm soát.
Để thực hiện tốt công tác phòng chống mại dâm trên địa bàn TP nói riêng và trong cả nước nói chung trong giai đoàn 2016-2020 cần mạnh dạn thay đổi về tư duy quản lý, đặc biệt nếu cứ quá nặng nề về vấn đề đạo đức, thuần phong mỹ tục thì khó đạt được kết quả tốt.
Tại hội thảo cũng có nhiều vấn đề mà các chuyên gia cũng như nhà tổ chức chia sẻ đang gặp khó khăn như chênh lệch luật pháp hiện hành và những hoạt động phức tạp về mại dâm đang diễn ra. Đặc biệt là nhận thức của các cơ quan quản lý cũng như của người dân chưa thực sự hiểu hết về vấn đề này.
Kết thúc buổi chia sẻ, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập khẳng định việc phi hình sự hóa mại dâm được áp dụng ở Việt Nam chính là để bảo vệ quyền của người mua bán dâm, đảm bảo cung cấp và hỗ trợ tốt nhất về nhân quyền, dịch vụ y tế và sức khỏe cho họ.
Cũng theo ông Lập, trong năm 2016, Cục cùng các tổ chức nghiên cứu, khảo sát đồng hành sẽ đưa ra cũng như báo cáo đầy đủ thông tin về luật phi hình sự hóa mại dâm để trình lên các cơ quan có thẩm quyền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận