12/01/2024 12:42 GMT+7

Phi công lái Su-22 bị rơi kể lại quyết định sinh tử

Phi công lái máy bay Su-22 rơi ở Quảng Nam cho biết đã cố gắng điều khiển máy bay ra xa khu dân cư. Đến khi không thể nữa anh mới giật mạnh vòng dù ở dưới ghế để thoát khỏi máy bay.

Một máy bay Su-22 của Sư đoàn 372 đóng tại Đà Nẵng thực hiện bay huấn luyện - Ảnh: THỌ ĐÔNG

Một máy bay Su-22 của Sư đoàn 372 đóng tại Đà Nẵng thực hiện bay huấn luyện - Ảnh: THỌ ĐÔNG

Thoáng nghĩ đến việc có thể hy sinh

Đến sáng 12-1, sức khỏe của đại úy Đỗ Tiến Đức (phi đội trưởng phi đội 1, Trung đoàn 929, Sư đoàn 372) - người điều khiển máy bay Su-22 rơi ở Quảng Nam - đã tạm ổn định.

Còn đau nhức ở lưng và tiếp tục được theo dõi ở bệnh viện quân y theo chế độ quân đội, tuy nhiên tâm trạng đại úy Đức đã tốt lên rất nhiều.

Kể về chuyến bay đặc biệt sáng 9-1, đại úy Đức cho biết đây là chuyến bay huấn luyện thứ 2 trong ngày hôm đó.

Sáng đó anh thực hiện bài bay sát hạch đội hình biên đội 2 chiếc đường dài trực tiếp công kích mặt đất cùng một phi cơ nữa.

Khi điều khiển máy bay về vị trí chuẩn bị hạ cánh hướng về sân bay Đà Nẵng, anh làm động tác thả càng.

"Khi thả càng xong tôi tăng vòng quay lên 90%, tuy nhiên khi nhìn bảng đồng hồ thì thấy vòng quay động cơ không tăng mà chỉ ở mức tương đương với chế độ làm việc nhỏ nhất.

Lúc này vòng quay bị treo, không tăng giảm mà cố định nên chúng tôi xác định máy bay không thể hạ cánh trên đường băng được nữa" - đại úy Đức kể.

Anh thông báo cho chỉ huy bay và tiếp tục làm động tác tăng, giảm ga vài lần nữa, tuy nhiên thấy đồng hồ vòng quay động cơ vẫn không nhúc nhích mà độ cao giảm dần.

Lúc này cả phi công lẫn chỉ huy bay xác định động cơ có trục trặc kỹ thuật, không thể khắc phục sự cố trên không.

Nhìn thấy địa hình phía dưới phía Tây không có dân cư, trong khi phía trước là khu dân cư đông đúc nên đại úy Đức xin lệnh chỉ huy điều khiển bay về hướng Tây.

Lúc đó chỉ huy bay yêu cầu giữ tốt trạng thái, nhảy dù.

Thời điểm đại úy Đỗ Tiến Đức (phi đội trưởng Phi đội 1, Trung đoàn 929, Sư đoàn 372) bung dù được người dân ghi lại - Ảnh: Cắt từ clip

Thời điểm đại úy Đỗ Tiến Đức (phi đội trưởng Phi đội 1, Trung đoàn 929, Sư đoàn 372) bung dù được người dân ghi lại - Ảnh: Cắt từ clip

Phi công lái máy bay Su-22 mang số hiệu 5880 cho biết đã cố gắng lái máy bay về khu đất trống.

Khi thấy không còn tác dụng, thời cơ đã hết, anh mới dùng tay giật mạnh vòng dù ở dưới ghế phi công.

Đại úy Đức cho biết lúc đó trong đầu anh đã thoáng nghĩ đến việc có thể hy sinh trong tình huống này. Anh nhanh chóng hướng điều khiển sao cho an toàn bên dưới.

"Tôi đã cố gắng đưa máy bay xuống độ cao thấp nhất có thể, tốc độ thấp nhất có thể mới nhảy dù. Khi chân vừa chạm đất thì vòm dù cũng trùm lên ngọn cây dừa bên cạnh. Sau đó ít phút thì khoảng chục người dân kéo đến giúp đỡ" - đại úy Đức kể.

Nhẹ lòng khi tránh thiệt hại phía dưới

Đồng đội đến thăm đại úy Đỗ Tiến Đức tại Bệnh viện Quân Y 17 - Ảnh: THỌ ĐÔNG

Đồng đội đến thăm đại úy Đỗ Tiến Đức tại Bệnh viện Quân Y 17 - Ảnh: THỌ ĐÔNG

Phi công Đức cho biết sau khi được đưa về chăm sóc, biết được thông tin máy bay tránh được thiệt hại cho người dân bên dưới, anh đã nhẹ nhõm đi nhiều.

Đánh giá về tình huống này, thiếu tá Nguyễn Công Thủy, phó chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 929, cho biết có rất nhiều tình huống phát sinh trong quá trình huấn luyện.

Trong trường hợp này, phi công có thể nhảy dù theo lệnh của chỉ huy hoặc chủ động xử trí tình huống theo tình hình cụ thể.

Theo thiếu tá Thủy, ghế phóng nhảy dù có cấu tạo đặc biệt với lực phóng mạnh và tác động lớn đến phi công.

Trong tình huống này, phi công Đức để tránh gây thiệt hại cho bên dưới đã nhảy ở độ cao thấp nhưng vẫn tỉnh táo và xử lý tốt các tình huống, trở về an toàn.

Đại tá Hoàng Trung Kiên, chính ủy Sư đoàn 372, đánh giá mặc dù gặp tình huống bất trắc, phi công vẫn điều khiển máy bay tránh được khu dân cư dày đặc phía dưới, đây là điều may mắn nhất.

"Tôi đánh giá đồng chí Đức rất bản lĩnh, xử lý linh động, chuẩn xác tình huống này. Kết quả từ đó không có thiệt hại nhân mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại vật chất trong tai nạn lần này" - đại tá Kiên nói.

Điều may mắn nhất trong vụ máy bay gặp nạn là không có thiệt hại về nhân mạng - Ảnh: CÔNG TÂM

Điều may mắn nhất trong vụ máy bay gặp nạn là không có thiệt hại về nhân mạng - Ảnh: CÔNG TÂM

Sẽ mất hơn 10 ngày mới có kết quả nguyên nhân máy bay rơi Su-22

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại tá Hoàng Trung Kiên, chính ủy Sư đoàn 372, cho biết hiện nay các cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục giải mã các nguyên nhân gây tai nạn.

Để đi đến kết luận cuối cùng, phải điều tra từng chi tiết, giải mã hộp đen. "Kết luận cuối cùng về nguyên nhân sự cố cần phải chờ thêm ít nhất 10 ngày" - đại tá Kiên nói.

Máy bay rơi làm người dân bị thương, nhà hư hỏng, đền bù thế nào?Máy bay rơi làm người dân bị thương, nhà hư hỏng, đền bù thế nào?

Vụ máy bay rơi trong lúc huấn luyện tại Quảng Nam may mắn không gây thiệt hại nặng, tuy nhiên vẫn làm người dân bị thương phải nhập viện điều trị và gây hư hỏng nhà cửa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên