Quốc lộ 1A dài 2.301km, đi qua trung tâm 31 tỉnh thành của đất nước, bắt đầu từ Hữu Nghị quan (Lạng Sơn) và kết thúc tại thị trấn Năm Căn (Cà Mau). Là con đường hình thành từ thời Việt Nam bị chia cắt thành Đàng Trong và Đàng Ngoài và hoàn thiện từ đời vua Gia Long, đến thời Pháp thuộc được mở rộng, nâng cấp thành đường nhựa.
Từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia nhận định về con đường này như sau: ”Trong suốt lịch sử phát triển của mình, quốc lộ 1A đã thúc đẩy sự phát triển của các địa phương mà nó đi qua nhưng bản thân nó lại không được phát triển”.
Nhận định này không sai và cũng vì thiếu phát triển đúng mức trong thời gian qua nên quốc lộ 1A đã không đáp ứng được nhu cầu lưu thông và giao thương hiện nay của nền kinh tế VN.
Tính về sự cần thiết, việc cải tạo 1.446km của con đường huyết mạch quốc gia với số vốn 126.415 tỉ đồng (khoảng 6 tỉ USD) là việc nên làm. Nhưng liệu có hoàn thành đúng thời gian và làm cách nào để nó không mắc phải căn bệnh chậm trễ kinh niên vốn diễn ra ở nhiều công trình hạ tầng. Như đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, lẽ ra hoàn thành (theo kế hoạch ban đầu) vào năm 2007, thế nhưng đến nay mới thu phí dù còn nhiều hạng mục chưa hoàn thiện.
Con đường này phải đình chỉ thi công hai lần. Từ khi khởi động lập dự án đến lúc thi công hoàn chỉnh, đường cao tốc này mất đứt một thập niên.
Công bằng mà nói, so với giấc mơ lâu năm của nhiều người VN về một “đại lộ xuyên Việt” 1A thênh thang hơn để giúp nền kinh tế cất cánh thì chỉ thị của Thủ tướng không phải là sớm. Theo kế hoạch của Chính phủ, chỉ trong bốn năm (2012-2016), quốc lộ 1A đoạn Hà Nội - Cần Thơ được mở rộng lên sáu làn xe (bốn làn cơ giới, hai làn xe máy). Hoàn thành đúng kế hoạch, đó là một kỳ tích, nhất là trong lúc kinh tế cả trong và ngoài nước đều khó khăn, nguồn vốn hạn hẹp. Đây là đề bài khó mà Thủ tướng đặt ra cho Chính phủ và thử thách trước tiên với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng.
Cũng biết khó nên Thủ tướng đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải chia việc mở rộng quốc lộ 1A thành một số giai đoạn, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý của từng đoạn theo nhu cầu cấp thiết và khả năng huy động vốn để lập dự án đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) có sự tham gia vốn của Nhà nước; đồng thời cho phép Bộ Giao thông vận tải áp dụng cơ chế chỉ định thầu và được nhận sự hỗ trợ tối đa về giải tỏa đền bù của các địa phương có quốc lộ 1A đi qua.
Với cơ chế trên, việc của ông bộ trưởng là làm thế nào để quốc lộ 1A mở rộng được hoàn thành đúng vào năm 2016 với số kinh phí không bị đội lên do căn bệnh thi công trì trệ... Đó không chỉ là kỳ vọng mà còn là yêu cầu của Chính phủ, người dân với Bộ Giao thông vận tải.
Kể từ khi lên nhậm chức, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã xác định mình như một “tư lệnh ngành” và đòi hỏi sự toàn quyền hành động trong lĩnh vực mà ông phụ trách. Bây giờ, quyền mở rộng quốc lộ 1A đã được giao cho Bộ Giao thông vận tải và người dân trông chờ sự thể hiện của ông bộ trưởng trong việc hình thành giấc mơ con đường huyết mạch quốc gia thênh thang hơn. Công trình này rõ ràng là một phép thử đáng giá đối với một “tư lệnh ngành”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận