Thoại năm nay 16 tuổi, nhà ở nóc C72, thôn 4, xã Trà Cang (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Nơi Thoại ở phải cuốc bộ mấy tiếng đồng hồ mới tới được làng.
Đôi bàn chân "bị nhốt" trong đôi ủng
Ngồi ở lối vào ngôi nhà cấp 4 nằm sâu trong hẻm 36 đường Lê Duẩn (Đà Nẵng), Thoại nở nụ cười tươi vui, viên mãn.
"Anh Bình Nam xem nè. Em tập có mấy ngày mà giờ đôi lúc thả được nạng gỗ rồi đó. Em thấy chân mình thay đổi, lớp bột bọc bên ngoài đang khô dần, các vết thương phẫu thuật tươi ấm lại, nhanh tới mức em thấy chân mình ngứa ran và cựa quậy từng đêm" - Thoại ngước mắt lên nhìn người đàn ông xa lạ mà cậu chưa một lần quen biết, người thay đổi số phận của mình.
Anh Nam gập người xuống, lấy bàn tay sờ nắn lên vùng gót chân đang băng bột sau ca phẫu thuật của Thoại: "Anh mừng cho em lắm! Lành lặn rồi em có thể về làng leo núi, đi nương phụ mẹ, không phải đi ủng như lâu nay nữa".
Nhìn chàng trai Ca Dong trên núi cao trò chuyện với anh Nguyễn Bình Nam, người được ví như "ông tiên ông bụt" của hàng ngàn đứa trẻ vùng cao, khiến ai ngồi bên cũng lặng người.
Thoại là một trong những cô cậu người trên núi cao, ở vùng heo hút được anh Nam đưa xuống thành phố để kết nối phẫu thuật chân.
Nếu với người thành phố, một đứa trẻ chào đời khi bị chứng "khoèo chân" không quá khó để đi nắn chỉnh từ sớm, đưa đôi chân lành lặn trở lại. Nhưng ở trên núi cao điều đó đôi khi chỉ trông đợi vào phép màu.
Thoại là một cậu bé được đón nhận phép màu ấy. Cậu kể nhà có ba anh em, mình là con cả. Cha mẹ đều quanh năm bám lưng trên những dãy núi tới tối mịt mới về nhà để lo cái ăn cho cả nhà. Sinh ra và lớn lên, cho tới khi 2 tuổi Thoại mới biết rằng đôi chân mình không giống như bè bạn cùng trang lứa.
Anh Nguyễn Bình Nam kể hồi tháng 4, trong những lần lên núi xây trường và hỗ trợ trẻ vùng cao, anh được thầy cô giáo cắm núi dẫn đến nhà Thoại. Nhìn cậu bé hàm răng trắng đều, da ngăm nâu, cao dong dỏng và đôi lông màu rậm dày như một người đàn ông rám chắc của núi rừng, anh đã mường tượng rằng nếu không vì đôi chân tật nguyền có thể Thoại đã là một người khác: trưởng thành, vui vẻ và làm chủ cả đại ngàn Ngọc Linh.
"Nhưng Thoại lại xuất hiện trước mắt tôi một hình hài tội nghiệp, em chỉ tháo cặp ủng nhựa vào lúc đi ngủ mỗi đêm. Ban ngày đôi ủng ấy bọc nóng rẫy, dù bốc mùi hôi hám nhưng không một lần nào Thoại dám tháo ra. Thoại ái ngại với bàn chân tật nguyền của mình, chỉ nói với thầy giáo dạy mình về hình hài thật và bỏ chạy khi thấy bạn bè hùa nhau lại đòi kéo ủng ra khỏi chân" - anh Nam kể.
Phải mất rất nhiều lần vận động, tìm đủ cách, Thoại mới kéo đôi ủng ra và "biểu diễn" khả năng đi lại trên mặt đất cho anh Nam xem. Hình ảnh ấy được quay video lại, gửi cho một vị bác sĩ khả kính ở TP.HCM mà anh Nam quen.
Chỉ hai tuần sau, một chuyến bay khẩn được sắp đặt, đưa Thoại cùng một cậu bé khác mới lên 3 tuổi, cũng có đôi chân tật nguyền như Thoại, về TP.HCM. Hai cậu bé của núi rừng được trấn an, gây mê rồi đưa lên bàn mổ.
Lúc tỉnh lại, khi sờ nắn xuống vùng bàn chân, cả hai đều khóc òa lên khi thấy hướng các ngón chân không cúp vào nhau như trước nữa mà nằm im trong cục bột được bọc bên ngoài.
"Chú Nam ơi, con mình đi được rồi!"
Câu chuyện những đứa trẻ Ca Dong, Xê Đăng, Pa Kô... trên núi cao heo hút sống bế tắc và tưởng như chôn vùi số phận tàn tật với những đôi chân không thể đứng trên mặt đất, rồi một ngày được người dưng xa lạ chưa lần gặp mặt đón xuống núi để phẫu thuật nghe cứ như cổ tích.
Nhưng đó là cổ tích có thật. Cũng đẹp và kết thúc có hậu thường thấy, cổ tích được viết bởi người dưng trong câu chuyện tìm lại những đôi chân tật nguyền đều kết thúc trong nỗi vui mừng và có cả nước mắt.
Một ngày đầu tháng 6, sau chuyến bay từ TP.HCM đưa cậu con trai tên Hồ Minh Lãnh (tên thường gọi là Bum) trở về nhà trọ được anh Nguyễn Bình Nam thuê cho ở để tập vật lý trị liệu, trong lúc đưa con ra hành lang ngồi chơi, người mẹ trẻ Hồ Thị Dan bỗng hét thất thanh một cách sung sướng khi thấy con mình tự bước đi chập chững.
"Chú Nam ơi, Bum đi được rồi! Ôi Yang (thần) ơi!" - chị Dan gọi tên người ân nhân đã giúp đỡ hai mẹ con trong hành trình tìm lại đôi chân cho con, rồi cứ thế nước mắt rơi. Những giọt nước mắt nóng rẫy và hạnh phúc tột độ từ một người mẹ đơn thân, khắc khổ và số phận nghiệt ngã.
Dan năm nay 24 tuổi, cùng làng và được anh Nguyễn Bình Nam tìm đến rồi đưa xuống thành phố để phẫu thuật tìm lại đôi chân cho con trong câu chuyện như Nguyễn Văn Thoại. Dan từng là một cô gái đẹp của làng, khi yêu thương vừa chớm nở, cô quen một chàng trai gần làng và có bầu. Dan phải ôm cái bụng đội dần lên sau lớp áo về nhà cha mẹ đẻ để sinh nở, nuôi con một mình vì người cô yêu thương đã chối từ giọt máu của chính mình.
Dan bật khóc và nói rằng có lúc cô đã nghĩ đến việc ra bìa rẫy ăn lá ngón vì buồn giận. Khi sinh Bum ra, cầm bàn tay sờ nắn lên hai bàn chân đỏ hỏn, non nớt, cô khóc trong bế tắc vì biết con mình tật nguyền.
Câu chuyện đến tai thầy cô giáo. Như một duyên lành dẫn dắt, "chú Bình Nam" - cái tên rất nhiều người trên núi cao thường gọi dành cho anh Nguyễn Bình Nam - lại đến. Cũng như Thoại, phép màu đưa đôi chân lành lặn lại được thực hiện. Nhưng với Bum, việc phẫu thuật lại diễn ra đơn giản, hồi phục nhanh hơn do Bum mới lên 3 tuổi, đôi chân chưa biến dạng như những người dị tật lâu năm.
Sau khi đưa đi TP.HCM phẫu thuật, nắn chỉnh xương, Bum được "chú Bình Nam" đưa về Đà Nẵng. Ở đó, Bum cùng mấy gia đình khác có con vừa được phẫu thuật chân được thuê cho một phòng trọ để hằng ngày đi viện tập vật lý trị liệu.
Hằng ngày, những gia đình nhỏ không ở trọ mà ghé qua nhà "chú Bình Nam" để chơi, cùng nấu cơm, tắm giặt, ăn uống vì "ở nhà chú Nam vui hơn nhà trọ". Nhà chú Nam có một dải hành lang dài khoảng 50m dẫn vào cửa nhà. Đó là không gian vui chơi, hóng mát của mọi người và cũng là nơi chứng kiến những khoảnh khắc kỳ diệu đánh dấu sự thay đổi cả một số phận con người.
Một buổi sáng, người mẹ trẻ Hồ Thị Dan ngồi ở chiếc ghế tre trong bậc thềm ngó cậu con trai của mình chơi đùa ở khoảnh sân. Bum bỗng nhấc mông khỏi mặt đất, tự đứng lên chập chững rồi ngã xuống sõng soài, khóc thét vì đau đớn.
Khoảnh khắc ấy kỳ diệu tới mức khiến Dan giật bắn người, nhảy cẫng reo lên sung sướng. "Chú Bình Nam ơi, Bum đi được rồi kìa!" - Dan hét lên khi thấy con mình chập chững. Đó là những bước đi đầu đời mà Dan đã khao khát nhìn thấy suốt từ ngày ôm cục thịt đỏ hỏn bọc trong tấm khăn để về nhà cha mẹ đẻ.
Người đổi phận những cuộc đời
Anh Nguyễn Bình Nam hiện công tác tại một cơ quan nhà nước ở Đà Nẵng, là một thủ lĩnh của nhiều hoạt động thiện nguyện hướng về đồng bào vùng cao.
Anh Nam nói rằng câu chuyện đưa những đứa trẻ trên núi cao đi xuống thành phố phẫu thuật bắt đầu khi anh xem một chương trình trên tivi và thấy đang có quá nhiều những em nhỏ vùng xa vì thiếu kinh phí, thiếu điều kiện mà chấp nhận sống cả cuộc đời buồn bã trên đôi chân dị hình.
Khi chia sẻ mong muốn có những y bác sĩ giỏi về chỉnh hình, anh Nam viết nguyện ước mình lên trang cá nhân trên mạng xã hội và được một bác sĩ có tên là Rened Esser tại TP.HCM liên hệ. Người này nói sẽ nhận phẫu thuật, hỗ trợ ăn ở miễn phí cho tất cả những bệnh nhân bị khoèo chân mà anh Nam giới thiệu.
Câu chuyện như cơ duyên ấy tới nay đã giúp nhiều đứa trẻ từ Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi... được phẫu thuật và lành lặn lại đôi chân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận